16/12/2024 11:44 GMT+7

Những hành động góp sức bảo vệ động vật hoang dã

Tại TP.HCM càng ngày có thêm nhiều người tự nguyện giao động vật hoang dã cho cơ quan kiểm lâm với mong muốn chúng được chăm sóc, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.

Những hành động góp sức bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 1.

Kiểm lâm viên thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận tê tê Java từ ông Trần Minh Triết - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh - Ảnh: NGỌC KHẢI

Nhiều người gặp tình huống bất ngờ phát hiện, hoặc bắt được động vật hoang dã như tê tê Java, khỉ, kỳ đà, trăn... liền liên hệ lực lượng chức năng để bàn giao, không giữ làm của riêng, càng không làm thịt hoặc đem bán.

Đa số họ chia sẻ hành động trên là lẽ thường tình, bởi động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ và được trở về với môi trường tự nhiên vốn có của chúng.

Giao tê tê Java, rùa răng "đi lạc" cho kiểm lâm cứu hộ

Một đêm mưa hồi tháng 10, bảo vệ của Trường THCS Nguyễn An Ninh (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) bất ngờ phát hiện một con tê tê tại vườn trong khuôn viên trường. Thông tin này được gấp rút báo đến hiệu trưởng là ông Trần Minh Triết. Biết đây là động vật hoang dã quý hiếm, ông Triết liền nói bảo vệ bắt giữ, cũng như chăm sóc cẩn thận con tê tê này.

Sáng hôm sau cũng là thứ hai đầu tuần, ông Triết liên hệ chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây và được hướng dẫn bàn giao tê tê cho kiểm lâm. Đồng thời, tại buổi chào cờ, nhà trường đưa con tê tê ra cho các em học sinh xem cũng như thông báo sự việc. Lần đầu tận mắt thấy tê tê, nhiều em học sinh tỏ ra rất thích thú và ngạc nhiên.

Điều trùng hợp là cũng đêm 20-10 đó, một con tê tê Java khác được phát hiện tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cách Trường THCS Nguyễn An Ninh khoảng vài trăm mét.

Ông Tạ Gia Thụy, bảo vệ tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, bắt con tê tê tại khu vực phòng bảo vệ rồi báo cho lãnh đạo phòng hành chính quản trị của trung tâm. "Tôi không biết tê tê từ đâu tới. Đây là động vật quý hiếm, cần phải giữ gìn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền nuôi dưỡng, bảo tồn", ông Thụy nói.

Tình cờ gặp rùa "đi lạc" giữa đường vào tháng 9-2023, chị Phan Hồ Phương Thảo (ở TP Thủ Đức) cùng bạn liền cứu giúp. Chị Thảo kể tối hôm ấy, từ xa chị thấy một vật màu đen giữa đường tưởng bịch rác, định đem bỏ vào bên đường nhằm giữ vệ sinh chung. Tuy nhiên khi chị đến gần thì thấy đây là một con rùa cỡ lớn.

Chị cùng bạn đem rùa trên về nhà sau đó liên hệ với kiểm lâm để giao lại, với mong muốn rùa được thả về thiên nhiên. Kiểm lâm viên tiếp nhận xác định đây là rùa răng, nặng khoảng 8kg. Rùa trên sau đó được kiểm lâm chăm sóc, cứu hộ và thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Bắt được khỉ, kỳ đà, trăn... liền giao kiểm lâm

Những hành động góp sức bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 2.

Anh Trương Văn Thường giao con kỳ đà vân cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI

Tháng 9-2024 vừa qua, kỳ đà vân khoảng 7kg do anh Trương Văn Thường (ở huyện Bình Chánh) giao cho kiểm lâm cùng 26 cá thể động vật hoang dã được thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Anh Thường kể con vật trên không rõ từ đâu bò vào nhà, khi phát hiện anh cùng người thân bắt rồi tìm hiểu mới biết đây là động vật quý hiếm. "Mình mong muốn con vật trên được kiểm lâm chăm sóc sức khỏe và trả về với thiên nhiên", anh Thường nói.

Còn ông Phạm Trọng Vinh thời gian qua cũng đã giao ba con trăn quý hiếm cho kiểm lâm TP.HCM cứu hộ. Số trăn trên do ông cùng với một số người khác bắt được tại khuôn viên nhà xưởng và phía ngoài đường ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh).

Trong số đó, có con trăn đất chui vào trong cốp xe máy dựng tại sân nhà xưởng vào tháng 11-2022. "Tôi thấy đây là động vật quý hiếm, muốn nó được bảo tồn, thả về tự nhiên", ông Vinh bày tỏ.

Những hành động góp sức bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 3.

Con khỉ mặt đỏ mà anh Nguyễn Văn Để tự nguyện giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Để (ở huyện Bình Chánh) nhớ rõ con khỉ mặt đỏ tinh nghịch mà anh giao cho kiểm lâm vào tháng 3-2024. Khi anh đang cưa cây thuê bên đường thì con khỉ trên bất ngờ nhảy lên xe hù khiến một phụ nữ té bị trầy xước nhẹ.

Anh cùng với vài người khác liền bắt con khỉ trên, quyết định giao cho kiểm lâm để khỉ được thả về rừng.

Mới đây, ngày 10-12, anh Hồ Thanh Vũ (ở phường Long Bình, TP Thủ Đức) bắt gặp một con vật lạ leo chậm chạp trên cây xoài. Sau khi bắt bỏ vào lồng và tìm hiểu đây là cu li quý hiếm, nên anh liền liên hệ với lực lượng chức năng để giao cho kiểm lâm.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Định (ở phường An Phú, TP Thủ Đức) thấy một con vật không rõ con gì xuất hiện trước nhà. Ông liền bảo cháu của ông bắt lại.

Qua tìm hiểu, nhận ra đây là rái cá vuốt bé quý hiếm, ông Định mau chóng trao cho kiểm lâm để rái cá được trở về với môi trường tự nhiên.

Ông Nguyễn Công Bằng, phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết trong năm 2024, sau thời gian cứu hộ số động vật hoang dã (thuộc nhiều loài) chủ yếu do người dân tự nguyện giao, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan thả về môi trường tự nhiên tổng cộng 280 cá thể động vật hoang dã, chuyển giao nuôi dưỡng bảo tồn 11 cá thể động vật hoang dã.

Con số nêu trên cho thấy được ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật hoang dã, tự nguyện giao động vật hoang dã cho cơ quan kiểm lâm, cũng như nỗ lực của trạm cứu hộ động vật hoang dã và các đơn vị chủ rừng trong việc tiếp nhận, thả các động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Bài học trực quan về việc bảo tồn động vật hoang dã

Thời điểm Trường THCS Nguyễn An Ninh (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) bàn giao tê tê cho kiểm lâm có sự chứng kiến của nhiều học sinh.

"Tôi cũng mong muốn qua sự việc này sẽ góp thêm một câu chuyện giáo dục cho các em ý thức bảo vệ động vật hoang dã", ông Trần Minh Triết, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn An Ninh, chia sẻ.

Kiểm lâm viên Cầm Văn Tùng ghi nhận đây là tê tê Java, thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Ông Tùng cho rằng đây là trường hợp thực tế về việc tuyên truyền ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Các em học sinh có bài học trực quan về loài tê tê Java.

Những hành động góp sức bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh 3.Brazil tận dụng công nghệ AI để bảo vệ động vật hoang dã

Tại Brazil, mỗi giây có 16 động vật hoang dã chết do bị xe đụng, một nhà khoa học máy tính đã sử dụng AI để cảnh báo lái xe về khả năng xuất hiện động vật hoang dã trên đường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên