Romelu Lukaku (Bỉ)
Trong trận thắng Cagliari 2-1 trên sân khách ngày 1-9-2019. Phút 72, khi chuẩn bị thực hiện phạt đền, Lukaku bị cổ động viên đối phương la ó, thậm chí không ít người còn giả tiếng khỉ vừa trêu ghẹo vừa gây áp lực tâm lý.
Sau khi sút 11m thành công, Lukaku không ăn mừng mà nhìn chằm chằm vào các cổ động viên đang chửi bới. “Tôi cũng từng chịu như thế ở đội tuyển quốc gia. UEFA đã ngăn chặn vấn nạn này. Tôi đã trải qua 2 lần, không ai đáng bị phân biệt như vậy!”, Lukaku nói.
Raheem Sterling (Anh)
Sterling từng bị phân biệt chủng tộc, trong đó có lần tại vòng loại EURO 2020 khi Anh đá với Bulgaria. Chỉ trong 40 phút đầu trận, trọng tài 2 lần cho dừng trận đấu. Lần đầu tiên là phút 30, khi trung vệ Tyrone Mings bị cổ động viên nhục mạ về màu da. 10 phút sau, HLV Gareth Southgate báo cáo với trọng tài việc Sterling và nhiều cầu thủ da màu bị thóa mạ.
Hiện nay, Sterling cũng là một trong những cầu thủ tiên phong chống phân biệt chủng tộc tại Anh. Thậm chí anh từng kêu gọi các cầu thủ rời khỏi sân nếu bị phân biệt.
Antonio Rudiger (Đức)
Tại giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh Premier League, trung vệ Rudiger của Chelsea cũng từng bị các cổ động viên Tottenham phân biệt chủng tộc vào tháng 12-2019.
Sau tình huống nằm sân khiến Son Heung-min nhận thẻ đỏ, trung vệ Rudiger là mục tiêu chế giễu qua các bài hát cổ vũ của khán giả đội chủ nhà Tottenham. Điều đáng nói, trước đó Son đã vào bóng thô bạo với Rudiger.
Rudiger đã khiếu nại nhưng không được phản hồi. Cuối cùng, tuyển thủ quốc gia Đức này buộc phải kết luận: “Kỳ thị chủng tộc đã thắng”.
Son Heung-min (Hàn Quốc)
Ngay Son Heung-min cũng từng bị một cổ động viên Chelsea phân biệt chủng tộc. Thậm chí, một số cổ động viên Tottenham cũng có lời lẽ thóa mạ cầu thủ này lúc ngôi sao châu Á mới gia nhập đội bóng Anh.
Danh thủ Hàn Quốc - Park Ji-sung cũng từng bị chính cổ động viên M.U kỳ thị. Một số khán giả đã gọi Park Ji-sung là “thằng mọi tới từ nước ăn thịt chó” trong nhiều năm.
Anton Ferdinand (Anh)
Năm 2011, Anton Ferdinand, em trai của Rio Ferdinand, tố cựu đội trưởng của Chelsea - John Terry gọi anh là “mọi đen” trong trận Chelsea gặp Queen Park Rangers.
Dẫu vậy sau đó, thẩm phán Howard Riddle cho rằng không có bằng chứng đủ mạnh để kết tội John Terry có hành động phân biệt chủng tộc. Cũng từ đó, quan hệ giữa Terry với Rio Ferdinand - cặp trung vệ tuyển Anh - trở nên bất hòa và không bao giờ được như xưa.
Patrice Evra (Pháp)
Một vụ phân biệt chủng tộc trong giới cầu thủ nổi tiếng khác là Luis Súarez và Patrice Evra. Khi Suarez còn thi đấu cho Liverpool và Evra đá cho M.U, tiền đạo người Uruguay gây tranh cãi khi từ chối bắt tay hậu vệ người Pháp.
Chân sút người Uruguay lĩnh án treo giò 8 trận, nộp phạt 40.000 bảng vì đã có những lời chê bai màu da của Evra. Câu chuyện này đến nay vẫn thường được lấy ví dụ chuyện phân biệt chủng tộc trong giới cầu thủ.
Mario Balotelli (Ý)
Balotelli là nạn nhân quen thuộc nhất của nạn phân biệt chủng tộc, từ khi khoác áo Manchester City, sang AC Milan đến đội bóng hiện tại là Brescia. Thậm chí, Balotelli từng bật khóc trên băng ghế dự bị vì bị phân biệt chủng tộc.
“Balotelli là đứa con hoang. Nếu bạn nhảy, Balotelli sẽ chết” - lời bài hát Juventus từng nhắm vào Balotelli năm 2009. Sau này, các cổ động viên phân biệt chủng tộc không ca câu cuối cùng để "lách luật" phân biệt chủng tộc.
Khi trở về câu lạc bộ cũ Brescia, cầu thủ này tiếp tục bị cổ động viên dùng lời lẽ nhục mạ. Trong một trận đấu, Balotteli phản kháng bằng việc đá trái bóng lên phía khán đài về phía các cổ động viên đang phân biệt chủng tộc và đòi bỏ ngang trận đấu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận