Đường sắt đô thị, metro, hay tàu điện giờ đây không còn quá xa lạ với nhiều người.
Tuy nhiên, ở Việt Nam loại hình này mới đưa vào hoạt động ở một số tuyến tại Hà Nội nên không ít người còn bỡ ngỡ, thậm chí cần phải thay đổi thói quen cho phù hợp với xu hướng chung.
Dưới đây là những chia sẻ của bạn đọc Mạnh Quang về vấn đề này.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Gần đây, khi di chuyển bằng tàu điện trên tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tôi đã bắt gặp hình ảnh không đẹp khi nhiều người mua vé ở máy bán vé tự động xong, lấy vé và ném thẳng biên nhận xuống đất khiến chúng vương vãi khắp nơi.
Trong số này có cả các bạn sinh viên và cả các gia đình dẫn con nhỏ theo.
Lẽ ra họ hoàn toàn có quyền chọn không lấy biên nhận khi mua vé (có hiển thị rõ ràng trên máy), còn nếu đã lỡ nhấn chọn biên nhận thì nên giữ trong tay, bỏ vào thùng rác chứ không nên tiện tay xả lung tung, tạo nên hình ảnh không đẹp ngay khu vực ra vào ga tàu.
Tiếp theo là việc sử dụng điện thoại trên tàu.
Dù trên tàu đã có bảng yêu cầu "Giữ trật tự và giữ vệ sinh" nhưng không ít hành khách vô tư mở loa ngoài ầm ĩ.
Một số khác cho con trẻ chạy nhảy la hét om sòm. Một vài khách khác thì ngồi gác chân lên ghế, còn không thì quay ngang ra, một mình chiếm hai, ba ghế.
Hiện nay có thể tàu còn ít khách, chưa thật sự đông đúc nên họ nghĩ như thế chẳng sao, nhưng dần dà như vậy sẽ thành thói quen khó bỏ. Trong khi rõ ràng sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì nên ngồi gọn gàng và hạn chế tối đa việc mở loa ngoài điện thoại.
Nhà ga cũng phải thay đổi sao cho tiện lợi
Những mặt chưa được ở Việt Nam như trên đã đề cập, đã được áp dụng rất nghiêm túc tại nhiều thành phố khác mà tôi đã có dịp trải nghiệm metro như Singapore, Seoul, Đài Bắc, Tokyo…
Để đạt được kết quả đó, về phía nhà ga, đơn vị quản lý cũng phải có những chăm chút, hướng dẫn... để hành khách dễ dàng thực hiện.
Ví dụ như tại khu vực lên xuống tàu nên có vạch kẻ rõ ràng chỗ đứng cho người chờ tàu. Gần như tất cả các thành phố khác, vạch kẻ này được thể hiện to, rõ bằng màu dễ nhận diện, giúp hành khách trật tự xếp hàng chờ lên tàu và nhường cho người từ trên tàu xuống trước, thay vì chỉ có dòng chữ "Chú ý khe hở" như hiện nay.
Đừng nghĩ rằng do hiện tại còn chưa nhiều khách nên không sao. Ngay từ bây giờ nên có vạch kẻ rõ ràng, giúp khách quen với vị trí đứng và biết xếp hàng chờ.
Bên cạnh đó, gần như tất cả các ga tàu đều không có bảng hướng dẫn lối ra nào dẫn đi đâu, chỉ đơn giản để là "Lối ra 1", "Lối ra 2", hay "Lối ra A", "Lối ra B" nhưng không rõ là Lối ra 1 dẫn đi đâu, Lối ra 2 dẫn đến đâu...
Điều này là cần thiết bởi không phải ai cũng là người địa phương, hiểu rõ phía nào là phía nào. Như tôi, dù đi Hà Nội nhiều lần nhưng thật sự rất bối rối không biết phải đi lối ra nào để đến nơi mình cần đến.
Với tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dù chỉ mới khai thác đến ga Cầu Giấy nhưng trên tàu lại thể hiện toàn bộ tuyến với các ga tàu, sẽ gây bối rối cho khách không phải cư dân địa phương.
May mắn là tôi đã có theo dõi tin tức từ trước chứ nếu không sẽ rất hoang mang khi đến ga Cầu Giấy thì được yêu cầu xuống vì đây là ga cuối.
Nên chăng, những ga chưa được đưa vào khai thác, ta có thể làm mờ hoặc che lại để khách phương xa đến khỏi phải nhầm lẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận