Bà Trần Kim Anh (thứ hai từ phải sang), 90 tuổi, nguyên phó ban tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, chia buồn cùng phu nhân ông Dương Đình Thảo sáng 17-1 - Ảnh: Tự Trung |
Thời của ông Sáu Thảo là thời khó khăn nhất cả về vật chất lẫn tư tưởng nhưng lại là thời hay nhất. Đó là vì ông có kiến thức, cái nhìn sâu sắc với từng loại hình nghệ thuật và hiểu rõ mục đích nghệ thuật |
Ông Nguyễn Thanh Hải |
Cuộc đời là vô thường nhưng tình anh em, bạn bè, đồng chí, đồng đội lại là miên viễn... Ngày thứ hai viếng tang lễ ông Dương Đình Thảo đã có nhiều giọt nước mắt như thế...
Rồi sẽ lại gặp nhau
Ngồi lặng lẽ một góc bàn, nhìn đăm đăm vào những hàng vòng hoa, ông Nguyễn Hùng Khánh (tức Năm Cảnh - PV) thi thoảng lại mỉm cười.
Ông kể: “Tuổi tôi đến tết này là sang 90, nhỏ hơn Sáu Thảo vài tuổi, không nhớ đã là bạn bè, đồng đội từ bao năm. Có lẽ phải trên 50 năm, từ ngày còn ở căn cứ Trung ương Cục.
Cùng nhau làm ngoại giao, cùng nhau về tuyên huấn, cùng công tác, cùng ăn ở, hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau. Sau này về hưu, nhà chúng tôi ở cùng khu, cách nhau vài trăm mét...
Thân thiết với tôi nhất, chính là anh Sáu Thảo. Thân thiết với Sáu Thảo nhất, có lẽ cũng chính là tôi. Giữ được tình bạn lâu bền như vậy vì cả hai cùng nghiêm ngắn, đàng hoàng, trong sạch...”.
Lại mỉm cười với những hồi ức về người bạn tri kỷ, ông Năm Cảnh trầm giọng: “Ngồi ở đây với anh, tôi đã phải cố gắng cưỡng lại cơn choáng. Thôi thì Sáu Thảo đi trước, rồi Năm Cảnh sẽ đi sau...”.
Lê từng bước chân vừa mổ khớp từ ngoài cổng vào, khó nhọc lên những bậc tam cấp, bà Nguyễn Thị Minh vừa bước vừa khóc không phải vì cái chân đau.
Thắp nén nhang, bà rơi nước mắt: “Tôi biết anh Sáu Thảo từ thời tôi còn nhỏ, anh còn trẻ, cùng lui tới nhà một người bạn hoạt động của ba tôi mà thành quen thân (bà Minh là con của chí sĩ Nguyễn An Ninh - PV). Chúng tôi coi anh là anh cả. Đường đời mỗi người mỗi ngả, sau 1975 mới gặp lại. Lúc mẹ tôi mất, anh đứng ra lo liệu như con trong nhà...”.
Khóc mãi rồi bà Minh cũng cố trấn tĩnh ghi vào sổ tang: “Vĩnh biệt anh, người anh cả của gia đình Nguyễn An Ninh. Anh là tấm gương của các em, các cháu. Anh sống trung thực, ghét thói xu nịnh, xảo trá. Anh không vụ lợi, đấu tranh cho lẽ phải và rất tình cảm. Anh an nghỉ thanh thản, rồi anh em mình sẽ lại gặp nhau...”.
Vợ chồng ông Nguyễn Trọng Xuất cứ ra vào, cùng gia đình tiếp hết đoàn khách này đến đoàn khách khác.
Ông Xuất chỉ vào vợ mà kể: “Bà Sương hồi làm ở Bưu điện Sài Gòn đã tham gia tổ chức một đường dây chuyển báo chí, tài liệu sang cho phái đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam mà ông Sáu Thảo làm người phát ngôn.
Chỉ vậy thôi mà sau này ông tìm đến với chúng tôi như bạn bè đã thân thiết lâu đời. Rồi tôi công tác chung ở Ban tuyên huấn Thành ủy, sau này về hưu lại cùng nhau miệt mài biên soạn bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến suốt tám năm trời...”.
Ông nghẹn lòng viết: “Bao nhiêu kỷ niệm. Biết nói làm sao hết nghĩa tình với anh. Xin hẹn gặp lại nhé”.
Bà Nguyễn Thị Minh (con chí sĩ Nguyễn An Ninh) xúc động đến viếng ông Dương Đình Thảo - Ảnh: Tự Trung |
Cái tình chú Sáu
“Anh Sáu là người tình cảm lắm”, ai đến viếng cũng nhắc đi nhắc lại. Những người thuộc cấp của ông ở Sở Văn hóa - thông tin trầm trồ câu chuyện lạ về sếp của họ: “Hễ có ai báo bệnh, ốm xin nghỉ việc vài ngày là ngay buổi chiều ông đã xuất hiện bên giường bệnh để thăm hỏi...”.
Bà Nguyễn Lê Thu An lau nước mắt kể câu chuyện riêng tư: “Ông đã cho tôi chỗ dựa và động lực để đấu tranh cho mối tình của mình...”.
Ngày ấy Nguyễn Lê Thu An là một nữ cán bộ Đoàn nổi tiếng, được đánh giá rất cao: trẻ đẹp, học giỏi, năng động, hát hay, bề dày công tác có cả sự dày dạn của một cựu tù Côn Đảo.
Con đường cô đi rộng mở. Rồi cô đem lòng yêu nghệ sĩ Quốc Hương. Gia đình cô, các anh, các chú trong hệ thống Đoàn, Đảng đều phản đối dữ dội, nguyên nhân chỉ vì ông Quốc Hương lớn hơn nhiều tuổi, đã từng có vợ, lại là nghệ sĩ, e không phù hợp với đường hoạt động chính trị của Thu An.
“Duy có ông Sáu Thảo, không hề biết tôi mà chỉ biết anh Quốc Hương ở đoàn Bông Sen. Đi đến đâu ông cũng ca ngợi “mối tình một chiến sĩ Côn Đảo với một nghệ sĩ”. Ông như một người ơn của gia đình tôi là vậy”.
Sau này, nghệ sĩ Quốc Hương bệnh, ông không chỉ đến thăm mà còn vận động để Quốc Hương được đi Đức chữa bệnh. Quốc Hương nguy kịch, ông viết thư từ biệt trước khi lên đường công tác. Quốc Hương mất, ông năm nào cũng gửi quà, thư cho An Hương (con gái ông Quốc Hương và bà Thu An) đỡ nhớ cha...
Những người làm công tác văn hóa dưới thời ông làm giám đốc sở có thể kể không dứt những câu chuyện tương tự.
Ông đứng ra bảo lãnh để Nguyễn Chánh Tín được làm nghề, xây dựng nên hình tượng Nguyễn Thành Luân sâu đậm trong lòng người xem.
Ông đã bảo vệ cho những phong trào nhạc trẻ, phong cách biểu diễn nghệ thuật cởi mở, cho các loại hình cải lương, giao hưởng, điện ảnh được phát triển giữa những hàng rào quan điểm bảo thủ, cứng nhắc, đôi lúc ấu trĩ của thời bao cấp.
“Thời của ông Sáu Thảo là thời khó khăn nhất cả về vật chất lẫn tư tưởng nhưng lại là thời hay nhất. Đó là vì ông có kiến thức, cái nhìn sâu sắc với từng loại hình nghệ thuật và hiểu rõ mục đích nghệ thuật” - ông Nguyễn Thanh Hải, một cán bộ sở văn hóa lúc đó, nhận xét.
“Có mấy ai được vậy”, kể xong câu chuyện của mình về chú Sáu Thảo, ai cũng kết một câu như thế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận