03/10/2017 21:34 GMT+7

Những kẻ trốn tù: Kỳ cuối: Không thoát!

TTO - Dù có giỏi trốn cách mấy, kẻ đào tẩu khỏi trại giam cũng không thể trốn được cả đời.

Những kẻ trốn tù: Kỳ cuối:  Không thoát! - Ảnh 1.

Học viên trại Xuân Phước sinh hoạt tự quản - Ảnh: TT

Thăng về Công ty Cao su Dầu Tiếng đọc lệnh bắt Sum. Trả được món nợ trách nhiệm đeo đẳng suốt 20 năm ròng rã nhưng Thăng không hề vui, chỉ thấy xót xa

Phó công an xã là tù nhân trốn trại

Ngô Tấn Phát sinh năm 1956, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Đang phục vụ quân đội, Phát phạm tội giết người bị Tòa án quân sự Quân khu V xử chung thân. 

Ngồi tù đến tháng 7-1993, anh ta bỏ trốn khi đi lao động đốt than. Phát lang thang khắp các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk rồi Gia Lai, tìm đến những gia đình có người từng phục vụ quân đội lân la xin làm thuê, ngày đi đêm ngủ. Một thời gian lại bỏ đi nơi khác.

Cuối cùng, Phát tìm đến xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, Đắk Lắk, khai tên Huỳnh Văn Bảy, bộ đội xuất ngũ bị mất giấy tờ. Anh ta nhập hộ khẩu, sinh sống bằng nghề làm rẫy. 

Năm 1994, Phát lập gia đình với chị Trần Thị Tờ, sinh năm 1961, từng có chồng và một con riêng. Dù Phát thú thật thân phận nhưng chị Tờ vẫn bằng lòng lấy Phát. 

Chí thú làm ăn, Phát trở thành thôn trưởng thôn Xuyên Tân kiêm hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Đức Xuyên.

Đối với trung tá Nguyễn Đình Lư, đội trưởng đội trinh sát của trại Xuân Phước, vụ trốn tù của Ngô Tấn Phát xảy ra đã quá lâu, bản thân anh chẳng có ấn tượng gì nhiều với người này. 

Thế nhưng, năm nào trung tá Lư cũng phải lật lại hồ sơ các đối tượng truy nã. Cái tên Ngô Tấn Phát thì cứ lưu cữu. Lý lịch của anh ta trung tá Lư cũng thuộc lòng.

Xác minh ở Quảng Nam, trung tá Lư được biết Phát đang sinh sống ở Đắk Lắk nhưng tuyệt nhiên không ai biết ở xã, huyện nào. Tình cờ anh nắm được thông tin xã Đức Xuyên là nơi quy tụ toàn người Quảng Nam lên lập nghiệp. 

Lục lọi hết danh sách "cán bộ xuất ngũ" địa phương này, anh tìm ra được Huỳnh Văn Bảy, lúc này đã có hai mặt con, đứa lớn 10 tuổi, đứa bé mới 5 tuổi. Quả nhiên, xác minh đối chiếu, Huỳnh Văn Bảy chính là kẻ trốn tù Ngô Tấn Phát năm nào.

Khi công an vào đọc lệnh bắt, Ngô Tấn Phát không hề chống cự. Chị vợ cũng chẳng phản ứng hay tỏ ra ngạc nhiên. 

Về đến trại, Bảy, tức Phát, thú thật: "Lâu quá chính tôi cũng quên mất thân phận trốn tù của mình nên chẳng đề phòng gì cả. Nếu không, tôi đã trốn trước khi cán bộ vào". 

Trung tá Lư giật cả mình vì tin chắc Phát nói thật. Khi bị bắt Phát đang giữ chức... phó công an xã Đức Xuyên, được cấp thẻ đàng hoàng!

Những kẻ trốn tù: Kỳ cuối:  Không thoát! - Ảnh 3.

Việc kiểm tra phạm nhân trước và sau giờ lao động đều do tổ phạm nhân tự quản đảm trách - Ảnh TT


Những cuộc trốn tù không tưởng của Phước 8 ngón và Hùng thẹo

TTO - Những kẻ tù cao án nặng luôn tìm cách trốn. Muốn trốn ắt sẽ nghĩ ra cách, đôi khi không tưởng. Và những cuộc vượt ngục của Phước "tám ngón", Hùng "thẹo" vẫn thường xuyên được nhắc đến.

Giấu mình hơn 20 năm

Năm 1979, Nguyễn Bá Thăng chỉ mới là một người lính. Ngô Văn Sum cũng mới 17 tuổi. Đang là du kích ở xã Ia Lâu, Chư Prông, Sum dại dột tham gia một toán cướp có vũ trang, phải lãnh án 16 năm tù. Một năm sau ở trại T15, Gia Lai, Sum bỏ trốn.

Gần 20 năm sau, khi đã là một cán bộ đội trinh sát công an trại giam Gia Trung, Thăng vẫn chưa quên người tù bỏ trốn Ngô Văn Sum. 

Thuộc làu lai lịch, các mối quan hệ của đối tượng nhưng dấu tích của anh ta thì Thăng vẫn mịt mờ. 

Quê cũ ở Nhơn Phúc, An Nhơn, Bình Định, nhưng cha mẹ đã chuyển lên sinh sống ở Đức Trọng, Lâm Đồng, anh em ruột mỗi người ở một tỉnh, có hỏi họ cũng sẽ nại cớ để không khai ra Sum.

Cuối cùng Thăng tìm được một người em gái của Sum đang ở xã Ia Nốp, huyện Chư Sê, Gia Lai. Anh mang theo một bao tiền vào hỏi mua rẫy cà phê. Trong câu chuyện, Thăng để lộ ra mình là "người Nhơn Phúc" sinh năm 1959, "tuổi hanh thông, làm ăn phát đạt nên mới có tiền đi xa mua thêm rẫy". 

Chủ nhà buột miệng: "Ông anh em cũng dân Nhơn Phúc, sinh năm 1959 mà sao khổ quá trời!". "Ai vậy? Cùng tuổi, cùng quê, chắc chắn là bạn học cũ, sao tôi không biết?". 

Được lời, cô gái cố gợi cho Thăng nhớ về một ông anh Ngô Văn Sum, rời làng đã hơn chục năm, giờ thay tên là Ngô Văn Bình ở Công ty Cao su Dầu Tiếng, Bình Dương, đã có vợ, năm đứa con, đứa nhỏ nhất mới lẫm chẫm. Còn phải nuôi thêm mẹ già nên Sum, tức Bình, thậm khổ...

Thăng đề nghị em gái Sum để anh "lên thăm, giúp thằng bạn cũ ít tiền", cô sốt sắng vẽ đường cho anh ngay.

Tháng 4-2000, Thăng về Công ty Cao su Dầu Tiếng đọc lệnh bắt Sum. Trả được món nợ trách nhiệm đeo đẳng suốt 20 năm ròng rã nhưng Thăng không hề vui, chỉ thấy xót xa. Rất đông người thân, người quen của Sum hay tin đã kéo nhau ra UBND huyện ngồi khóc vì thương Sum. 

Suốt 20 năm lẩn trốn, anh ta không hề gây thêm tội lỗi nào, chưa bao giờ to tiếng với ai. Nghe đọc lệnh bắt, Sum không kháng cự, chỉ nhìn đàn con nước mắt chảy dài. Cả công ty, lãnh đạo xã đều làm đơn bảo lãnh xin không bắt Sum đi tù. 

Nhưng luật là luật, tự nó vốn đã lạnh lùng. Anh công an đi truy bắt chỉ có thể vét hết tiền trong túi gửi lại hàng xóm nhờ mua giúp ít gạo mắm cho những đứa con của Sum vừa mới buộc phải vắng cha!

Những kẻ trốn tù: Kỳ cuối:  Không thoát! - Ảnh 5.

Thẻ công an xã của Phát mang tên giả Huỳnh Văn Bảy và ảnh Ngô Tấn Phát trong hồ sơ - Ảnh CA cung cấp

Chiêu thức "dụ rắn rời hang"

Vụ truy bắt Võ Văn Hiền dù chỉ mất bốn tháng nhưng khá kỳ công vì có yếu tố nước ngoài. Hiền quê ở Pleiku, án 19 năm 10 tháng 13 ngày. Bị giam giữ tại trại T20, Hiền từng bỏ trốn vào TP.HCM tiếp tục gây án và bị bắt lại. 

Về trại Gia Trung, Hiền được bố trí lao động tại khu vực sản xuất chén hứng mủ cao su thì bỏ trốn. Vừa ăn xin, Hiền vừa đón xe đò về bến xe An Sương và biến mất.

Trong hồ sơ có chi tiết là Hiền rất máu đỏ đen, từng sống nhờ nghề bạc bịp nên trinh sát lần theo những đường dây cờ bạc từ TP.HCM sang tận những casino bên đất Campuchia thì dấu vết Hiền mất tăm.

Sau bốn tháng truy lùng, cơ sở của trại mới phát hiện "một gã lạ, người Bắc, suốt ngày ở casino, thắng nhiều hơn thua nhưng không thắng lớn". 

Không thể vào casino bắt người trên đất bạn, trại Gia Trung cùng Công an huyện Bến Cầu (Tây Ninh) áp dụng kế "dụ rắn rời hang".

Theo đó, lần lượt các mánh lới bài bạc bịp của Hiền được các casino nắm được. Quả nhiên, Hiền thua xiểng liểng chứ không còn thắng liên tục như trước đó, đành ký giấy nợ và ngoan ngoãn chấp hành lệnh trục xuất về Việt Nam của cảnh sát nước này. 

Sáng 9-1-2008, Hiền bước qua cửa khẩu Bến Cầu và trố mắt khi thấy được đón bởi những trinh sát truy bắt của trại giam Gia Trung.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên