03/10/2022 10:44 GMT+7

Những hiệp sĩ của rắn hoang dã

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trước việc quá nhiều người dân khi gặp rắn đã không chọn giải pháp giúp con vật có cơ hội sống sót mà giết chết, một nhóm những người đàn ông "khác người" sống ở Hội An đã lập nhóm tổ chức cứu hộ.

Những hiệp sĩ của rắn hoang dã - Ảnh 1.

Craig Ryan với một chú rắn vừa được giải cứu - Ảnh: B.D.

Mạng lưới này đã lan tỏa và giúp vô số những "bé Na" (biệt danh của cư dân mạng đặt cho trăn, rắn) trở về với tự nhiên.

Một buổi tối, người đàn ông quốc tịch Úc Craig Ryan đang nằm lướt điện thoại trong căn nhà ở vùng ven phố cổ Hội An thì tiếng chuông điện thoại réo rắt. 

Phía bên kia đầu dây, một người dân ở thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà (Hội An) gọi điện thoại trong hoảng hốt và báo rằng trong nhà của người này bỗng xuất hiện một con rắn hổ nằm gọn lỏn, phần đuôi thò ra ngoài chiếc giày.

Cứu hộ 24/24

Dòng tin báo đề nghị trợ giúp làm Craig Ryan giật mình. Ông khoác bộ quần áo dài tay lên người rồi cầm dụng cụ móc rắn chuyên dụng, ngồi lên xe gắn máy hướng về nơi mà người dân đang chờ.

Dưới ánh đèn pin, Craig Ryan nhận ra một "baby snake" thuộc họ rắn hổ mang có nọc độc, nặng chừng 300g và dài khoảng 45cm. Craig Ryan đội chiếc đèn pin lên đầu, khéo léo dùng chiếc móc rắn luồn vào chiếc giày. 

Chú rắn quay ngoặt phần đầu, lè lưỡi thủ thế chuẩn bị tấn công. Craig Ryan nhẹ nhàng luồn móc sắt vào sâu, sau vài động tác ve vãn, chú rắn độc ngoan ngoãn nằm trên chiếc móc, uốn cơ thể nằm ngoan hiền để được đưa về một địa điểm an toàn cách xa con người.

Trò chuyện với Craig Ryan, vị chủ nhà cho biết trong lúc lụi hụi chuẩn bị kê dọn lại mớ giày dép thì ông phát hiện ra chú rắn đang nấp trong một chiếc giày. Biết Craig Ryan từ trước, người này đã quyết định gọi để nhờ trợ giúp.

Phi vụ giải cứu "baby snake" ở Bến Trễ này chỉ là một trong nhiều lần Craig Ryan nhận được đề nghị trợ giúp từ bà con Cẩm Hà. Trước đó, Max Ryan, 22 tuổi, cậu con trai của Craig Ryan, cũng đã trực tiếp trợ giúp và xử lý thành công nhiều ca người dân báo tin có rắn độc.

Craig Ryan cho biết ông và cậu con trai Max Ryan có cùng một "niềm đam mê" bất tận là nghiên cứu, chụp ảnh về thế giới các loài rắn. Cả hai bố con ông đều gần như được bà con ở Cẩm Hà biết tới với sở thích chẳng giống ai này. 

Bởi vậy, cả chục năm nay, hễ cứ nơi đâu có rắn hoang vào nhà, tới khu vực sinh sống của con người là bà con lại báo tin để đề nghị Max Ryan, Craig tới xử lý.

Những hiệp sĩ của rắn hoang dã - Ảnh 2.

Nguyễn Huy Hoàng thành thục kỹ năng tiếp xúc với các loài rắn hoang dã - Ảnh: H.D.

Những người yêu rắn

Từ niềm đam mê "khác người" của mình, hai bố con Ryan đã kết nối được một mạng lưới cung cấp thông tin và tham gia cứu hộ rắn trên cả nước. 

Ở khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi Craig Ryan sinh sống và làm việc, mấy năm nay có một chàng trai 22 tuổi trở thành cộng sự đắc lực, sẵn sàng lên đường bất kể giờ giấc nào để giải cứu những chú rắn hoang dã. Đó là Nguyễn Huy Hoàng - hướng dẫn viên du lịch tự do.

Hoàng cho biết từ nhỏ đã có niềm đam mê với các loài động vật hoang dã, đặc biệt là bò sát. Mấy năm trước, khi lang thang chụp ảnh ở Sơn Trà (Đà Nẵng) và đăng ảnh bộ sưu tập các loài rắn, Hoàng biết tới Max Ryan - cậu con trai của Craig Ryan. 

Hai người lâu dần trở thành đôi bạn thân thiết, thường xuyên đồng hành cùng nhau trong các chuyến đi rừng, thám sát, chụp ảnh nghiên cứu về rắn.

Thông qua Max, cậu bất ngờ hơn khi biết người bố của Max cũng có cùng đam mê và dành hàng chục năm để cứu hộ, trợ giúp các vụ rắn hoang dã mắc kẹt trong nhà dân. Cả ba người lập nhóm, tạo trang fanpage trên Facebook để giới thiệu các video và thông tin tìm hiểu được về thế giới rắn hoang dã. 

Trang này cũng chia sẻ kiến thức xử lý, ứng phó khi tiếp xúc với rắn độc và cung cấp "đường dây nóng" để trợ giúp. Số điện thoại "đường dây nóng" này chính là số của các thành viên. Tới nay cả Hoàng, Max và Craig đã thiết lập, kết nối được một mạng lưới những người có cùng tâm huyết, niềm đam mê về rắn trên cả nước. 

Mỗi lúc rảnh rỗi hay vào các dịp cuối tuần, họ lên xe máy, rọi đèn pin luồn vào các cánh rừng sâu để chụp ảnh, quay phim về rắn hoang dã, tìm vào các ngôi làng để trò chuyện hướng dẫn cho bà con cách xử lý khi gặp rắn độc.

Để đủ kiến thức xử lý rắn an toàn, cả Hoàng lẫn các thành viên phải tự tìm hiểu kỹ năng. Craig Ryan từng là cựu binh tại Úc. Ông kể rằng thuở nhỏ khi ở Úc, ông sống trong một ngôi làng bao quanh cánh rừng, khi 8 tuổi đã tiếp xúc thường xuyên với các loài rắn độc. 

Ở Úc, người dân được giáo dục tôn trọng các loài động vật. Họ thường gọi điện báo cho cảnh sát, lực lượng cứu hộ khi gặp rắn thay vì giết nó. Tuy nhiên từ năm 2011, khi gia đình ông chuyển qua Việt Nam sinh sống thì điều này lại diễn ra ngược lại.

"Rắn không hề là động vật nguy hại mà chúng cũng có quyền sống như tất cả sinh vật khác. Hành động tấn công, phản kháng của loài rắn chỉ đến trong hai trường hợp: đó là khi con người tấn công chúng hoặc vô tình giẫm lên cơ thể, xâm phạm chỗ trú ẩn của chúng. 

Sự tấn công đó đơn giản chỉ là bản năng hoang dã, mang tính chất tự vệ như tất cả các loài khác. Một khi chúng ta biết tâm tính của rắn thì chúng cũng hiền lành như bất cứ loài nào" - ông Craig nói.

Cũng theo Craig, người dân Việt Nam dường như chưa quan tâm nhiều đến sự tồn tại của loài rắn nói chung và các loài động vật hoang dã khác. Trong nhiều lần tiếp xúc với cộng đồng, ông nhận thấy đa số bà con khi thấy rắn đều ít phân biệt được loài đó có nọc độc hay không. 

Nhưng dù độc hay không thì kết cục cũng chẳng khác nhau là mấy. Phản ứng rất quen thuộc mỗi khi gặp rắn là chiếc gậy được giơ lên, cú giáng bổ xuống và chú rắn nằm dập đầu, máu tươi tóe ra dưới nền đất. Hoặc chú rắn sẽ chết ngay lập tức, hoặc cũng sẽ được sống nhưng cuối cùng cũng... phải chết theo cách bi thương hơn: làm mồi nhậu.

"Tôi muốn thay đổi điều đó. Chúng tôi có một mạng lưới các cộng sự rất am hiểu về loài rắn, đặc tính từng loài trên cả nước. Chúng tôi làm việc cùng nhau, không chỉ cứu hộ mà chia sẻ thông tin để bà con biết cách xử lý. 

Các cuộc gọi trợ giúp diễn ra ngày một thường xuyên hơn, sau mỗi lần đi giải cứu như vậy chúng tôi hoặc sẽ chủ động tìm nơi cách xa con người để thả rắn về tự nhiên hoặc sẽ bàn giao cho kiểm lâm" - ông Craig nói.

Rắn chỉ hoàn hảo khi được sống ngoài tự nhiên

Nguyễn Huy Hoàng nói rằng từ khi tổ chức đội cứu hộ rắn, gần như mỗi tháng đều đặn nhóm nhận được trên dưới 10 cuộc điện thoại của người dân nhờ trợ giúp.

Các thành viên nhóm thành thục kỹ năng nên phân công nhau đi xử lý, rắn được giải cứu sẽ tìm một nơi đủ an toàn để thả về tự nhiên. Các thành viên tự làm việc này mà không có thù lao, không nhận bất cứ khoản trợ giúp nào.

Craig Ryan cho biết tới nay không chỉ ông mà gần như tất cả các thành viên trong gia đình ông cùng bè bạn đã trở thành những "chuyên gia" cứu hộ rắn. Trong một lần đi nghỉ dưỡng ở resort tại Phú Quốc, lễ tân khu lưu trú này tá hỏa khi thấy một chú rắn lớn bò vào sảnh nhà.

Nhưng người này còn "bàng hoàng" hơn khi thấy một phụ nữ lưu trú trong khu lưu trú dùng tay thành thục bắt chú rắn, đưa ra cánh rừng một cách an toàn. Người phụ nữ này chính là vợ của Craig Ryan.

Craig nói rằng tất cả các loài động vật đều có quyền được sống và sự tồn tại trong tự nhiên đều có nguyên do. Bởi vậy bằng cách giết hại hay bắt nuôi rắn là một hình thức ngược đãi. "Rắn chỉ đẹp hoàn hảo khi sống tự do ngoài môi trường và việc của chúng ta là tôn trọng chúng" - Craig nói.

Phát hiện hai loài rắn khuyết đặc hữu ở Nam Trường Sơn Phát hiện hai loài rắn khuyết đặc hữu ở Nam Trường Sơn

TTO - Trong các chuyến khảo sát thực địa ở vùng rừng nguyên sinh thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), các nhà khoa học đã tìm thấy hai loài rắn hoàn toàn mới.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên