Phóng to |
Nhà nghiên cứu văn học võ hiệp Hàn Vân Ba, GS Trường đại học sư phạm Tây Nam, cho biết: nhiều người yêu thích văn học võ hiệp ở TQ ban đầu sáng tác một cách tự phát, đăng tải truyện trên mạng, sau đó in thành sách và dần dần được công chúng biết đến.
Cho đến những năm 1990, tiểu thuyết võ hiệp đã trở thành một xu thế mạnh tại TQ. Hai năm trở lại đây, tiểu thuyết võ hiệp rất thịnh hành, có thể kể: Côn Luân của Phụng Ca, Tru Tiên của Tiêu Đỉnh, Kính của Thương Nguyệt, Mandala (Mạn Đà La) của Bộ Phi Yên, Phi Vân Kinh Lan của Vương Tình Xuyên và Loạn Trường An của Hàn Hàn....
Trong số những tác giả này, để lại ấn tượng sâu sắc cho ông là lối viết toàn diện của Phụng Ca, cảm xúc của Thương Nguyệt, trí tưởng tượng của Bộ Phi Yên và tư tưởng triết lý của Phương Bạch Vũ. Đây là những nhà văn có lối viết hoàn toàn khác các bậc tiền bối của văn học võ hiệp, phần lớn có học lực khá cao, chính điều này đã mang lại nhiều kiến thức mới lạ cho tác phẩm của họ. GS Hàn Vân Ba gọi hiện tượng này là “sự nổi trội của tiểu thuyết tân võ hiệp TQ”.
Thời đại hậu Kim Dung
Phóng to |
Có thể nói thời đại của Kim Dung là huy hoàng nhất của tiểu thuyết võ hiệp. Chỉ cần mười mấy tác phẩm, ông đã tạo ra một thế giới của riêng mình - một thế giới của chốn giang hồ - để độc giả khắp thế giới khám phá.
Trong chốn giang hồ đấy có đao có kiếm, có yêu có hận, có sự hưng vong của nước nhà... Thế giới ấy vốn không tồn tại nhưng lại có thể đánh động lòng người. Đối với những tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp hôm nay, thời đại Kim Dung giống như cái bóng đè, bất luận họ có viết hay và nỗ lực thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi cái bóng ấy.
Các nhân vật hư cấu của Kim Dung đã không còn là chủ đề của những buổi bàn luận trà dư tửu hậu mà trở thành những nhân vật kinh điển trên văn đàn Hoa ngữ. Năm 1972, khi viết xong Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung treo bút. Đỉnh cao của tiểu thuyết võ hiệp cũng dừng lại ở thời khắc đấy, dù sau này xuất hiện những tác phẩm của Cổ Long. Quãng trống “hậu Kim Dung” kéo dài hơn 30 năm, nhưng dòng sáng tác tiểu thuyết võ hiệp không dừng tại đó.
"Mùi võ hiệp" hiện đại
Chốn giang hồ được dựng lên trong những tác phẩm võ hiệp trước đây đều không thoát khỏi môtip “trả thù - hành hiệp - hạnh ngộ - kỳ ngộ - tình yêu”. Đây cũng chính là nguyên do khiến tiểu thuyết võ hiệp mất đi khá nhiều độc giả trẻ sau này.
Môtip này được GS Thang Triết Sinh của Trường đại học Tô Châu gọi là “mùi võ hiệp”. Theo ông, có một nghịch lý: “Tuân thủ môtip đấy, câu chuyện khó tránh khỏi cảm giác nhàm chán, nhưng một khi xa rời nó tiểu thuyết võ hiệp lại hoàn toàn mất đi mùi vị vốn có.”
Những nhà văn sáng tác tiểu thuyết võ hiệp sau này đã ý thức được điểm này. Trong tác phẩm của họ, “mùi võ hiệp” đấy được thay thế bằng những yếu tố mang tính hiện đại hơn. Những nhà văn này phần lớn là lớp người sinh sau cuộc “cách mạng văn hóa” của TQ, quan niệm sáng tác của họ thay đổi rất nhiều, cách viết của họ là của thời đại Internet và tác phẩm của họ mang nhiều màu sắc chịu tác động từ phía độc giả.
Theo GS Hàn Vân Ba: “Nếu những vấn đề mà Kim Dung phải đối mặt là áp bức dân tộc và ý thức phản kháng sự giam cầm nhân tính của thời đại hậu thực dân, nòng cốt của những tác phẩm Kim Dung là triết học, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa dân tộc; thì vấn đề mà những tác giả ngày nay đối mặt lại là yếu tố phát triển thế giới và hòa bình trong thời đại toàn cầu hóa, nên tinh thần của các tác phẩm này là chủ nghĩa khoa học, chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hòa bình.”
Theo GS Khổng Khánh Đông, những nhà văn sáng tác tiểu thuyết võ hiệp ngày nay đang đứng trước cơ hội mà trước đây chưa từng có. Họ không những có không gian sáng tác tự do mà còn có thể tìm được chỗ thích hợp để thể hiện tài năng, điều này là không thể tưởng tượng đối với những nhà văn TQ sáng tác tiểu thuyết võ hiệp vào những năm 1980. Bởi: “Khi đấy sự khác biệt giữa văn học võ hiệp với các thể loại văn học khác rất rõ ràng, mãi cho đến khi ông Nghiêm Gia Viêm công nhận nó là “chính danh”, mới có người cho đấy là một môn học cần nghiên cứu.” Hiện nay, văn học võ hiệp đã được đưa vào giảng dạy ở trường học TQ.
Hiện nay tại TQ, con số các nhà văn viết tiểu thuyết võ hiệp đã vượt qua 1.000 người. Tác phẩm của họ không những được đăng tải trên mạng, trên một số tạp chí văn học võ hiệp chuyên nghiệp, mà còn được xuất bản thành sách.
Chốn giang hồ hiện đại đã phá vỡ hận thù
Phóng to |
Bìa tiểu thuyết Côn Luân của Phụng Ca |
Anh đã vận dụng kiến thức khoa học giúp quân Nguyên công phá thành Tương Dương, nhưng cuối cùng để phản đối sự thảm sát của quân Nguyên nên Lương Tiêu đã bỏ đi Tây Vực, du hành qua các xứ Á, Phi, Âu.
Mặc dù tình tiết câu chuyện vẫn theo môtip huyết thù cá nhân, kỳ ngộ và tình yêu, nhưng Côn Luân lại ẩn chứa quan niệm mang tính hiện sinh. Trong quá trình giúp quân Nguyên tấn công quân Tống, Lương Tiêu nhìn thấy sự thương vong vô nghĩa của dân lành hai nước, khiến anh phát sinh ý tưởng phản chiến.
Từ đó, anh suy ngẫm lại về tác dụng của khoa học. Khi xử lý mâu thuẫn tình cảm, tác phẩm cũng đã thoát khỏi quan điểm đa thê thường thấy trong tiểu thuyết võ hiệp, để cho hai nhân vật nữ chính tự tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. “Tiểu thuyết có thể tiếp thu tố chất của truyền thống, nhưng nhất định phải phù hợp với xu hướng thẩm mỹ của thời đại” - Phụng Ca giải thích như thế.
Trong Tu La đạo của tác giả nữ Bộ Phi Yên, 12 nhân vật chính là 12 sát thủ tề tựu về thị trấn Tu La chém giết lẫn nhau mà mục đích là để dành lấy tự do. Bộ Phi Yên thuộc thế hệ 8X, hiển nhiên điều cô ấy nhấn mạnh hơn cả là cá tính nhân vật: “Nếu điều mà các hiệp khách trước đây phải tranh đấu là sự xâm lược của ngoại tộc và bất công của xã hội, thì các hiệp khách mà tôi dựng nên phải đấu tranh với ranh giới của lòng mình và thích tiêu dao khắp chốn”.
Chẳng ai thay thế được Kim Dung
Nhà nghiên cứu văn học đại chúng Thang Triết Sinh đã so sánh sự khác biệt giữa những tác giả viết tân tiểu thuyết võ hiệp với “sư tổ” Kim Dung. Theo ông, tuy về mặt sắp xếp tình tiết, tân tiểu thuyết võ hiệp có được rất nhiều bước đột phá nhưng về bản lĩnh nắm vững thế thái nhân tình và khắc họa nhân vật lại thua xa Kim tác gia. Điều này liên quan đến sự trải nghiệm và bản lĩnh văn hóa.
Chỉ riêng Phụng Ca đã thể hiện được điều này trong tác phẩm Côn Luân. Là người sinh sau những năm 1970, “môi trường phổ cập kiến thức võ hiệp” sớm nhất của anh là thông qua phim truyền hình, tiếp đấy là làm quen với những tác phẩm võ hiệp để tạo cho mình một nền tảng kiến thức võ hiệp hoàn chỉnh.
Sau khi xem hết những tác phẩm của Kim Dung, anh “cảm thấy không tìm ra được tác phẩm nào khác có thể xem được”. Khi lên mạng tìm đọc, Phụng Ca phát hiện ngoài Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh..., còn có nhiều tác giả sáng tác tiểu thuyết võ hiệp nhưng tất cả đều không khiến anh cảm thấy hài lòng, thế nên Phụng Ca đã nảy ý định sáng tác. Phải mất năm năm anh mới hoàn thành Côn Luân.
Bước chân vào con đường sáng tác, Phụng Ca mới nhận ra rằng những xáo động vào thời đại mà Kim Dung trải qua, như bất hạnh gia đình, trắc trở hôn nhân và nhọc nhằn sự nghiệp đều đi vào tác phẩm của ông, như một luồng gió mang lại sinh khí cho tác phẩm. Bởi thế, sự trải nghiệm là cơ hội mà thời đại ban cho mỗi người.
Tiểu thuyết tân võ hiệp có nhiều đề tài, phong cách thể hiện lại đa dạng thế, tác phẩm cũng đồ sộ, nhưng bên cạnh sự hưng thịnh ấy ẩn chứa nhiều điều đáng lo âu. Theo GS Hàn Vân Ba: do được sự ủng hộ của người đọc trên mạng, nhiều tác giả sớm đắm chìm trong cảm giác tự hào về chính mình, lao vào con đường thương mại hóa. Và vì thế sẽ khó mà có được những tiểu thuyết đủ khả năng thay thế tác phẩm của Kim Dung, dù chúng được quảng bá rộng rãi thế nào đi nữa trên mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận