Một trường mầm non trên đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM bị bức tường xây chắn trước lối ra vào |
Những cư dân ở đây đang rơi vào tình cảnh khốn khổ và thật khó hình dung dự án nâng đường chống ngập này sẽ còn gây ra bao nhiêu hệ lụy tiếp theo. Không chỉ việc buôn bán ngưng trệ mà ngay cả sinh hoạt hằng ngày cũng dở khóc dở cười.
Nhiều căn nhà tầng 1 bỗng thành hầm; nhiều nhà đập phá, sửa tầng 2 thành tầng 1; khắp nơi ngổn ngang cảnh làm... cầu vượt để có thể ra vào! Những tấm biển rao bán nhà đã mọc lên. Nhưng khổ: người có nhà còn bỏ đi, ai mà léo hánh tới?
Tầng trệt căn nhà của anh Huỳnh Hoàng Văn chỉ còn 1m chiều cao kiến anh phải đập bỏ sàn tầng 1 |
Ngoài đường có thể nhìn thấy những hố ga dựng sẵn cao mấp mé đầu người: đó là độ cao mặt đường tương lai. Có nằm mơ những cư dân ở đây cũng không hình dung nổi tại sao họ lại lâm vào tình cảnh này.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết trước khi làm đường đã có họp dân để thông báo việc nâng cao độ mức cụ thể. Do đây là con đường thường xuyên bị ngập nước bởi triều cường, nên khi có dự án thì người dân hoan nghênh với gần 90% đồng thuận. “Tuy nhiên có thể người dân không hình dung được cao độ đường mới như thế nào, tới khi đơn vị thi công bức tường chắn thì mới giật mình” - ông Nhựt nói.
Dân chịu hết nổi đành phải rao bán nhà |
Trên đoạn đường này có hơn 500 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án trên, độ nâng đường từ 0,4 - 1,3m. Trước tình hình này, ông Nhựt cho biết đã có văn bản kiến nghị nghiên cứu hạ độ cao mặt đường.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư dự án - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước - cho rằng cao độ mặt đường là thiết kế đã được phê duyệt sau những nghiên cứu chặt chẽ, đỉnh triều cao nhất hiện nay đã đạt mức 1,68m nên không thể muốn hạ độ cao là hạ.
"Nếu hạ mặt đường thấp hơn đỉnh triều, khi đó đường này vẫn ngập thì nâng đường để làm gì, ai chịu trách nhiệm?” - đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đặt vấn đề.
Cửa hàng ô tô này gần như bị bịt kín |
Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông vận tải cho rằng về mặt nguyên tắc, chủ đầu tư không sai. Nhưng vị đại diện này không đồng tình với quan điểm vẫn giữ lại cao độ như đã phê duyệt và đã yêu cầu chủ đầu tư phải nghiên cứu hạ cao độ mặt đường, đồng thời nghiên cứu thêm giải pháp khác như trang bị hệ thống bơm để vừa giảm ngập nhưng cũng đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng nhà cửa, việc đi lại của người dân hai bên đường.
Nhưng vậy thì sao Sở Giao thông vận tải ngay từ đầu lại phê duyệt cao độ như trên? “Dự án đã được phê duyệt khoảng năm 2013 và được Bộ Xây dựng thẩm định” - vị đại diện cho biết, đồng thời nêu quan điểm những trường hợp nâng đường ở mức 50-60cm thì chấp nhận được, còn nơi nào cao hơn 1m thì phải cân nhắc.
Vợ chồng chị Phạm Thị Vê Lô (P.An Lạc, Q.Bình Tân) phải bắc cầu đẩy xe vào nhà |
Dự kiến sau ngày 12-6, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan họp thống nhất hướng giải quyết tình trạng nâng đường quá cao trên đường Kinh Dương Vương.
Ông Hồ Long Phi - chuyên gia chống ngập - cho rằng việc hạ cao độ mặt đường Kinh Dương Vương so với phê duyệt là cần thiết, kết hợp với một số giải pháp bổ sung lắp van ngăn triều, máy bơm... Tuy nhiên theo ông Phi, giải pháp này phải được tính toán ngay từ đầu chứ không phải tới bây giờ mới thấy. Qua vụ việc này, ông Phi cho rằng công tác khảo sát, tư vấn thiết kế chưa chặt chẽ.
Trẻ em phải khom người để chui ra, vào nhà |
Bức tường xây chắn hết lối ra vào trước một cửa hàng |
Một cửa hàng mắt kinh chỉ còn nhìn thấy phía trên |
Hết cửa kinh doanh, thống báo dời cửa hàng |
Dù phải bỏ tiền nâng nền nhà lên thêm 1m nhưng nhà của bà Nguyễn Thị Oanh vẫn thấp hơn so với mặt đường sẽ làm |
Người dân trèo qua bức tường để vào trụ ATM rút tiền |
Giờ đây sẽ có rất nhiều căn nhà kì quái hai bên đường Kinh Dương Vương |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận