01/07/2017 09:45 GMT+7

Những hợp đồng thảm họa của bóng đá Trung Quốc

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Những siêu sao mà các CLB Trung Quốc vung hàng chục triệu USD để mua về đang mang đến những hình ảnh xấu xí hơn là sự mãn nhãn trên sân bóng.

Hành động nhại lại khuôn mặt người Trung Quốc gây tranh cãi của Lavezzi. Ảnh: THE SUN

Trong trận Beijing Guoan hòa Jiangsu Suning 0-0 ở vòng 14, tiền đạo người Thổ Nhĩ Kỳ Burak Yilmaz trở thành cái tên mới nhất khiến tình trạng bạo lực sân cỏ ở Giải vô địch Trung Quốc (China Super League) càng thêm phần tồi tệ. Sau một pha va chạm, Yilmaz cùng các cầu thủ Jiangsu xô xát trước khi vung tay tát vào mặt đối thủ, dẫn đến việc bị đuổi ngay sau đó.

Yilmaz chỉ là một trong vô số ví dụ cho thấy hiện trạng của China Super League lúc này. Hầu như mỗi vòng đấu đều có những sự cố bạo lực và tất cả đều xuất phát từ những siêu sao nước ngoài. Cụ thể vòng 8, Hulk bị cáo buộc đấm trợ lý HLV Yu Ming trong đường hầm ở trận Shanghai SIPG thắng Guizhou 3-0. Vòng 13, Oscar cố ý sút bóng vào người đối thủ dẫn đến việc bị cả đội Guangzhou R&F phẫn nộ tấn công...

China Super League 2017 thực sự đang rất “nhộn nhịp”. Tất nhiên, không thể phủ nhận sự đóng góp về mặt chuyên môn của các ngôi sao ngoại binh. Lavezzi sau mùa giải thảm họa đầu tiên đang có phong độ không đến nỗi nào mùa này, khi ghi được 4 bàn và kiến tạo 9 lần sau 12 trận thi đấu cho Hebei. Hulk đã ghi 9 bàn cho Shanghai SIPG và ngay cả chân sút ít tên tuổi như Yilmaz cũng có được 8 bàn cho Beijing Guoan. Không phải tất cả ngôi sao đắt giá mà các CLB Trung Quốc dốc túi mang về đều chơi tệ như Carlos Tevez (Shanghai Shenhua) hay Jackson Martinez (Guangzhou Evergrande).

Nhưng những rắc rối mà các siêu sao này mang đến dường như còn lớn hơn sự tích cực trong sân cỏ. Không chỉ chơi bạo lực, nhiều cầu thủ ngoại còn không được lòng CĐV nhà vì những hành động thiếu suy nghĩ của mình. Tháng 5 vừa qua, Lavezzi khiến CĐV Trung Quốc một phen dậy sóng vì tấm ảnh chụp trong tư thế nhại lại đôi mắt híp của người bản địa. Sau khi hứng chịu vô số chỉ trích, Lavezzi đã phải lên tiếng xin lỗi, phủ nhận việc anh cười nhạo người Trung Quốc. Trước đó, Hulk cũng bị HLV Li Bing của Guizhou cáo buộc có thái độ “xem thường người Trung Quốc”.

Cách hành xử tiêu cực cả trong lẫn ngoài sân cỏ của những ngoại binh, đặc biệt là những ngôi sao đến từ Nam Mỹ, đang khiến CĐV Trung Quốc phải thay đổi dần cách nhìn nhận của họ đối với những thần tượng. “Họ nghĩ rằng họ là trung tâm của đội bóng và không cần phải tập luyện tích cực, kỷ luật như những cầu thủ khác vì họ kiếm được nhiều tiền hơn, giàu kinh nghiệm hơn” - Yang Qinnong, CĐV cuồng nhiệt của Shanghai SIPG, nói khi Hãng tin AFP thực hiện cuộc thăm dò cộng đồng người hâm mộ Trung Quốc. Liu Yuan - CĐV của Shanghai Shenhua - nói: “Các cầu thủ nước ngoài không hề cố gắng thay đổi thái độ, họ đến Trung Quốc chỉ vì hưởng mức lương cao”.

Trước Trung Quốc, từng có nhiều giải đấu gây tiếng vang nhờ việc vung tiền rước về các ngôi sao ngoại như Nga, Qatar, Mỹ. Tuy có thành công có thất bại, nhưng không một giải đấu nào những cầu thủ chuyên nghiệp từng thi đấu cho các CLB hàng đầu châu Âu lại thể hiện rõ thái độ vô kỷ luật như ở Trung Quốc.

Những cầu thủ “hạng 2” tỏa sáng

Trong số những bản hợp đồng “bom tấn”, chỉ mỗi Hulk đang cho thấy anh xứng đáng với khoản tiền khổng lồ Shanghai SIPG bỏ ra. Trái lại, những cầu thủ ngoại “hạng 2” lại đang tỏa sáng rực rỡ. Điển hình trong top 5 cầu thủ dẫn đầu danh sách vua phá lưới mùa này (có Hulk) có đến 3 người thuộc diện “vô danh” gồm Ricardo Goulart (11 bàn), Eran Zahavi (11 bàn) và Diego Tardelli (9 bàn). Người còn lại là Lei Wu - cầu thủ bản địa.

Shandong Luneng chỉ phải bỏ ra 3 triệu euro mua Tardelli, Guangzhou R&F cũng chỉ mua Zahavi với 7 triệu euro. Còn Goulart - người chưa từng sang châu Âu chơi bóng - được định giá 13 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên