Sau dịch COVID-19, tỉ lệ người mắc rối loạn tâm thần không ngừng tăng lên, vì vậy việc xúi giục này tác động tiêu cực, có thể dẫn đến những hành vi nguy hiểm.
Hiển nhiên xúi giục nhau tự tử
Nhiều hội nhóm trên Facebook có hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn thành viên tham gia, xúi giục nhau tự tử. Các nhóm này hình thành và lấy nhiều tên gọi như: "Hội những người muốn tự tử", "Hội những người tìm cách tự tử không đau", "Hội những người chán ghét cuộc sống, muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử sau khi biết điểm thi"...
Mặc dù được ghi rõ thông tin nhóm tự tử không hẳn là để tự tử mà đặt tên nhóm thế này để nhắm vào những người có ý định tự tử, để chia sẻ nỗi buồn và lo âu, giải tỏa áp lực, nhưng sau khi có bài viết được đăng tải, thay vì động viên, nhiều người lại "nhảy vào" xúi giục những chủ nhân các bài viết tìm đến cái chết.
Các bài viết được đăng tải với nội dung chủ yếu chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn mình gặp phải như: gia đình bị phá sản, ngoại hình không như mong muốn, trầm cảm trong thời gian dài, điểm thi thấp, bị cô lập trong lớp học..., đang chán nản lại bị "chỉ dạy" nên dễ có hành vi làm hại bản thân hơn.
Nhiều tài khoản còn xúi giục cụ thể những cách tự tử như: sử dụng các loại thuốc độc, uống thuốc quá liều, thậm chí tác động hành vi để nhanh chết.
Một bài viết của tài khoản T.D. đăng tải trên nhóm "Hội những người muốn tự tử" với hơn 117.000 thành viên với nội dung tìm đến cái chết êm nhẹ, không gây ra đau đớn.
Dưới bài viết có đến hàng trăm bình luận của nhiều người khuyến khích tìm đến cái chết từ việc dùng thuốc, xúi giục thực hiện hành vi nguy hiểm. Thậm chí, nhiều tài khoản còn bán cả các loại... chất độc.
Không thể xem thường!
Thạc sĩ Trần Quang Trọng - khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết đối với những bệnh nhân gặp phải các rối loạn tâm lý như trầm cảm, sang chấn tâm lý luôn muốn tìm hiểu xem xung quanh có ai bị những vấn đề giống mình không. Đa phần họ sẽ tìm tới những nguồn lực xung quanh để có được sự đồng cảm, chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu không có được những nguồn lực xung quanh, họ có thể tham gia những hội nhóm trên mạng xã hội để tìm sự xoa dịu một phần cảm xúc mà họ đang gặp phải. Ngoài ra, trên thực tế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng khó khăn hơn việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội.
Trong những lúc rơi vào trạng thái trầm cảm bệnh nhân rất bế tắc, để giải thoát, người bệnh có thể rất dễ thực hiện hành vi tự sát nếu được xúi giục.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân - viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay những người có ý định tự sát thường nói về tự tử, chết chóc, không có lý do để sống. Họ dành nhiều thời gian bận tâm với cái chết; thu rút khỏi bạn bè hoặc hoạt động xã hội; mất hứng thú với sở thích, công việc, trường học và chuẩn bị cho cái chết.
"Những người này thậm chí sẽ cho đi những tài sản có giá trị cao; hoặc mất sự quan tâm đến diện mạo cá nhân của họ; tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy; phải đối mặt với tình trạng bị kỳ thị hoặc thất bại; có tiền sử bạo lực hoặc thù địch; không có thiện ý "kết nối" với những người giúp đỡ tiềm năng", bác sĩ Vân nêu.
Cần cứu người có nguy cơ tự tử
ThS Đặng Thị Hải Yến - phòng tâm lý lâm sàng, viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cũng cho rằng việc phát hiện sớm người có nguy cơ tự tử rất quan trọng.
Khi phát hiện người có vấn đề về tâm lý, stress, trầm cảm... cần được can thiệp sớm. Nếu tình trạng rối loạn trầm cảm, sang chấn tâm lý kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến tự sát.
Các bác sĩ khuyến cáo khi gặp vấn đề về tâm lý, người bệnh nên đến gặp chuyên gia tâm lý và tâm thần để được trợ giúp, hoặc khi thấy người thân của mình có ý định tự tử có thể liên hệ cơ quan y tế để được trợ giúp.
Trong trường hợp nhận thấy người thân có những biểu hiện trên, cần chăm sóc cho họ cả nhu cầu về tinh thần và thể chất. Tốt nhất, hãy đưa người thân đến cơ sở y tế để nhận được sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần, y tế liên tục.
Hướng dẫn họ kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và cách xử lý tranh chấp phi bạo lực.
Đặc biệt, cần ngăn họ tiếp cận với những nguồn thông tin xúi giục, phương tiện có nguy cơ gây chết người.
Sức khỏe tâm thần hay bị bỏ quên
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là một trong những lĩnh vực sức khỏe cộng đồng bị bỏ quên nhiều nhất.
Năm 2019, ước tính có khoảng 703.000 người trên thế giới ở tất cả độ tuổi chết do tự tử. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hàng tỉ người trên thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng về mặt sức khỏe tâm thần.
Tại Việt Nam, số liệu công bố của Bộ Y tế cho thấy hiện nay tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9%, nghĩa là có gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Tỉ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47%, trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận