12/12/2020 09:55 GMT+7

Những hiện thực nhức nhối cần được phản ánh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hiện thực sôi động toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước hơn 30 năm qua chưa được phản ánh bao nhiêu trong văn học nghệ thuật, GS.TS Hồ Sĩ Quý trăn trở.

Những hiện thực nhức nhối cần được phản ánh - Ảnh 1.

GS.TS Hồ Sĩ Quý - Ảnh: T.ĐIỂU

Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc, hiện đại do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 11-12 tại thành phố Bắc Ninh thu hút nhiều tham luận từ văn nghệ sĩ cả nước.

Các tham luận xoay quanh những vấn đề của văn học nghệ thuật hiện nay, chứ không chỉ tìm hệ giá trị cho văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn mới.

"Triệu con người sung sướng, triệu con người khổ đau, chúng ta không thấy mặt trong văn học nghệ thuật. Toàn bộ những biến động trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và tình hình Biển Đông hiện nay, số phận của từng người dân, người lính đều vắng bóng trong nền văn học nghệ thuật.

GS.TS HỒ SĨ QUÝ

Thực trạng đáng suy ngẫm

Xã hội Việt Nam ngày nay là một thực thể đầy rẫy mâu thuẫn. Sau hơn 30 năm đổi mới, rất nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội, nhưng ở chiều ngược lại cũng mang trong mình rất nhiều nhức nhối bởi "con người tha hóa, đạo đức xuống cấp, văn hóa hỗn loạn".

Chỉ báo rõ nhất về mức độ tha hóa của con người và xuống cấp đạo đức chính là những trường hợp cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước vi phạm pháp luật được phanh phui qua các vụ đại án. 

"Sự giả dối phổ biến đến mức đã được coi là bình thường, làm nản lòng sự trung thực, tử tế. Bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, chất lượng sản phẩm giả, thuốc giả, tuổi tác giả, số liệu thống kê giả, chứng từ giả, biểu quyết giả, đạo đức giả... gần như có mặt ở khắp nơi và không còn là điều xấu hổ nữa", GS.TS Hồ Sĩ Quý nói.

Theo ông, thực trạng văn hóa con người Việt Nam hiện nay đáng suy ngẫm để thay đổi. Chỉ nghệ thuật mới phản ánh một cách sâu sắc những hiện thực nhức nhối này, văn học nghệ thuật hơn ai hết phải nhận ra những giá trị âm thầm chảy trong lòng xã hội để khơi dậy. 

Nhưng hiện thực sôi động toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước hơn 30 năm qua chưa được phản ánh bao nhiêu trong văn học nghệ thuật.

Tác phẩm lớn, phải chờ

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ tại sao thời đại ngày nay với hiện thực nóng bỏng, là chất liệu ngồn ngộn cho văn học nghệ thuật nhưng chúng ta lại đang không có những tác giả lớn, những tác phẩm lớn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nói đây là câu hỏi hóc búa mà các giới lý luận phê bình, giới sáng tác và công chúng đều đặt ra nhưng không dễ trả lời. 

Chất lượng tác phẩm, tầm mức của một nền văn học nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ, sự tích lũy được khát vọng của cả cộng đồng, của đất nước. Khi chưa hội tụ đủ những điều này trong một nghệ sĩ nào đó thì chúng ta chưa có tác giả lớn. Nhưng ông Kỷ lạc quan rằng tác giả lớn, tác phẩm lớn rồi sẽ xuất hiện.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch (trưởng khoa văn học Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) cho rằng cần phải có một cơ chế tốt để tôn vinh những tác phẩm tốt, đỡ đầu, khuyến khích, tạo điều kiện cho những tác phẩm tốt ra đời thông qua hệ thống các giải thưởng văn học nghệ thuật có uy tín. Ở đó, hội đồng chấm giải phải theo kịp những cái mới, cởi mở đón nhận hệ giá trị mới.

Hệ giá trị văn học nghệ thuật phải là nhân dân, Tổ quốc

GS.TS Hồ Sĩ Quý đề xuất hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam giai đoạn hiện nay chính là "Nhân dân, Tổ quốc, Tác phẩm", văn học nghệ thuật không gì khác phải viết về, hướng về nhân dân, Tổ quốc.

Về quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương - cũng đồng tình rằng nhân dân, Tổ quốc luôn phải được đặt vào vị trí trung tâm của tác phẩm văn học nghệ thuật, thời nào cũng thế.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân: Hiện thực xã hội ngồn ngộn mà phim toàn mật ngọt Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân: Hiện thực xã hội ngồn ngộn mà phim toàn mật ngọt

TTO - “Hơn ai hết, các nhà biên kịch trẻ phải trân trọng tác phẩm của mình” - tác giả của những kịch bản làm nên nhiều bộ phim nổi tiếng như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Xương rồng đen, Mê Thảo thời vang bóng... nói.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên