28/09/2013 04:10 GMT+7

Những giọt nước mắt sẻ chia...

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TT - Những vóc dáng gầy gò, những gương mặt non nớt hằn lên nét nhọc nhằn. Đó là hình ảnh của 203 tân sinh viên đồng bằng sông Cửu Long tại đêm trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tối 25-9.

FIxArFwq.jpgPhóng to
Ông Vũ Duy Hải - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam - động viên Trần Mộng Kha - Ảnh: Chí Quốc

Đó là 203 mảnh đời nghèo khó nhưng luôn nỗ lực học tập để mong có tương lai tươi sáng hơn. Họ như những cây sen, cây súng dù bùn đất lấm lem nhưng vẫn vươn mình mọc thẳng, ngát hương.

Hàng trăm sinh viên xúc động trước hoàn cảnh của Võ Văn Thuận, quê Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Hình ảnh người mẹ bệnh nặng không tiền chạy chữa nằm đau đớn trên giường cho đến lúc qua đời đã thôi thúc Thuận (lúc đó chỉ mới 12 tuổi) quyết tâm lớn lên nhất định phải làm bác sĩ.

Gia cảnh nghèo khó, ở quê mà không có miếng đất chọi chim, cha già phải đi làm thuê làm mướn càng làm ý chí của Thuận vững vàng hơn bao giờ hết. Sau ngày thi tuyển sinh đến nay dù rất nhớ cha nhưng Thuận chưa một lần về quê bởi chi phí đi lại cũng tốn gần 500.000 đồng, Thuận ở lại TP.HCM tìm việc làm thêm. Đối với Thuận, thời gian sáu năm học bác sĩ không phải ngắn nhưng cũng không quá dài, khó khăn vật chất cơm áo gạo tiền không thể cản lối Thuận đi đến ước mơ. “Chỉ cần em có đủ nghị lực và sức khỏe thì khó khăn nào em cũng có thể vượt qua” - Thuận bộc bạch.

Niềm vui vỡ òa trong những tràng pháo tay chúc mừng của các tân sinh viên dành cho Thuận khi ban tổ chức dành cho em sự bất ngờ. Hai cha con sau bao tháng ngày xa cách nay đã gặp nhau tại buổi lễ, mừng mừng tủi tủi. Người cha già giọng run run “mừng quá con ơi”.

Khán phòng lặng đi, nước mắt lăn dài trên má các bạn sinh viên khi nghe MC đọc bức thư của sinh viên Trần Mộng Kha gửi đến Tuổi Trẻ: “Ba ơi! Mẹ kể ngày ba bỏ đi khi con gần tròn 2 tuổi. Suốt bao đêm ngủ con đều gọi ba ơi, nghe tiếng chân ai con đều nhổm dậy tưởng là ba về... Ước gì qua một giấc mộng dài, giờ tỉnh dậy con được gặp ba, vai mẹ cũng bớt oằn gánh nặng cơm áo gạo tiền hơn, và đường vào đại học của con cũng bớt gập ghềnh hơn”.

Mắt đỏ hoe xúc động, ông Vũ Duy Hải, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, đại diện Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”, trao tặng Mộng Kha bó hoa tươi thắm, đồng thời cam kết sẽ bảo trợ Kha suốt bốn năm đại học, mỗi năm 5 triệu đồng từ Quỹ khuyến học Vinacam. Ông cũng bày tỏ sự cảm kích đối với người mẹ đã nén nỗi đắng cay nuôi Kha nên người.

Qua theo dõi chương trình, xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của Võ Văn Thuận, GS Phan Lương Cầm (phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã gọi đến nhận hỗ trợ chàng sinh viên y khoa Võ Văn Thuận đi hết chặng đường sáu năm học.

Ông Lê Quốc Phong - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền - chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và kêu gọi thêm nhiều mạnh thường quân giúp đỡ để tất cả sinh viên nghèo học giỏi đều đạt được ước mơ. Đồng thời cũng mong các em sẽ là người giúp đỡ cho thế hệ trẻ mai sau”.

Thảo không đơn độc

lVTovUGy.jpgPhóng to

Tân sinh viên Bùi Thị Thảo tại giảng đường Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 27-9 - Ảnh: Hà Bình

Sáng 27-9, tân sinh viên Bùi Thị Thảo (nhân vật trong bài “Túp lều của cô giáo tương lai”, Tuổi Trẻ ngày 26-9) đến lớp tham gia bầu chọn ban cán sự lớp ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đã nhập học được ba tuần và Thảo không còn đơn độc trên con đường thực hiện ước mơ trở thành một cô giáo dạy văn.

“Chiều nay em sẽ đến đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM gặp bác sĩ Trí - Thảo kể - bác sĩ gọi điện mời đến nhà bàn tính hỗ trợ việc học cho em”. Hôm trước, sau khi câu chuyện cô học trò từ “túp lều” vào trường sư phạm, tòa soạn Tuổi Trẻ nhận được một lá thư điện tử. Thư viết: “Tôi là một bác sĩ hưu trí. Tôi muốn giúp cô bé Bùi Thị Thảo khi đọc báo Tuổi Trẻ sáng nay. Tôi muốn tài trợ, giúp đỡ cháu ăn học cho đến khi tốt nghiệp thành cô giáo”.

Cuối giờ chiều hôm báo đăng, Ban công tác xã hội của báo cũng nhận được 500.000 đồng nhờ chuyển cho Thảo. Hỏi thông tin chỉ thấy “người thân nhờ đến chuyển giùm”. Nhiều bạn đọc gọi đến hỏi cách liên lạc với Thảo. Có người bảo chỉ để thăm hỏi, động viên cô bé giàu nghị lực. Có người mời Thảo về nhà nuôi ăn ở trong bốn năm học. Và cũng có người mời Thảo về làm gia sư cho con mình...

Và có lẽ đường đến giảng đường của Thảo bớt gập ghềnh hơn khi có cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên dạy văn của mình. Cô Yến là người đến nhà Thảo “chơi” để rồi thốt lên: “Không ngờ em khó khăn đến vậy”. Cô là người cho Thảo mượn sách để bạn tự ôn thi đại học. Cô cũng là người giới thiệu Thảo làm đơn xin học bổng “Tiếp sức đến trường” của Tuổi Trẻ. Trước thông tin học trò được nhiều nơi hỗ trợ, cô giáo cảm động: “Xin thay mặt Thảo gửi lời cảm ơn”.

Câu chuyện cô bé nghị lực, ân tình của ông bác sĩ về hưu, cô giáo hết lòng vì học trò... như tia nắng ấm áp giữa những ngày mưa Sài Gòn. Câu chuyện của Thảo - cũng như hàng trăm tân sinh viên khó khăn khác - đã tiếp thêm động lực cho nhiều người giữa cuộc sống bộn bề, lấy đó làm bài học nuôi dạy con cái. Và những tân sinh viên vượt khó, trước những tấm lòng, sẽ ấm áp hơn, vững tin hơn trên bước đường đi đến ước mơ.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên