TTCT - Khắp thế giới, số giờ trẻ con được tự do vui chơi ngoài trời ngày càng giảm. Đúng là cuộc sống ngày càng lắm hiểm nguy, nhưng con trẻ xứng đáng - và rất cần - được khám phá, thay vì chỉ ở trong nhà hay ngồi học trên lớp. Ảnh: brookings.eduTheo Pasi Sahlberg, giáo sư giáo dục Đại học Melbourne, không có mối tương quan giữa việc học tập chính quy ở trường lớn với kết quả học tập. "Nói cho chính xác thì mối tương quan này hơi tiêu cực, và kết luận rất lý thú: nếu cố dạy con mình càng lâu thì chúng càng học được ít hơn" - Sahlberg, từng là tổng giám đốc Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan, nói với ABC News.Là chuyên gia trong ngành và có kinh nghiệm nuôi dạy 2 con ở Phần Lan và Úc, giáo sư Sahlberg cho rằng trẻ em Úc dành quá nhiều giờ ở trường học chính quy, khoảng 11.000 giờ học trước khi 15 tuổi, trong khi con số này chỉ khoảng 6.300 giờ ở Phần Lan."Không có hệ thống nào là hoàn hảo, nhưng tôi nghĩ có thể có sự cân bằng tốt hơn giữa thời gian chúng ta mong đợi lũ trẻ ngồi trong lớp học và thời gian chúng ta cho chúng hoạt động thể chất, vui chơi và những hoạt động khác ở trường" - ông nói.Người lớn bất an, con trẻ thiệtMới đầu tháng 10 này, khảo sát toàn cầu với hơn 32.000 phụ huynh có con từ 6 - 12 tuổi do Lego thực hiện cho thấy 32% trẻ em có thời gian chơi đùa trong một tuần ít hơn cả thời gian mà người lớn dùng điện thoại trong một ngày. Riêng ở Vương quốc Anh, có tới 70% phụ huynh đang ưu tiên cho con tham gia "các hoạt động để đạt thành tích" hơn là chỉ vui chơi đơn thuần.Trước đó, một khảo sát với hơn 1.900 phụ huynh có con từ 5 - 11 tuổi vào năm 2021 cũng cho thấy tổng số giờ chơi trung bình của trẻ trong cả năm chỉ là 3 tiếng, khoảng một nửa là chơi ngoài trời, theo báo The Guardian. Ngoài ra, trẻ em Anh thường không được phép tự chơi bên ngoài cho đến khi được 11 tuổi, tức muộn hơn 2 năm so với thế hệ cha mẹ chúng.Tương tự, trẻ em Mỹ cách đây hơn 30 năm vẫn còn được tung tăng chạy nhảy ngoài trời với rất ít sự can thiệp từ người lớn; giờ thì chúng phải ở trong nhà nhiều hơn để cha mẹ có thể trông chừng, khi ra ngoài thì luôn phải có người giám hộ đi cùng. Thời gian vui chơi của trẻ em Mỹ bắt đầu được hướng nhiều hơn đến các hoạt động có tổ chức bài bản như khiêu vũ hoặc thể thao, và ít dần thời gian cho những hoạt động ngẫu hứng, tự do vốn quen thuộc với các thế hệ trước.Theo trang Vox, nguyên nhân cho sự thay đổi này chủ yếu nằm ở mối lo ngại của các bậc phụ huynh về nạn bắt cóc bùng nổ, thời gian năm học kéo dài hơn, những lo lắng về tương lai của con cái trong thời điểm bất bình đẳng thu nhập và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy thời gian chơi tự do của trẻ em Mỹ giảm 25% từ năm 1981 đến năm 1997. Các nhà tâm lý học trẻ em tin rằng xu hướng giảm này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. "Tất cả các loại hoạt động độc lập từng là một phần của tuổi thơ bình thường đang dần giảm đi" - Peter Gray, giáo sư tâm lý học Đại học Boston, nói với Vox.Trẻ em vui chơi ở Wales. Ảnh: Getty ImagesVì sao con trẻ cần được chơi?Helen Dodd - giáo sư Đại học Reading và là trưởng nhóm nghiên cứu về giờ chơi của trẻ em Anh năm 2021 - cho biết việc phụ huynh có xu hướng bảo bọc và cho con cái ít tự do hơn so với các thế hệ trước sẽ dẫn đến hai vấn đề chính: (1) trẻ em không có đủ cơ hội để phát triển khả năng đánh giá và quản lý rủi ro một cách độc lập trước khi học xong tiểu học; và (2) việc có ít thời gian hơn để vui chơi ngoài trời theo cách được tự do phiêu lưu khám phá có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng.Anita Grant - chủ tịch tổ chức vận động quyền được chơi Play England - cho rằng việc chơi ngoài trời chủ yếu là để trẻ phát triển ý thức về bản thân và mối quan hệ với thế giới xung quanh. Vì thế bản năng bảo vệ của người lớn, trong nhiều trường hợp, "có thể làm hạn chế và kiểm soát sự khám phá, khả năng sáng tạo cũng như bản năng tự nhiên của trẻ trong việc tự do hòa nhập vào môi trường của chúng" - bà nói với The Guardian.Nhiều chuyên gia Mỹ cũng đồng tình rằng được chơi tự do giúp trẻ phát triển kỹ năng lập kế hoạch, tự kiểm soát và xây dựng tình bạn với những đứa trẻ khác. Một nghiên cứu được thực hiện ở Thụy Sĩ vào những năm 1990 đã so sánh những đứa trẻ chơi đùa trong khu vực quanh nhà mà không có sự giám sát với những đứa trẻ chơi trong công viên có bố mẹ trông chừng. Kết quả, những đứa trẻ chơi tự do có số bạn bè nhiều hơn gấp đôi so với những đứa trẻ đến công viên, có kỹ năng vận động và xã hội tốt hơn, nhìn chung chúng cũng dành nhiều thời gian bên ngoài hơn.Một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố hồi đầu năm nay cho thấy vào năm 2021, gần 3/5 các bé gái tuổi teen phải trải qua nỗi buồn dai dẳng, đây là mức cao nhất trong 10 năm. Các chuyên gia và nhà bình luận đưa ra nhiều lý giải cho hiện tượng này - từ mạng xã hội đến biến đổi khí hậu và bất ổn kinh tế, nhưng Peter Gray, giáo sư tâm lý tại Đại học Boston (Mỹ), và một số người khác lại tin rằng được chơi ít hơn cũng có thể là nguyên nhân quan trọng. "Điều trẻ em cần là sự tự do được là trẻ em, được chơi, khám phá và tương tác với những đứa trẻ khác" - ông nói với Vox.Để con trẻ được chơi nhiều hơnDù sự hiểu biết về việc tạo không gian tự do cho con vui chơi là quan trọng, nhưng chắc hẳn các bậc phụ huynh trên toàn thế giới vẫn có nhiều rào cản về mặt tâm lý lẫn pháp luật cần phải vượt qua.Ở một vài quốc gia có quy định luật pháp chặt chẽ về nghĩa vụ giám hộ trẻ em như Mỹ, chuyện để con chơi một mình mà không có người giám sát sẽ phải đối mặt từ sự chỉ trích của xã hội đến bị truy tố. Hậu quả có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với các bậc cha mẹ da màu và thu nhập thấp, những người vốn đã phải chịu mức độ giám sát không cân xứng đối với các lựa chọn nuôi dạy con cái của họ.Hơn nữa, các sự kiện trong vài năm gần đây, từ đại dịch, cháy rừng đến tình trạng thiếu sữa công thức đã góp phần tạo ra bầu không khí lo lắng tột độ ở các bậc cha mẹ. Nhiều người Mỹ khác đã từng sống qua thời kỳ mà trẻ em mất tích nhiều đến độ có hẳn những chiến dịch in hình tìm kiếm trên vỏ hộp sữa hẳn vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh thuở xưa. Càng lo lắng, càng cần tìm sự chắc chắn. Các bậc cha mẹ này xem việc giám sát con chặt chẽ là cần thiết vì sự an toàn của trẻ lẫn để xoa dịu chính nỗi lo lắng của bản thân mình.Tuy nhiên, có nhiều cách cha mẹ có thể cho con mình nhiều tự do hơn, ngay cả trong một xã hội đầy rủi ro, bắt đầu với việc người lớn nhận ra và kiểm soát những lo lắng của chính mình nhiều nhất có thể. Ảnh: Getty ImagesGiáo sư cố vấn giáo dục J. Richelle Joe tại Đại học Central Florida (Mỹ) khuyến khích các bậc cha mẹ tham gia tư vấn riêng để giải tỏa mọi lo lắng và chia sẻ với các bậc cha mẹ khác để được hỗ trợ và cảm thông. Đồng thời, phụ huynh cũng có thể giúp trẻ học chấp nhận những rủi ro hợp lý, cho dù đó là trèo cây hay chỉ là bước vào một tình huống ban đầu có thể hơi khó chịu về mặt cảm xúc.Người lớn cũng nên chống lại sức hút của các ứng dụng và công nghệ cho phép cha mẹ luôn theo dõi con cái gần như 24/7 dù chúng đã không còn nằm nôi. Các nhóm phụ huynh cũng có thể liên kết với nhau để làm cho khu phố chung trở nên thân thiện hơn cho trẻ em vui chơi. Một chiến lược khả thi là các bậc cha mẹ hàng xóm đồng ý cho con họ ra ngoài trời vào những thời điểm nhất định trong tuần, với một người lớn có mặt luân phiên để đảm bảo an toàn từ khoảng cách hợp lý.Nhưng không thể chỉ dựa vào từng nhóm nhỏ phụ huynh để đảo ngược xu hướng mà cả xã hội đã tạo ra, đặc biệt là không phải tất cả các gia đình đều có không gian ngoài trời, hoặc các lựa chọn trị liệu phù hợp. Trường học có thể khuyến khích sự tự do và khám phá của trẻ em bằng cách đưa giờ ra chơi trở lại ở những nơi đã bị hạn chế. Các quận ở Connecticut, New York và những nơi khác ở Mỹ cũng đã áp dụng các câu lạc bộ vui chơi, một giờ trước hoặc sau giờ học, trong đó trẻ em ở mọi lứa tuổi chơi cùng nhau với sự can thiệp tối thiểu của giáo viên và không có quy tắc nào ngoại trừ việc không làm tổn thương ai. Tiến sĩ Tim Gill - tác giả một quyển sách về thiết kế sân chơi trẻ em - cho biết trẻ em đang dần dần bước vào một cuộc "phong tỏa", có thể kéo dài ít nhất một thế hệ, vì bị tước mất quyền vui chơi bên ngoài, và chúng ta không nên coi thường tác động của việc này với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. "Có rất nhiều lý do khác nhau từ những thay đổi xã hội, lo ngại về an toàn, công nghệ đến tăng trưởng giao thông đều đóng một vai trò nào đó. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng đối với nhiều đứa trẻ là như nhau: buồn chán, cô lập, không hoạt bát và sức khỏe thể chất và tinh thần kém hơn" - ông nói với The Guardian. Điều này rõ ràng không chỉ xảy ra với trẻ em ở Anh. Tags: Kết quả học tậpHoạt động thể chấtBậc phụ huynhTâm lý họcGiáo sư đại họcNhóm nghiên cứuSức khỏe thể chấtKhả năng sáng tạoBậc cha mẹNuôi dạy con cái
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Cháy phòng trà ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, nhiều người thương vong HỒNG QUANG 19/12/2024 Đêm 18, rạng sáng 19-12, vụ cháy phòng trà "Hát cho nhau nghe" trên đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến nhiều người thương vong.
Việt Nam hòa kịch tính Philippines nhờ bàn thắng phút 90+7 ĐỨC KHUÊ 18/12/2024 Tối 18-12, tại lượt trận thứ 4 bảng B ASEAN Cup 2024, tuyển Việt Nam có trận hòa 1-1 trước Philippines.
HLV Kim Sang Sik: 'Đội tuyển Việt Nam vẫn rộng cửa vào bán kết' HOÀNG TÙNG 18/12/2024 Sau trận hòa 1-1 trên sân cỏ nhân tạo của Philippines, HLV Kim Sang Sik cho biết đội tuyển Việt Nam vẫn rộng cửa vào bán kết ASEAN Cup 2024.
Nga tố Ukraine gieo rắc 'nguyên tố của quỷ dữ', Kiev bác bỏ ngay lập tức DUY LINH 18/12/2024 Nga cáo buộc Ukraine thả đạn phốt pho trắng từ drone trong tháng 9 và có bằng chứng cho điều này. Đáp lại, Ukraine bác bỏ và tố ngược chính Nga mới là bên dùng nhiều chất hóa học bị cấm.