TTCT - Khi giọng hát của thần tượng trở nên "bất tử" đúng nghĩa, người hâm mộ lại nửa mừng nửa lo. Đầu tháng 11, khi nghe tin The Beatles tung single cuối cùng, Now and Then, với giọng ca của John Lennon (1940-1980) được "tái tạo bằng AI", có người cho rằng chắc chỉ là một bản thu vô hồn, giọng "người máy" chứ hay ho gì. Nhưng AI đã tham gia theo cách khác: nó không tổng hợp, tái tạo giọng của John, mà phục chế lại một bản thu thứ thiệt của nam danh ca, được ghi âm không lâu trước khi ông mất.Theo Tom Collins, giáo sư chuyên ngành kỹ thuật âm nhạc tại Đại học York (Anh), AI ở đây là AI phân tích (analytical), thay vì tạo sinh (generative). AI phân tích là công nghệ vốn đã được ứng dụng trong âm nhạc từ hàng chục năm nay, sử dụng dữ liệu có sẵn để dự đoán, tự động hóa và được sử dụng để tách các kênh tiếng, loại bỏ tiếng ồn hay phục chế băng trong phòng thu.Trong khi đó, AI tạo sinh lại có khả năng kiến tạo dữ liệu mới từ các phân tích và phát hiện của mình. Khi một giọng ca được làm cho "bất tử" bằng AI tạo sinh, chẳng hạn cũng chính giọng John Lenon nhưng lại hát bài của Justin Bieber, người nghe hẳn sẽ thấy kỳ quặc, sợ hãi, hay nghi ngại về tính đạo đức đang vượt tầm kiểm soát của các sản phẩm này.Freddie Mercury ra nhạc năm 2023Từ đầu mùa hè năm nay, một thể loại video mới bắt đầu nổi lên trên TikTok và YouTube: các bản cover (hát lại) với giọng ca của các nghệ sĩ/nhân vật nổi tiếng, nhưng với các lựa chọn ca khúc kỳ lạ đến nực cười. Từ rapper Drake cover các ca khúc nhí nhảnh dễ thương của các nghệ sĩ nữ K-Pop, đến Tổng thống Mỹ Joe Biden hát cùng Obama song ca hit Boy is a Liar của hai nữ ca sĩ PinkPantheress và Ice Spice. Số khác lại "đu trend" với những giọng ca đã khuất, chẳng hạn cho Michael Jackson hát Wake Me Up của Avicii (phát hành 4 năm sau khi ông vua nhạc pop qua đời).Mỗi video như vậy thu hút hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Dĩ nhiên, các "bản thu" này không đến từ phòng thu, và những giọng ca quá cố cũng không để lại bản ghi nào như vậy. Chúng là sản phẩm của AI, với chất lượng "giả giọng" cao đến mức khó phân biệt với các bản thu thật.Nhờ sức mạnh xử lý máy tính gia tăng và kho dữ liệu khổng lồ truy cập mở trên Internet, các tiến bộ của AI tạo sinh trong âm nhạc nay được phổ cập hơn bao giờ hết. AI cho phép ai cũng có thể để các nghệ sĩ "đổi hit", ngay cả khi họ đã qua đời. Như Freddie Mercury hát nhạc Whitney Houston"Nếu ai đó có thật nhiều nhạc của Queen trong máy tính, họ có thể nạp chúng vào một thuật toán tách nguồn để tạo ra một phiên bản "nhà làm" của giọng hát Freddie Mercury. Rồi từ mô hình này họ có thể lấy một bản thu bất kỳ, ví dụ George Michael trong Careless Whisper, rồi nạp vào mô hình Freddie Mercury. Thành quả thu được sẽ là Freddie hát Careless Whisper" - Collins nói với tạp chí lối sống Dazed của Anh.Đây không phải là lý thuyết. Bạn có thể lên YouTube để nghe Freddie Mercury hát Careless Whisper, I Will Always Love You, nhạc phim Disney Let It Go, hay nhiều bài nổi tiếng khác. Và thực tế là, bất kỳ người hâm mộ nào có máy tính cá nhân cũng có thể tạo thành quả và trở nên "viral" trên mạng xã hội bằng cách mượn giọng thần tượng của mình, còn sống hay đã chết.Nửa mừng nửa loJered Chavez, một sinh viên đại học tại Florida, mới thử các công cụ tái tạo giọng AI đầu năm nay. Anh mượn giọng của 3 rapper Drake, Kendrick Lamar và Kanye West để hát Fukashigi no Karte, nhạc hiệu của một loạt phim hoạt hình Nhật Bản. Bản nhạc nhanh chóng thu hút 12 triệu lượt xem chỉ sau một tháng đăng lên TikTok.Thành công chỉ sau một đêm thúc đẩy Chavez tiếp tục "ra lò" các sản phẩm mới, dùng bản thu acapella của các ca sĩ nổi tiếng để "luyện" AI bắt chước màu giọng và hát các ca khúc mới. Bỏ ra chẳng mấy công sức, nhưng Chavez đều đặn thu về hàng triệu view cho mỗi clip đăng lên. "Tôi thực sự bất ngờ vì độ đơn giản của nó. Thành phẩm thô được AI tạo ra nghe đã rất mượt, rất thật. Việc [bắt chước giọng] đơn giản thế này cũng hơi đáng sợ" - Chavez nói với The Verge.Cả ba rapper kia vẫn đương thế và đang biểu diễn, khó có chuyện họ để yên cho người khác tự tung tự tác với giọng ca của mình. Các ông lớn trong ngành âm nhạc tất nhiên cũng buộc phải hành động, khi công chúng bỗng dưng "nắm" những giọng hát lớn, vốn là cần câu cơm chủ chốt của các hãng đĩa. Trong một hệ thống bản quyền chặt như nêm của nước Mỹ, các hãng đĩa không gặp khó khăn gì trong việc khiếu nại tác quyền và gỡ các video cover AI xuống ngay lập tức.Heart on My Sleeve, bài hát AI "mượn giọng" Drake và The Weeknd trước khi bị gỡ.Trong khi đó, phản ứng của giới nghệ sĩ chia làm hai: nửa chỉ trích, nửa đón nhận. Rapper kỳ cựu Ice Cube gọi AI là "đồ ngạ quỷ" và khẳng định chúng không có chỗ trong ngành âm nhạc, số khác lại cho rằng đấy là hình thức sáng tạo của tương lai. 9 nghệ sĩ nổi tiếng - Alec Benjamin, Charlie Puth, Charli XCX, Demi Lovato, John Legend, Papoose, Sia, T-Pain và Troye Sivan - còn đồng ý tham gia thử nghiệm táo bạo của YouTube: để AI "nhại" giọng họ theo nội dung bất kỳ của người dùng.Theo công bố giữa tháng 11, Dream Track sử dụng Lyria, "mô hình tạo nhạc tối tân hiện nay" của phòng nghiên cứu AI Google DeepMind. Chỉ một nhóm nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung được chọn tham gia Dream Track. Họ sẽ nhập ý tưởng về bài hát muốn tạo, và chọn giọng thể hiện (trong danh sách 9 người). Kết quả thu được là bài hát dài tối đa 30 giây đăng do chính nghệ sĩ được chọn thể hiện, sẵn sàng đăng theo định dạng Shorts của YouTube.Quan ngại đạo đứcNgoài các vấn đề pháp lý, giọng hát AI cũng gây quan ngại về đạo đức. Sẽ ra sao nếu thanh danh của Drake bị ảnh hưởng vì các bài hát AI giả giọng anh quá tệ? Hoặc có ai đó mượn giọng Drake để hát quốc ca Đức quốc xã? Liệu có ai hỏi ý kiến Drake trước khi mượn giọng?Với chuyện "bất tử hóa" những giọng ca đã khuất, câu hỏi là "xin phép ai", và thật ra là có nên để "lời ca còn mãi" hay không. Ở vấn đề đầu, theo chuyên gia nghiên cứu AI Kyle Worrall, ít nhất có thể liên hệ gia đình nghệ sĩ quá cố. "Dù không đạt chuẩn đạo đức như việc hỏi thẳng nghệ sĩ còn sống, đây vẫn là giải pháp trung hòa trong tình trạng AI phát triển như vũ bão hiện nay" - Kyle nói với Dazed.Thông báo của Grimes về việc mở elf.techVới vấn đề còn lại, nhiều người cho rằng hãy để các danh ca ngủ yên. Grimes (tên thật Claire Boucher) - nữ nghệ sĩ nhạc pop điện tử được biết đến với các album sáng tạo viễn tưởng và lùm xùm trong tình ái với Elon Musk - cho rằng níu mãi những giọng ca được yêu thích sẽ khiến thị trường âm nhạc khó thâm nhập hơn với các nghệ sĩ mới. Nếu ai cũng muốn nghe mãi Michael Jackson, liệu bao giờ chúng ta mới có thể tìm thấy Michael Jackson tiếp theo?Là người ủng hộ nhiệt thành việc đưa AI vào âm nhạc, Grimes đã lập Elf.Tech - nền tảng AI tạo sinh cho phép công chúng dùng giọng của cô để ghép vào bất cứ bài hát nào. Tất nhiên sẽ có người để cô "hát" nội dung không phù hợp, song Grimes vẫn cởi mở với tiềm năng của "nhạc AI". Cô không phiền nếu ai đó dùng AI của cô và làm ra nhạc dở tệ, thậm chí còn hơi stress khi thấy "mọi người tạo ra các bài hát kiểu Grimes hay hơn trông thấy so với những gì tôi đã làm".Chỉ thời gian mới có thể trả lời rằng AI sẽ đưa ngành âm nhạc đi xa đến đâu. Rắc rối pháp lýNhư trong ngành hội họa hay thậm chí đơn giản hơn là bài luận sinh viên, vấn đề bản quyền liên quan đến sản phẩm AI của ngành nhạc cũng vô cùng rối rắm.Ví dụ nổi bật nhất trong thời gian qua là hai bài hát bị Universal Music Group yêu cầu gỡ vì vi phạm bản quyền: Heart on My Sleeve ("mượn giọng" Drake và The Weeknd) và Winter's Cold (chỉ dùng giọng Drake). Theo The Verge, vụ việc không đơn giản, dù các nền tảng streaming đã nhanh chóng gỡ cả hai bài theo yêu cầu.Cả Drake và The Weeknd đều phát hành sản phẩm thông qua Universal Music Group, nhưng luật quyền tác giả của nhiều nước, trong đó có Mỹ, hầu như không bảo hộ giọng hát, phong cách hát hay cách nhả chữ của một nghệ sĩ. Một bài hát gốc (do con người hay AI viết nhạc, làm beat), chỉ dùng giọng (tự nhái hay dùng AI) của nghệ sĩ, không thể xem là xâm phạm bản quyền. Cả Heart on My Sleeve và Winter's Cold đều là bài hát gốc (original), do AI soạn. Tuy vậy, quảng bá ca khúc theo kiểu "do The Weeknd trình bày" có thể bị kiện, nhưng là vì xâm phạm quyền thương hiệu (trademark) hơn là bản quyền (copyright).Dẫu sao thì nền công nghiệp giải trí đã có trước AI rất lâu, vì thế hành lang pháp lý xung quanh quyền tác giả vẫn còn là "cây búa có thể đập trúng nhiều cây đinh cùng lúc" mà các hãng đĩa nắm trong tay, theo Meredith Rose, chuyên gia tác quyền tại tổ chức phi lợi nhuận Public Knowledge.Trong tình trạng một bên (tương đối) có lý, còn một bên có quyền, Rose dự đoán các tranh chấp về nhạc AI giữa hãng đĩa và người dùng Internet sẽ còn tiếp diễn trong 10 năm tới - tuy nhiên sẽ nghiêng dần về hướng quyền nhân thân chứ không còn xoay quanh quyền tác giả nữa. Tags: Âm nhạc AIAIÂm nhạcCa sĩNhạc sĩ
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.
Nước trên các sông dâng cao do mưa lớn, Huế khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học NHẬT LINH 25/11/2024 Tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát thông báo khẩn cấp cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vì mưa lớn, nước các sông dâng rất nhanh.
Cận cảnh mảnh vỡ tên lửa siêu vượt âm Oreshnik THANH BÌNH 25/11/2024 Cơ quan An ninh Ukraine đã cho các nhà báo thấy những mảnh kim loại được cho là của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik.