Tình hình an ninh lương thực toàn cầu hiện tại đang rất mong manh do xung đột Nga - Ukraine kéo dài, khó khăn kinh tế và biến đổi khí hậu. Vì lẽ đó, hàng ngàn ngân hàng hạt giống được thành lập trên khắp thế giới chính là điều nhân loại đang rất cần.
Khủng hoảng lương thực trầm trọng
Phát biểu tại cuộc họp hôm 28-7, phó giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc - ông Carl Skau nói rằng có ít nhất 38 trong số 86 quốc gia nhận viện trợ lương thực từ WFP đã và sẽ bị cắt giảm viện trợ lương thực, vì không còn đủ ngân sách.
Theo hãng tin AP, trong số những quốc gia bị cắt giảm viện trợ lương thực có những nơi vốn đã chật vật vì đói nghèo và xung đột như Afghanistan, Syria, Yemen và Tây Phi.
"Nhu cầu vẫn không ngừng tăng lên trong khi nguồn tài trợ lại cạn kiệt. Vì vậy, chúng tôi dự đoán tình hình lương thực năm 2024 sẽ càng tồi tệ hơn" - ông Skau nhận định.
Ông Skau nhận định thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng của nhân loại lớn nhất trong lịch sử, và vẫn sẽ tiếp diễn thêm một thời gian nữa.
Cũng theo WFP, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có khoảng 345 triệu người rơi vào khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng và hàng trăm triệu người có nguy cơ chết đói.
Theo phân tích của ông Skau, xung đột và mất an ninh khu vực vẫn là những nguyên nhân chính gây ra nạn đói trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và thiên tai liên tiếp xảy ra, lạm phát giá lương thực dai dẳng đều xảy ra ngay tại thời kỳ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu cũng khiến nạn đói ngày một trầm trọng hơn.
Để giải quyết vấn đề, WFP cũng đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn tài trợ của mình. Đồng thời, chương trình này cũng kêu gọi các nhà tài trợ truyền thống đẩy mạnh hỗ trợ để có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn đầy khốn khó hiện tại.
Tuyến phòng thủ cuối cùng: Ngân hàng hạt giống
Trước những rủi ro từ biến đổi khí hậu và xung đột quân sự ngày càng gia tăng ở khắp nơi trên thế giới, các ngân hàng hạt giống được thành lập như một nguồn tài nguyên vô giá nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.
Theo báo Guardian, hiện có khoảng 1.700 ngân hàng hạt giống và ngân hàng lưu trữ bộ gene của các loài thực vật trên toàn thế giới. Những ngân hàng này chính là "bộ sưu tập thực vật vô giá" đối với khoa học và là một "tấm khiên" giúp bảo vệ các nền văn hóa bản địa.
Tại khu vực vùng núi nhiệt đới của Costa Rica, các nhà khoa học đã thành lập một kho hạt giống được thu thập từ khắp nơi trong nhiều thập niên qua như một "bức tường thành" chống lại tình trạng bất ổn an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.
Khoảng 6.200 hạt giống của 125 giống bí, ớt, cà chua và các loại cây lương thực khác đang được lưu giữ tại một trung tâm ở gần thị trấn Turrialba, cách thủ đô San Jose của Costa Rica khoảng 60km về phía đông.
Trung tâm này lưu trữ hạt giống cây trồng từ 57 quốc gia trên thế giới. Chúng được thu thập tại các chợ và trang trại hoặc mọc hoang.
Ngân hàng hạt giống Millennium ở Sussex (Anh) - nơi được coi là nguồn lưu trữ gene thực vật hoang dã đa dạng nhất trên thế giới - sở hữu bộ sưu tập hơn 2,4 tỉ hạt giống của khoảng 40.000 loài thực vật từ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tất cả các hạt giống này đều được cất giữ trong những chiếc hầm có khả năng chống chịu sức tàn phá của các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt và cả bom đạn, chất phóng xạ.
Ngoài ra, Viện Vavilov tại thành phố Saint Petersburg (Nga) cũng là một trong những ngân hàng hạt giống lâu đời nhất trên thế giới. Được thành lập năm 1921, Viện Vavilov cho đến nay đã lưu trữ hơn 325.000 mẫu hạt giống, trong đó có cả những loại cây trồng đã biến mất vĩnh viễn như lúa mì Ethiopia.
Ông Stefan Schmitz, giám đốc điều hành của Global Crop Diversity Trust - một tổ chức bảo tồn và cung cấp sự đa dạng cây trồng của thế giới vì an ninh lương thực có trụ sở ở Bonn (Đức), cho biết những ngân hàng hạt giống chính là nền tảng đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho loài người trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận