23/01/2017 10:59 GMT+7

Những giọt mồ hôi mua tiếng cười

H.ĐĂNG - T.PHÚC, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
H.ĐĂNG - T.PHÚC, [email protected]

TT - Đằng sau những tràng cười rộn rã tạo ra trên sân khấu là những giọt mồ hôi gian khổ của các nghệ sĩ xiếc - những người sống một cuộc đời tập luyện chẳng khác gì những VĐV chuyên nghiệp.

Anh Đại (đạp xe) oằn mình trong buổi tập đạp xe chở nhiều người. Ảnh: H.Đ
Anh Đại (đạp xe) oằn mình trong buổi tập đạp xe chở nhiều người. Ảnh: H.Đ

 

Cách đây một tháng, hai anh em nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp tạo nên kỳ tích khi lập kỷ lục Guinness về mục đi thăng bằng đầu người. Trong những bước đi kỳ diệu tại nhà thờ Girona (Tây Ban Nha), hai anh em nhà họ Giang không chỉ tạo ấn tượng bởi tư thế ngoạn mục mà còn bởi những khối cơ bắp cuồn cuộn chẳng kém gì những VĐV cử tạ hay thể hình.

Chế độ tập luyện khắc nghiệt

Thật vậy, những nghệ sĩ xiếc - dù mang danh nghệ sĩ, với những bộ quần áo rực rỡ, bắt mắt trên sân khấu lại trải qua chế độ tập luyện hoàn toàn mang tính thể thao. Trong những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến Nhà hát nghệ thuật phương Nam (công viên Gia Định, TP.HCM) - nơi đang rộn ràng với chương trình xiếc quốc tế từ Nhật Bản, cũng là mái nhà chung của giới diễn xiếc chuyên nghiệp TP.HCM - để được mục kích những buổi tập luyện gian khổ của các nghệ sĩ nơi đây.

Anh Nguyễn Quốc Đại - người có kinh nghiệm 20 năm trong nghề - chia sẻ: “Diễn xiếc cũng có nhiều vai trò khác nhau, chủ yếu chia làm hai là những người nhào lộn, thiên về khéo léo, dẻo dai và những người làm đế trụ, có sức mạnh, thể hình to lớn như tôi. Nhưng dù trong vai trò gì thì bọn tôi cũng đều phải tập luyện thể thao rất thường xuyên. Trong những ngày bình thường không diễn, chúng tôi tập luyện thể thao khoảng 5-6 giờ/ngày”.

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ phải bất ngờ với thân hình “đồ sộ”, tưởng chừng không mang chút gì của một nghệ sĩ xiếc nơi anh Đại. Anh Đại cao trên 1,7m, nặng đến hơn 80kg. Anh cho biết mình phải duy trì một thân hình có phần hơi quá khổ như vậy để thích hợp với công việc. Trong đoàn xiếc, anh Đại nổi danh với tiết mục đạp xe chở nhiều người (có thể lên đến 10 người), vậy nên thể hình to lớn giúp anh giữ thăng bằng tốt hơn khi phải “gồng gánh” cả đội trên chiếc xe.

“Thời mới vào học trường xiếc Việt Nam (ở Hà Nội) cách đây hơn 20 năm, chúng tôi dành phần lớn thời gian trong hai năm học đầu tiên để rèn luyện thể thao. Hồi đó, cứ mỗi ngày bọn tôi lại phải chạy ít nhất là 10 vòng quanh khu văn công, mỗi vòng đến 800m. Sau đó là những buổi tập thể hình, aerobic, đạp xe... Sau này lên giai đoạn chuyên ngành thì người đóng vai đế trụ như tôi chủ yếu tập những môn thể thao phát triển cơ bắp, sức bền, còn người đóng vai nhào lộn thì tập gần giống với VĐV thể dục dụng cụ” - anh Đại kể.

Nhiều lúc muốn bỏ nghề

Tập luyện như dân thể thao, chấn thương vì thế cũng như chấn thương thể thao. Anh Đại cho biết trong những năm đầu hành nghề, những chấn thương kiểu bong gân, trật tay là chuyện thường của anh khi bị té xe. Thậm chí nhiều lúc do bị quá nhiều người đè lên, anh còn bị chấn thương cột sống nhưng khá nhẹ. Mệt mỏi nhất với những chấn thương là các nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục liên quan đến nhào lộn, đu dây...

Nguyễn Phương Đông, cô gái sinh năm 1990 ở Hà Tây, đã có thâm niên 15 năm trong nghề, cho biết từng bị gãy tay khi té từ trên cao khiến cô phải nghỉ tập nhiều tháng mới hồi phục được. Và với một cô gái trẻ trung, vẻ ngoài nữ tính như Phương Đông, những chấn thương, sự gian khổ của ngành xiếc càng đáng sợ hơn.

“Thực sự, thời mới vào trường xiếc, tôi từng nhiều lúc muốn bỏ nghề vì những buổi tập luyện quá gian nan. Tôi đến với xiếc rất tình cờ, thầy cô thấy người tôi dẻo dai nên tuyển vào trường. Nhưng vào đó rồi mới thấy độ dẻo dai trời sinh của mình chưa đáng gì. Những buổi tập ép dẻo đầu tiên, tôi đau đến phát khóc. Mà vừa đau lại vừa phải duy trì những buổi tập thể lực, sức khỏe đều đặn nên chỉ sau hai tháng, tôi thực sự muốn bỏ trường. Có điều khi đã vượt qua được rồi thì ngày càng thêm niềm đam mê với môn này. Là con gái, tôi cũng e ngại những chấn thương lắm, nhưng đã tập luyện thì phải chấp nhận. Tập thể thao nhiều mang lại cho tôi sức khỏe tốt, giữ gìn vóc dáng cũng tốt hơn” - Phương Đông nói.

To khỏe, lực lưỡng hơn hẳn Phương Đông nhưng anh Đại cũng từng có giai đoạn muốn bỏ nghề vì việc tập luyện quá gian khổ, nhưng rồi cũng vượt qua được. Dù vậy, anh chia sẻ: “Dù muốn gắn bó lâu dài nhưng nghề này thực sự không dành cho người bước vào tuổi trung niên, khoảng bốn mấy, năm mươi là phải giải nghệ thôi”.

Như môn thể thao mạo hiểm

Những nghệ sĩ đến từ Nam Mỹ của đoàn xiếc Nhật Bản Happy Dream đang phối hợp biểu diễn ở rạp Phương Nam nhìn nhận nghề nghiệp của mình như những môn thể thao mạo hiểm. Mariano Munoz, nghệ sĩ xiếc 33 tuổi người Argentina, nói: “Nếu bạn từng đến Nam Mỹ, bạn sẽ thấy tính cách của người dân chúng tôi, chúng tôi ưa những vũ điệu ồn ào, những trò chơi mạo hiểm. Hầu như đứa trẻ nào ở Argentina cũng có thể diễn xiếc được. Tôi không biết mình học diễn xiếc từ khi nào, vì trong chương trình học thể dục ở trường chúng tôi cũng có định hướng cho việc biểu diễn. Đứa trẻ nào của Argentina cũng được học những kỹ năng khéo léo, dẻo dai...”.

Có cha là diễn viên xiếc chuyên nghiệp nên Munoz hiển nhiên thấm nhuần dòng máu trình diễn từ nhỏ. Dù vậy, sở trường của anh là biểu diễn môtô. Anh chàng nghệ sĩ sinh tại thành phố Cordoba này còn là một VĐV trình diễn môtô chuyên nghiệp, từng đi lưu diễn qua 14 quốc gia khác nhau, và cũng từng nhận lãnh vô số chấn thương của các môn thể thao mạo hiểm. Dù vậy, Munoz nói chắc nịch: “Nếu đến một lúc nào đó tôi gặp chấn thương quá nặng, không thể tập nổi nữa thì tôi sẽ nghỉ. Còn nếu không, tôi sẽ làm diễn viên xiếc cho đến già. Cha tôi năm nay đã 66 tuổi nhưng vẫn theo nghiệp đó thôi. Nếu được, tôi muốn chết ngay trên sàn diễn của mình”.

Dạy yoga kiếm thêm thu nhập

Phương Đông (trên) tạo dáng để giới thiệu lớp yoga của mình. Ảnh: T.P
Phương Đông (trên) tạo dáng để giới thiệu lớp yoga của mình. Ảnh: T.P

 

Cũng trong những ngày cuối năm, nụ cười mới dần đến với các nghệ sĩ xiếc khi mọi người có nhiều thời gian rảnh rỗi đi xem xiếc hơn. “Người xem xiếc thực sự ngày càng ít dần, những người như chúng tôi bỏ nghề cũng nhiều. Cách đây khoảng 10 năm, đoàn xiếc của tôi có lúc lên đến cả trăm người, giờ chỉ còn khoảng 30” - anh Nguyễn Quốc Đại cho biết.

Cũng vì khán giả sụt giảm, thu nhập khó khăn nên nhiều nghệ sĩ xiếc phải kiếm việc làm thêm bên ngoài để có thêm thu nhập. Điển hình như Phương Đông ngoài chuyện biểu diễn trên sân khấu còn là một giáo viên yoga. Với độ dẻo dai của một nghệ sĩ xiếc, Phương Đông không gặp khó khăn gì khi tiếp cận yoga - môn thể thao ngày càng thu hút nhiều người tập. Chỉ sau vài tháng tập luyện, Phương Đông nhanh chóng trở thành giảng viên yoga và hiện đang dạy ở một trung tâm tại Q.10 (TP.HCM). Tranh thủ lúc công viên Gia Định đang rực rỡ đón xuân với chợ hoa, cây cảnh thường niên, Phương Đông tạt sang đây để chụp hình quảng cáo cho lớp học yoga của mình.

H.ĐĂNG - T.PHÚC, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên