Hôn nhân là chuyện quan trọng của đời người nhưng nhiều cô gái vì muốn đổi đời hoặc vì chữ hiếu nên đã đánh đổi tuổi thanh xuân, vượt biển lớn sang xứ người để rồi vấp phải thực tế đắng cay khiến ngày về thành những giọt nước mắt tủi nhục, buồn đau lăn dài trong phòng xử...
Tại TAND TP Cần Thơ, 7g sáng nắng tràn qua cửa chính rải trên những dãy ghế chỉ có hai người khiến phòng xử như rộng thênh ra. Dãy ghế bên trái là một cô gái trạc 24 tuổi, khuôn mặt toát lên vẻ buồn bã, u uẩn.
Cô mặc áo ấm màu xanh sậm, quần tây đen khiến ánh nắng chênh chếch xuyên qua cửa sổ hắt bóng xuống nền gạch thành một khối cô độc đen kịt. Dãy bên phải, cũng một cô gái trạc 20 tuổi, chiếc áo thun màu tím càng khiến khuôn mặt mệt mỏi của cô tái xanh thêm.
Lấy chồng xứ Hàn để kiếm tiền lo cho chuyện học của các em...
Tòa bắt đầu xử vụ ly hôn thứ nhất giữa nguyên đơn là người mặc áo xanh - chị N.T.B. - với ông Ansangpil. Vị chủ tọa khá lớn tuổi. Giọng ôn tồn, ông nói dù chị chỉ đáng tuổi con cháu nhưng giữa tòa phải dùng ngôn ngữ pháp đình, nên ông sẽ gọi chị là chị.
Rồi ông bắt đầu thẩm vấn: “Chị và chồng quen biết nhau trong trường hợp nào? Chồng chị bao nhiêu tuổi, làm nghề gì?”. Chị đáp cả hai quen nhau qua mai mối, chỉ một tháng tiến tới hôn nhân, lúc đó chị 22 tuổi, còn chồng 45 tuổi. Sau đó chị xuất cảnh sang Hàn Quốc cùng sống với chồng.
Chủ tọa: “Tôi xem hồ sơ thấy chị tốt nghiệp THPT, đang học năm hai ngành hướng dẫn viên du lịch. Tại sao chị không tiếp tục học mà lại lấy chồng nước ngoài?”.
Khi nghe chủ tọa nhắc đến chuyện học, đôi mắt chị vụt sáng lên nhưng rồi trở về nét buồn bã cố hữu. Chị khóc: “Ước mơ của con là trở thành hướng dẫn viên du lịch nhưng do không có tiền đóng học phí nên đành nghỉ học”.
Rồi chị kể bằng giọng buồn buồn, cha suốt ngày ôm hũ rượu. Mẹ nín nhịn, cam chịu, gồng mình trên hai công ruộng nuôi đàn con năm đứa. Học đến lớp 10, chị phải chuyển sang hệ bổ túc để ngày đi làm phụ hồ, tối đi học. Cực khổ, vất vả nhưng vẫn ráng bởi đó là con đường đổi đời duy nhất.
Rồi chị đậu vào lớp trung cấp hướng dẫn viên du lịch. Không tiền đóng học phí, chị vay ngân hàng chính sách nhưng đến năm thứ hai, ngân hàng không cho vay nữa bởi gia đình không có sổ hộ nghèo.
Trong những ngày chạy bàn kiếm sống, chị nghĩ đến những đứa em, nếu không có tiền đóng học phí rồi cũng rơi vô ngõ cụt giống như mình. Phải tìm đường thoát ra. Ý nghĩ ấy đã thôi thúc chị lấy chồng xa xứ kiếm tiền lo bản thân và chuyện học của mấy đứa em. Giọng chị xúc động: “Con nghĩ nếu sang bên đó, đi làm gửi tiền về cho các em ăn học...”.
Nói đến đây, chị lau nước mắt: Ngay từ khi đặt chân đến xứ Hàn, chị bị sốc bởi chồng không phải là giám đốc như lời khoe mà là tài xế, không có nhà ở phải thuê chung cư. Kế đến ngôn ngữ bất đồng khiến hai bên chỉ nói chuyện bằng cách ra dấu. Nhiều khi chồng quơ tay quơ chân mãi mà chị vẫn không hiểu chồng muốn nói gì khiến chồng bực tức ném đồ đạc.
Đau đớn nhất là chồng cấm tuyệt không cho chị nói chuyện với cộng đồng người Việt. Nhớ nhà, chị điện thoại nhưng chồng không cho bảo tốn kém. Chị xin đi làm nhưng chồng không đồng ý.
Suốt ngày tù túng trong căn phòng nhỏ nấu cơm đợi chồng về nhưng hiếm khi cùng ăn mà thường phải trân mình chịu những trận đòn của ông chồng say xỉn thì nhiều.
Giọng chị buồn bã: “Chồng con vốn nghiện rượu, hầu như ngày nào cũng say rồi đánh đập con. Cộng thêm không được đi làm kiếm tiền gửi về quê khiến con luôn sống trong trạng thái quẫn bách, lo sợ nên sau hơn sáu tháng chung sống, con quyết định ly hôn, dọn ra ngoài ở”.
Giọng chị đứt đoạn, ngắt quãng theo làn nước mắt khi nhắc đến vùng ký ức khủng khiếp. Chị kể không chịu nổi cảnh đánh đập, khinh rẻ nên chị quyết định đến tá túc nhà người bà con. Cuộc hôn nhân của chị kết thúc chóng vánh sau nửa năm chung sống.
Chị nói: “Khi ở nhà bà con, con không có một xu dính túi, cắn răng chịu cái lạnh cắt da, cắt thịt đi làm thuê ở nông trại kiếm sống và để có tiền làm lộ phí về quê”. Chủ tọa quan tâm: “Về đây chị sống bằng nghề gì?”. Chị trả lời: “Con giúp việc cho một quán ăn. Tuy vất vả nhưng con thấy tự do chứ không ngột ngạt nơm nớp lo sợ như trước đây”.
Tòa tuyên cho chị được ly hôn. Chị khóc...
Trả hiếu
Phiên tòa thứ hai. Nguyên đơn là chị T.T.X. xin ly hôn với chồng là ông Linchili. Từ nãy giờ ngồi ghế dự khán, chứng kiến phiên xử đầu, chị lặng lẽ khóc theo người cùng cảnh ngộ. Nên đến phiên mình, chị vẫn còn giọt ngắn giọt dài. Thấy vậy chủ tọa khuyên chị hãy bình tĩnh lại.
Chị lấy tay chặn ngực cho qua cơn xúc động, rồi kể bằng giọng run run: Sau khi tốt nghiệp THPT, qua mai mối chị quyết định tiến tới hôn nhân với người chồng bên xứ Đài Loan lớn hơn mình 20 tuổi.
Ngày đầu tiên hai bên gặp mặt cũng là ngày tổ chức lễ cưới. Sau khi đăng ký kết hôn, chồng có sang chung sống với chị khoảng hai tuần. Chị có giục chồng rước qua đó bằng con đường du lịch nhưng chồng chỉ ừ hử cho lấy có. Sau đó do phỏng vấn không đạt nên chị không thể sang Đài Loan chung sống cùng chồng.
Rồi từ dạo đó, chồng bặt tăm không điện thoại, thư từ liên lạc nên cho đến giờ thân thế, gốc gác của chồng, chị cũng không biết. Kế đó, chị nghe mấy người bà con sang bên đó làm dâu cực khổ tủi nhục trăm bề nhưng do có con cái muốn ly hôn nhưng không được, càng đẩy chị đến quyết định ly hôn.
Chủ tọa hỏi: “Hôn nhân là chuyện quan trọng đời người. Sao chị không tìm hiểu kỹ lưỡng? Vậy mục đích kết hôn của chị là gì? Có phải muốn mưu cầu hạnh phúc hay muốn đổi đời?”.
Chị trình bày: “Mục đích kết hôn vừa để tìm hạnh phúc vừa cũng để sang đó đi làm kiếm tiền gửi về cho mẹ trị bệnh bởi mẹ mỗi tháng phải chạy thận tốn rất nhiều tiền”.
Hội thẩm: “Khi cưới, chồng chị cho chị bao nhiêu nữ trang, số tiền đó chị có giúp đỡ gia đình được không?”. Chị đáp: “Dạ, tổng cộng 11 chỉ vàng. Số vàng đó con đã dùng để chữa bệnh cho mẹ”.
Giọng chủ tọa ôn tồn: “Tuổi chị cũng còn trẻ, chữ hiếu có trăm đường, sao chị không chọn cách nào vừa để bảo vệ mình vừa để lo cho mẹ mà lại chọn cách phiêu lưu như vậy? Cũng may chưa con cái, nếu không giờ chị nghĩ coi không nghề nghiệp, không tiền bạc, chị làm gì nuôi con và lo cho mẹ?”.
Nghe chủ tọa phân tích, nước mắt chị lại rơi, chị nói lúc kết hôn chị không nghĩ đến điều này mà chỉ nghĩ đến qua bên đó có việc làm, có tiền gửi về cho mẹ mà thôi.
Xét thấy thời gian dài cả hai bên không còn liên lạc với nhau, mục đích hôn nhân không đạt nên tòa đã tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị. Phiên tòa bế mạc. Người phụ nữ 20 tuổi này ra về với cặp mắt đỏ hoe.
Có lẽ trong lòng đầy tâm trạng nên chị tâm sự với người xa lạ như tôi: “Sau này làm chuyện gì em cũng phải cân nhắc, cẩn thận. Hôn nhân không phải là một chuyện phiêu lưu, đánh đổi. Giờ mang tiếng là gái có một đời chồng... Em sẽ học nghề uốn tóc, sẽ mở tiệm tại quê nhà. Vừa kiếm tiền vừa đỡ đần cho mẹ...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận