Phóng to |
Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh - Ảnh: H.ĐIỆP |
Phóng to |
Giờ học ngoại khóa ở Trường VSK (Hà Nội) - Ảnh: MINH DŨNG |
Sau biết đọc là gì?
Chị Thu Vân say mê kể về con với niềm thương yêu vô bờ cũng như say mê nói về phương án 0 tuổi và các phương pháp giáo dục sớm. Nhưng chị không khỏi lúng túng trước câu hỏi sau khi hết trình độ mẫu giáo tại trường thì gia đình sẽ tiếp tục dạy con như thế nào. Chị Vân cho biết trước khi đưa con vào trường chị đã tìm hiểu về các phương pháp giáo dục sớm dành cho trẻ. Nhưng bản thân chị cũng cảm thấy hơi băn khoăn bởi sau 6 tuổi trẻ sẽ vào học trường tiểu học như bất kể đứa trẻ nào khác. “Lúc ấy con sẽ phải tập tô lại nét chữ mà có khả năng con đã biết viết. Nhưng tôi nghĩ có thể sẽ phải rèn thêm tính... kiên nhẫn cho con”.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - viện phó Viện Nghiên cứu giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho rằng hiện nay có không ít gia đình quá ngộ nhận về con. Cho dù ở VN có không ít trẻ em sáng dạ và có trí tuệ vượt trội nhưng việc ngộ nhận của bố mẹ và việc tung hô của dư luận rất dễ gây áp lực đối với các cháu. Bà cũng thừa nhận Bộ GD-ĐT chưa hề có một chương trình nào nghiên cứu quy mô và cụ thể về những đứa trẻ được gọi là thần đồng để có những lời khuyên hay định hướng cho các cháu và gia đình. Cũng theo bà Hoàng Yến, khoa giáo dục đặc biệt của Trường đại học Sư phạm Hà Nội thành lập đã lâu nhưng chỉ chú trọng đến việc nghiên cứu về những cháu bé bị khuyết tật hoặc tự kỷ. Trước đây, khoa giáo dục đặc biệt này có tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết đã có công trình nghiên cứu duy nhất về hiện tượng Trần Đăng Khoa, và đó là luận văn tiến sĩ của tiến sĩ Tuyết. “Đây là một công trình nghiên cứu khá thành công, nhưng sau công trình ấy thì không còn ai tham gia làm công việc như tiến sĩ Tuyết nữa” - bà Hoàng Yến nói. |
Tìm một môi trường, một mô hình đào tạo như thế nào cho phù hợp với con là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chị Vân nói: “Tôi thấy hiện nay có nhiều nơi đào tạo cho trẻ học sớm như dạy trẻ em làm toán siêu tốc, các trung tâm đào tạo tiếng Anh đặc biệt hoặc các trung tâm nghệ thuật... tất cả những nơi đó đều có thể đưa con đến học”. Tuy nhiên, khi hỏi về một môi trường phù hợp để trẻ học sau phương án 0 tuổi thì VN chưa từng có.
Chính bà Hoàng Thúy Hằng, hiệu trưởng Trường mầm non VSK, cũng cho biết hiện nay trường đang đi tìm những cơ sở giáo dục để có kế hoạch liên thông nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có trường nào tương tự như vậy. Lựa chọn của phần lớn phụ huynh hiện tại chính là sau khóa học nói trên sẽ là các trường quốc tế. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh cho rằng lựa chọn trường quốc tế sẽ chỉ phù hợp với những em bé nào có năng khiếu về ngoại ngữ, còn rất nhiều khả năng khác của trẻ có thể sẽ bị “triệt tiêu” trong quá trình học tiểu học nếu không có điều kiện trau dồi hoặc rèn luyện.
Tài năng, không thể đào tạo hàng loạt
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia giáo dục. Giáo sư Lê Tiến Hoa cho rằng nếu có thể áp dụng một phương pháp nào đó đào tạo một con người bình thường thành nhân tài thì chắc nhiều nước đã thực hiện thành công lâu rồi.
Nói riêng về lĩnh vực toán học, giáo sư Hoa cho biết: “Trong lĩnh vực này tôi thừa nhận các giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy và bồi dưỡng được đội ngũ những nhà khoa học có tầm cỡ. Tôi có thể đảm bảo cứ mỗi lứa 20 học sinh thì chắc chắn có hai em sẽ trở thành giáo sư. Và thực tế, nền toán học VN hiện nay đã ghi nhận rất nhiều gương mặt được ra lò từ những lò đào tạo chuyên nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Tuy nhiên, kể từ khi làm thầy dạy kèm cho giáo sư Ngô Bảo Châu đến nay, giáo sư Hoa đã tiếp xúc với rất nhiều gương mặt trẻ em mê học toán. “Phần lớn các cháu rất thông minh và sáng dạ, nhưng tôi chưa từng thấy em nào có tố chất như Ngô Bảo Châu. Thế nên, nếu ai đó cố gắng tìm một phương pháp nào đó để dạy một đứa trẻ thích học toán trở thành Ngô Bảo Châu thì tôi cho rằng khó thể thành công được”. Có thể khẳng định trí tuệ và tài năng về trí tuệ không phải là thứ có thể đào tạo hàng loạt.
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết chị cũng không ngạc nhiên với các phương án giáo dục sớm trên thế giới. Tuy nhiên, các phương án đó vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Bản thân chị phản đối việc đứa trẻ bị buộc phải học sớm bởi lứa tuổi từ 0-6 có thể nhớ rất nhanh nhưng cũng quên rất nhanh: “Tôi cho rằng trẻ con cần phải được nghỉ ngơi và vui chơi. Tôi vẫn cho rằng mỗi đứa trẻ đều có một khả năng nào đó. Ví như mỗi khi tham gia chơi học với đám trẻ bao giờ tôi cũng hỏi: con giỏi nhất cái gì, hoặc con thích nhất cái gì... Có đứa thích vẽ, có đứa thích nặn, có đứa thích học toán, có đứa học văn, có đứa kể chuyện, múa và thậm chí có bạn nói con giỏi nhất là ăn... Tôi cho rằng tất cả những điều trẻ cho rằng mình “thích” và “giỏi” ấy đều cần được khai thác và khuyến khích. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đó là những tài năng”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng cho rằng đứa trẻ nào có tố chất tài năng thật sự thì chắc chắn sẽ có điều kiện để bộc lộ điều đó. Trong một môi trường được dạy dỗ và đào tạo như nhau, nhưng những đứa trẻ có khả năng đặc biệt chắc chắn sẽ nổi bật lên với lối tư duy khác, cách hành động khác và tiếp thu kiến thức lẫn chia sẻ thông tin cũng rất khác. Ông Trần Đăng Khoa cho rằng tài năng chỉ có thể được tạo điều kiện để phát triển chứ không thể dùng mọi biện pháp để cưỡng ép thành nhân tài
----------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
________________
----Đón đọc số tới: Bhutan - “Cõi niết bàn” bên triền Himalaya
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận