Sau cơn lũ, đường đến trường của em Hoàng Anh Ngọc, học sinh lớp 9 Trường THCS Phúc Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), càng thêm khó khăn - Ảnh: TẤN VŨ |
Ở xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) có những học trò như vậy.
Cậu học trò khóc thầm dưới bếp
Thầy Trần Anh Tuấn, hiệu phó Trường THCS Phúc Trạch, đang tất tả thông tin cho các nhà hảo tâm, nhà báo cùng giúp học trò của mình. Thầy nói các anh chị nhà báo gắng giúp những hoàn cảnh khó khăn của học trò, nếu không tương lai các em đi vào ngõ cụt.
“Các anh cứ đi với tôi về thăm nhà các cháu. Tuần vừa rồi tôi đi đến từng nhà vận động các em đi học lại. Các em nghèo nhưng ham học. Ai cũng đứt ruột khi thấy các em bật khóc vì phải lìa sách vở” - thầy Tuấn nói như nài nỉ.
Chúng tôi đến nhà em Hoàng Anh Ngọc, học sinh lớp 9 Trường THCS Phúc Trạch. Căn nhà của Ngọc trống hoác, gió lùa thông thốc, lạnh tanh, đồ vật có giá trị nhất trong nhà là cái bàn thờ với di ảnh của cha và tấm ảnh mới của mẹ.
Thoạt nhìn Anh Ngọc, ai cũng tưởng em là một học sinh lớp 3. Người Ngọc gầy còm, dáng đi liêu xiêu, cậu bé lớp 9 có nước da xanh tái, với đôi mắt hoắm sâu như người mất ngủ.
Ôm cậu học trò vào lòng, thầy Tuấn bảo: “Nếu em còn ba mẹ đầy đủ, cơm no áo ấm như người khác thì không phải suy dinh dưỡng như vậy”.
Bố Ngọc mất khi em học lớp 1. Mẹ còm cõi nuôi em nhưng rồi cũng qua đời cách đây hơn hai tháng bởi ung thư. Ngọc ở cùng một người anh làm nghề hái lá nón trên núi.
Ngọc kể hôm nước lũ vào nhà, em sợ quá vội vã cùng anh trai leo lên gác để trú ngụ. Rất may nước chỉ mấp mé bàn thờ ba mẹ thì rút.
Nhìn cái bếp hoang lạnh, nồi cơm trống trơn, xoong nồi ngổn ngang, Ngọc rơm rớm nước mắt: “Em đi học về đói bụng thì chạy qua nhà o ăn. Có hôm cơm nguội, có bữa mì gói. Khi không tiền, em mua nợ ở quán đầu ngõ”.
O của Ngọc, bà Nguyễn Thị Hồng (43 tuổi) cũng là người đàn bà góa bụa, một mình nuôi bốn con. Bà Hồng cho biết từ ngày mẹ mất, hai anh em Ngọc sống thui thủi.
Khi cơn lũ vừa rút, rau ngoài vườn không còn một cọng, anh của Ngọc đi lên núi hái lá nón, Ngọc ở nhà lặng lẽ khóc dưới bếp. Nhà Ngọc cách trường 20km, hằng ngày em phải đạp xe đến trường từ lúc 5g sáng. “Nhiều hôm không có gì ăn, sáng sớm em đạp xe đến trường mà mệt suýt ngất” - Ngọc tâm sự.
Con nuôi của hội phụ huynh
Sống cách nhà Ngọc chừng 3km, em Hoàng Xuân Thái (lớp 6, thôn Chày Lập, Phúc Trạch) cũng có cảnh đời éo le.
Thái không có bố, còn mẹ em - bà Hoàng Thị Thơm thì bị bệnh thần kinh, thấy người là bỏ chạy vì sợ. Lúc trở trời, bà thường la hét, khóc lóc, vò đầu bứt tóc rồi chạy về phía núi. Còn những lúc tỉnh, bà Thơm theo hàng xóm vào rừng hái lá nón, nhặt củi về bán nuôi hai con nhỏ.
Bà Thơm khoe chiều qua có đoàn từ thiện cứu trợ bão lũ ghé tặng nhà 12kg gạo, nên đến tối bếp nhà mới nổi lửa lại, và hai đứa nhỏ có một nồi cơm đầy ăn sáng nay. Chúng tôi mở nồi thức ăn còn dang dở, chỉ toàn măng tre kho muối.
Căn nhà ba mẹ con Thái ở được các nhà hảo tâm xây tặng cách đây mấy năm vẫn chưa kịp tô vữa, nay phủ đầy rêu, lạnh ngắt. Trong nhà chỉ có duy nhất chiếc giường cho ba mẹ con ngủ, không có chiếc bàn ghế nào.
“Sau lũ mọi thứ chẳng còn chi. Thằng Thái khóc vì muốn đi học nhưng nhà khổ quá, tôi chẳng biết làm sao. Nhà cách trường 20km, không có xe đạp, xe buýt tháng đóng 200.000 đồng, mà tôi thì không có tiền để nộp” - bà Thơm nói buồn bã.
Thầy Tuấn kể biết hoàn cảnh Thái quá khó khăn và em ham học nên hội phụ huynh của trường đã nhận Thái về làm con nuôi. Sách vở, áo quần... thầy cô trong trường kẻ ít người nhiều gom góp mua cho Thái đến lớp.
“Cách đây hai tuần Thái bỏ học vì nhà quá túng quẫn. Tôi chạy lên nhà khuyên hết lời, mong cho em đi học lại. Biết nhà Thái nghèo, nhưng nhà trường thì không đủ sức nữa rồi!” - thầy Tuấn tâm sự.
Ông Nguyễn Thanh Hải, hội trưởng hội phụ huynh Trường Phúc Trạch, đã nhận Thái về ăn ở luôn trong nhà như một đứa con.
“Mình ăn gì thì Thái ăn nấy. Thêm chén đũa, một chỗ ngủ chứ có gì đâu. Mong cháu vững chí vượt qua khó khăn mà tìm con chữ. Trước mắt là vậy, còn nghĩ về lâu dài, tương lai của cháu mờ mịt quá...” - ông Hải nói đầy tâm tư.
Quảng Bình: dạy bù cho học sinh vùng lũ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài vừa chỉ đạo huyện Minh Hóa và các trường học ở huyện này phải huy động mọi nguồn lực, tổ chức dạy bù cho học sinh các môn chưa được học hoặc học thiếu tiết, đến ngày 30-10 phải đuổi kịp chương trình năm học như đã quy định. Ông Hoài cũng yêu cầu UBND huyện Minh Hóa chấm dứt tình trạng học sinh học thiếu tiết hoặc không được học một số môn như ngữ văn, toán, sử, hóa, âm nhạc, tin học... vì thiếu giáo viên. Đồng thời, khẩn trương bố trí đủ giáo viên đứng lớp đối với các môn còn thiếu giáo viên; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và bổ sung giáo viên cho các trường còn thiếu. Được biết, từ đầu năm học 2016-2017 đến nay một số trường học ở huyện Minh Hóa do thiếu giáo viên nên ở một số môn học, học sinh chưa được học hoặc học không đủ tiết, thậm chí có trường môn tin học phải để trống, lịch sử thiếu 108 tiết, văn 59 tiết, toán 36 tiết... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận