Các chuyên gia, y bác sĩ mặc những bộ đồ phòng dịch cấp 4 trước khi vào thăm khám các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Những ngày cuối tháng 5 nắng như đổ lửa, tại tâm dịch Bắc Giang, hàng ngàn y bác sĩ cũng đang căng mình bên trong những bộ đồ bảo hộ để khoanh vùng dập dịch, chữa trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19.
Tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, một trong những cơ sở đặc biệt hiện đang điều trị cho 124 bệnh nhân COVID-19, trong đó có những bệnh nhân đang diễn biến phức tạp.
232 chuyên gia, y bác sĩ, nhân viên y tế tại đây đang ngày đêm theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân, trong đó có cả những bác sĩ tinh nhuệ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM ra tiếp ứng.
Trong căn phòng nhỏ chừng 15m2 của phòng hành chính Bệnh viện Phổi Bắc Giang, hàng chục cán bộ y tế luôn luôn tay chân ghi chép, quan sát camera, gọi bộ đàm thông báo về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Đối diện đó, tại phòng thay đồ bảo hộ, một kíp trực của bác sĩ Trần Thanh Linh - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy - cùng 6 y bác sĩ khác bắt đầu mặc những bộ đồ bảo hộ phòng dịch cấp 4 để chuẩn bị cho ca thăm khám bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Mọi công việc tại đây đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm ngặt, vì nơi này có khả năng lây nhiễm chéo rất cao.
Ngay sau đó, các chuyên gia, y bác sĩ tiến vào phía trong khu vực điều trị sau 2 lớp cửa kính.
Mỗi ca trực thăm khám bệnh nhân nhiễm COVID-19 diễn ra trong khoảng 5 tiếng và có thể kéo dài hơn, tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Được biết, ban đầu Bệnh viện Phổi Bắc Giang xây dựng dành cho khu vực hồi sức, tuy nhiên dịch bệnh phức tạp, số F0 tăng, do đó nơi này đã được mở rộng cho việc tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình.
Hiện tại, nơi đây tiếp nhận 78 bệnh nhân nhẹ và trung bình, có 46 bệnh nhân nặng phải điều trị ở khu vực hồi sức tích cực, trong đó có 3 bệnh nhân phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 bệnh nhân phải thở oxy dòng cao...
Bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết đợt dịch này ranh giới giữa bệnh nhân đang diễn tiến ở mức độ vừa phải tới nguy kịch rất nhanh, do đó đội ngũ tại đây phải luôn túc trực theo dõi sát các bệnh nhân.
"Dù máy móc được trang bị đầy đủ nhưng chúng tôi cũng phải cân nhắc, sử dụng hợp lý cho những trường hợp cụ thể để dự phòng cho các bệnh nhân nặng tiếp theo. Ngay cả những bệnh nhân trẻ diễn tiến nặng, chúng tôi càng phải tập trung để không xảy ra những tình huống xấu đi không mong muốn, đặc biệt là các anh em hồi sức luôn túc trực ngày đêm để theo dõi bệnh nhân, kịp thời xử lý những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, giảm thiểu tình trạng tử vong", bác sĩ Linh cho hay.
Các chuyên gia, y bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang ghi tên mình trên áo bảo hộ để dễ dàng nhận biết nhau trước khi vào khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Phóng viên Tuổi Trẻ đã xin phép ghi lại một tấm hình các bác sĩ thể hiện quyết tâm chiến thắng dịch bệnh COVID-19, trước khi vào khu vực điều trị. Tất cả đều đồng thanh hô vang "Bắc Giang cố lên. Việt Nam cố lên!" - Ảnh: NAM TRẦN
Mọi người lần lượt vào bên trong khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 qua 2 lớp cửa kính - Ảnh: NAM TRẦN
Phía bên trong hành lang khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Phổi Bắc Giang, lúc này đang có 1 bệnh nhân mới được chuyển vào - Ảnh: NAM TRẦN
Các chuyên gia, y bác sĩ hội ý bên ngoài hành lang phòng điều trị trước khi vào thăm khám bệnh nhân - Ảnh: TRẦN LINH
Các chuyên gia, y bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang thăm khám cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Mỗi ca trực kéo dài khoảng 5 tiếng đồng hồ hoặc có thể hơn, phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân - Ảnh: TRẦN LINH
Ở phía ngoài, cán bộ y tế phòng điều hành hành chính liên lạc và trao đổi thông tin của các ca bệnh với các y bác sĩ phía bên trong khu điều trị qua bộ đàm - Ảnh: NAM TRẦN
Tấm lưng ướt đẫm mồ hôi vì nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 40 độ C - Ảnh: NAM TRẦN
Gần như không nghỉ, các nhân viên y tế tại đây phải làm việc hết công suất, cập nhật liên tục về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân - Ảnh: NAM TRẦN
Tất cả các phòng bệnh nhân đều có camera giám sát, nhằm theo dõi tình hình người bệnh và được truyền tới phòng hành chính, điều này giúp các nhân viên y tế kịp thời xử lý những trường hợp đột xuất - Ảnh: NAM TRẦN
Một nhân viên y tế tranh thủ nằm nghỉ vì quá mệt, sau ca trực 5 tiếng đồng hồ tại khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 - Ảnh: TRẦN LINH
Khuôn mặt hằn đỏ của bác sĩ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy, do đeo khẩu trang liên tục nhiều giờ - Ảnh: NAM TRẦN
Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Văn Hải, Bệnh viện Chợ Rẫy, người ướt đẫm mồ hôi sau ca trực 5 tiếng trong khu điều trị - Ảnh: NAM TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận