Bắt đầu công việc làm tình nguyện viên đọc sách cho người khiếm thị từ lúc còn trẻ, cô Thang Kim Xuân nhớ lại: "Khi đó trên báo đăng thông tin tìm người đọc cho các em tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, thấy chỉ có một mình Hướng Dương đọc, tôi đã xin vào làm".
Sau một thời gian, cô tiếp tục công việc của mình tại Thư viện sách nói Hướng Dương. Tính đến bây giờ, cô đã gắn bó với thư viện được tám năm.
Yêu sách và trở thành tình nguyện viên sách nói
Hầu hết các tình nguyện viên gắn bó với thư viện đều do yêu thích việc đọc sách.
Dù đây là công việc tự nguyện nhưng thư viện vẫn chọn giọng đọc theo những tiêu chuẩn nhất định. Các sản phẩm của tình nguyện viên được xem như một nguồn cung cấp kiến thức cho các em, do đó, để các em có thể tiếp cận đúng, thư viện đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng giọng đọc.
Muốn trở thành tình nguyện viên chính thức của thư viện, người đọc phải trải qua một bài kiểm tra để thư viện lựa chọn. Vậy nên, thư viện sở hữu những giọng đọc tên tuổi như: Trung Nghị, Ngô Hồng, Đồng Linh... Tính đến nay, thư viện có 52 tình nguyện viên chia ca và phụ trách các quyển sách khác nhau.
Có lẽ, đối với nhiều người, đây là công việc "cho đi" bởi để hoàn thành được một quyển sách nói phải tốn nhiều thời gian. Nhưng các tình nguyện viên tại thư viện lại không thấy vậy, họ xem thời gian lên thư viện đọc sách là thời gian được đọc quyển sách mình yêu thích.
Họ thấy mình nhận lại rất nhiều thứ: từ việc được làm công việc yêu thích, cho đến tiếp xúc với những người có cùng sở thích với mình.
"Với chút sức của mình, tôi mong mình có thể giúp các em tiếp cận với tri thức. Vật chất mình không bằng ai nên tôi muốn đóng góp bằng chính sức mình", cô Kim Xuân chia sẻ.
Ngoài những quyển sách có yêu cầu giọng đọc phù hợp, các tình nguyện viên ở thư viện đều được lựa chọn quyển sách mình được đọc là gì. Chính điều này giúp tình nguyện viên xem công việc đọc sách như đang trau dồi kiến thức cho chính bản thân mình trước, tạo được sự thoải mái trong công việc.
Mong ước có thêm nhiều sân chơi cho người khiếm thị hơn
Bên cạnh công việc đọc sách là chính, thư viện cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, học tập cho người khiếm thị như: giải đấu cờ vua, lớp học vi tính... Nhiều lần tiếp xúc với người khiếm thị, bà Huỳnh Hồng Hà bày tỏ: "Người khiếm thị cũng làm được nhiều việc như người không khiếm thị. Họ cũng khát khao được đóng góp cho xã hội nhưng không có nhiều cơ hội".
Khi mất đi một giác quan, các giác quan còn lại sẽ nhạy bén hơn. Dù người khiếm thị gặp khó khăn trong việc nhận biết mọi thứ xung quanh nhưng bằng xúc giác, khứu giác, thính giác, họ vẫn "nhìn" được thế giới này theo những cách riêng.
Thông qua các hoạt động được tổ chức, thư viện sách nói mong muốn tạo điều kiện giúp người khiếm thị hòa nhập với cuộc sống như bao người khác.
Như trong một dịp hè, thư viện đã tổ chức hội thi "Kể chuyện theo sách nói". Các em khiếm thị ở nhiều mái ấm trên địa bàn TP.HCM gửi clip đọc truyện về cho thư viện, sau nhiều vòng thi, ban giám khảo bình chọn để trao giải thưởng cho các em đã thể hiện tốt.
Thông qua cuộc thi, các em có thể trải nghiệm được phần nào công việc của các tình nguyện viên ở thư viện sách nói.
Niềm vui của các tình nguyện viên ở đây chỉ đơn giản là khi có dịp đến mái ấm thăm các em khiếm thị, vừa nghe giọng nói là các em đã có thể nhận ra tên người đọc lẫn tên sách từng được nghe trên máy một cách chính xác. Nhiều em nôn nao được nghe tiếp câu chuyện mà hối thúc các cô chú đọc mau mau.
Thấy được công việc của mình có tác động tích cực đến các em, nhóm tình nguyện viên lấy niềm hạnh phúc ấy làm động lực, tiếp tục hành trình đọc sách cho người khiếm thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận