Cô bảo mẫu Trần Thị Trúc Tiên cắt móng tay cho học sinh khối tiểu học Trường dân lập Thanh Bình sau giờ học buổi tối - Ảnh: Như Hùng |
Ngoài 60 tuổi nhưng vẫn mê chơi bóng đá, bóng rổ. Đó là lời giới thiệu vui của các giáo viên ở Trường tiểu học, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm, Q.9, TP.HCM về cô giáo quản lý phòng nữ nội trú Quách Thị Phấn.
Quản lý học sinh nội trú bậc tiểu học nên cô Phấn phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi với các em, kể cả những môn thể thao mà mấy chục năm qua cô không “đụng” đến.
Những giáo viên nhiều vai
Các giáo viên tiểu học ở trường nội trú như cô Phấn được ví như những diễn viên nhiều vai: vai người quản lý, vai cha mẹ, vai thủ quỹ (giữ tiền và tài sản giùm trò), vai công an (đôi lúc phải điều tra, phá án), vai bác sĩ tâm lý và cả vai bạn bè - luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với những học sinh thiếu thốn tình cảm gia đình.
Không có gia đình hoặc không vướng bận gia đình, đó là yêu cầu đầu tiên đối với những giáo viên chọn nghề quản nhiệm, phụ trách nội trú ở các trường tư thục.
Vì vậy, những người trụ lại nghề này thường là giáo viên nghỉ hưu hoặc giáo viên trẻ nhưng độc thân.
Các trường tư hiện nay cũng yêu cầu tuyển người có bằng sư phạm, bởi không thể “tay ngang” mà quản lý được những học sinh tiểu học luôn cần uốn nắn nếp sống, tác phong, đạo đức. Kinh nghiệm và sự tận tụy giúp các cô trụ lại, nhưng cũng có những người không làm nổi phải bỏ việc.
Phải cùng sống, cùng ăn, cùng ở với trò, có người về nhà mỗi cuối tuần nhưng cũng có trường hợp như cô Phấn chỉ về quê (ở Thanh Hóa) hai dịp hè và tết.
Là giáo viên dạy hóa đã nghỉ hưu, cô tìm thấy niềm vui từ nghề giáo viên nội trú và coi ngôi trường này như ngôi nhà thứ hai của mình.
Phòng nội trú nữ của cô Phấn phụ trách có 16 em. Học trò nữ xa nhà sống chung phòng, biết bao chuyện phức tạp nảy sinh. Cô trở thành bà mẹ đông con luôn phải bao quát bọn trẻ, tìm hiểu khi có đứa nào buồn hay giải tỏa những xích mích, khích bác thường có ở “chị em gái”.
Cô kể: “Lớp 4, lớp 5 có đứa đã dậy thì. Chúng nó hỏi: Cô ơi, bạn nam bạn nữ dắt tay có phải là yêu không? Có đứa vẫn hồn nhiên tắm xong cởi trần chạy vào phòng lấy quần áo để thay. Có đứa chưa biết gì chuyện vệ sinh thân thể trong “ngày ấy”. Mình phải chỉ từng tí, từng tí một. Con phải giặt đồ “nhỏ” thế này, phơi phải khuất vào trong. Lớn rồi phải giữ gìn bản thân, là con gái phải biết trau chuốt áo quần, tết tóc gọn gàng trước khi ra ngoài, móng tay móng chân cắt cho sạch sẽ, chơi đùa với bạn trai phải ý tứ...”.
Cô luôn mang theo trong giỏ cuốn sổ chi tiêu, hôm nay trò này xin mua món này hay muốn ăn cái kia đều phải báo cô vì cô giữ giùm tiền, điện thoại, trang sức của tất cả các em. Có gia đình cho con
1 triệu đồng/tháng, tức mỗi ngày được tiêu 30.000 đồng, cô phải dạy trò cách để dành, tiêu những thứ nào cần, không lãng phí. Các em có xích mích, phải gọi từng đứa ra tâm sự rồi bắt làm hòa.
Cô Bích Ngọc, quản lý phòng nội trú nam tiểu học ở trường, lại là một giáo viên 9X độc thân.
Trong khi các bạn cùng trang lứa chọn những ngả đường khác, bay nhảy nhiều hơn, thì cô trụ lại ở trường nội trú, tận tụy ngày này sang tháng khác với học trò. Phòng nội trú nam nhưng gọn gàng, sạch sẽ không kém phòng nữ.
Tất cả học sinh đều phải tự dọn rác, quét phòng, giăng mùng khi ngủ và dọn giường sau khi ngủ dậy. Tương tự cô Ngọc, 90% giáo viên của trường sống nội trú trong trường suốt tuần.
Tình thương của người dưng
Không máu mủ, ruột rà nhưng sống và chăm sóc trẻ, các giáo viên nội trú dần trở thành những bà mẹ thứ hai của các em.
Cô Phan Thị Tuyết - giáo viên dạy tiểu học Trường tiểu học, THCS và THPT Thanh Bình, Q.Tân Bình - có gần 20 năm gắn bó với học trò. Bao lứa học trò đã đi qua, có những mảnh đời mà cô ấn tượng mãi.
“Dạy, nói chuyện với các em rồi thương như con. Có em chẳng có người thân nào, cả năm không về, tết ở lại với bác bảo vệ. Có em cha mẹ ly dị nên ở nhà nội một chút, ngoại một chút. Mỗi học trò mỗi cảnh. Mới vào trường thì quậy phá, làm theo ý mình vì đã quen là con cưng. Có đứa khóc suốt tuần đầu, mình phải từ từ “đánh lạc hướng” khiến các em chú tâm vào các hoạt động khác ở trường để quên nỗi nhớ gia đình” - cô kể.
Năm học này cô dạy lớp 1, lứa học trò mới ngày đầu bước vào ngôi trường tiểu học và cũng lần đầu sống xa nhà, tự lập.
Mỗi học sinh đến từ các địa phương khác nhau, trình độ cũng khác nhau nên giáo viên phải tỉ mỉ rèn từng em một. Giờ ăn, cô ăn chung với trò để nhắc những em kén ăn, thuyết phục các em chịu ăn bằng một câu chuyện hay tấm gương nào đó.
“Phải sống sẻ chia và tâm lý thì trẻ mới tin và chia sẻ với mình” - thầy Hoàng Văn Hoan, phó tổng giám thị Trường Ngô Thời Nhiệm, tâm niệm như vậy sau nhiều năm làm nội trú.
“Mỗi thầy cô có mấy chục đứa con, phải làm cha, làm bà, làm mẹ, làm anh chị và làm bạn của trò, hiểu thói quen, tâm sinh lý từng đứa. Mình tình cảm với trò, trò cũng coi mình như người thân, mỗi lần được đón về là bịn rịn, bản thân các thầy cô về nhà cũng nhớ các em. Sống với nhau như gia đình không nhớ sao được” - thầy Hoan tâm sự.
Thầy Nguyễn Quốc Huân (hiệu phó Trường TH, THCS và THPT Thanh Bình): Bù đắp những thiếu thốn tình cảm Giáo viên ở trường đều làm lâu năm nên rất tâm lý. Học trò mới vào chưa bắt nhịp kịp, các cô cho chơi thoải mái, tự do làm quen trường rồi bù kiến thức dần chứ không ép học ngay. Học sinh cũ có nhiệm vụ rủ các em mới đến chơi chung để các em đỡ buồn. Thầy cô cũng dành nhiều thời gian để trò chuyện, nắm bắt tâm lý tình cảm của trò và bù đắp những thiếu thốn tình cảm cho trò. |
Lượng học sinh nội trú tăng bất chấp cảnh báo Những năm qua, số học sinh các cấp theo học nội trú tại Trung Quốc ngày càng tăng. Chẳng hạn năm 2012, Trường ngoại ngữ nội trú Thiên Hà ở Quảng Châu thu hút 5.000 học sinh đăng ký. Tới năm 2013 đã có hơn 8.000 học sinh nộp đơn xin học. Theo giám đốc Chu tại trung tâm trao đổi quốc tế của Trường tiểu học Favorview Palace thì “trường nội trú đem lại nhiều tiện lợi nhất cho phụ huynh”. Nhiều năm qua, số cha mẹ đăng ký cho con học nội trú tại Favorview Palace tăng vọt, bất chấp chi phí mỗi năm cho một em gồm cả học phí, ăn uống, sinh hoạt là 11.835 USD. Tuy nhiên vẫn còn những ý kiến trái chiều trong việc nên hay không nên gửi trẻ ở bậc tiểu học tới các trường nội trú. Tờ China Daily dẫn lời các chuyên gia giáo dục Trung Quốc cho rằng việc giáo dục một đứa trẻ không chỉ là học hành, mà còn là phát triển nhân cách và thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa cha mẹ và con cái. Zhu Zhaohui, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học giáo dục quốc gia Trung Quốc, khuyến nghị việc học nội trú không phù hợp với trẻ em, nhất là với trẻ dưới 10 tuổi. Nhà nghiên cứu Zhu phân tích: “Chúng còn quá nhỏ, cần được cha mẹ chăm sóc và chỉ bảo nhiều hơn. Ngay cả khi các giáo viên trong trường nội trú hết lòng săn sóc, quan tâm cũng không thể thay thế được tình cảm cha mẹ dành cho chúng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ rất dễ mắc các chứng rối loạn tâm lý như cảm thấy đơn độc, thiếu tự tin khi bị tách khỏi cha mẹ trong thời gian dài”. Cũng theo ông Zhu, tốt hơn là phụ huynh chỉ nên gửi trẻ tới trường nội trú ở độ tuổi học cấp II hoặc cấp III: “Trẻ sẽ tiếp thu được nhiều lợi ích hơn từ đời sống nội trú khi đã trưởng thành, nhất là ở những trường nội trú có cơ sở vật chất và mô hình quản lý tốt”. Tại Vương quốc Anh, việc cho con học ở các trường nội trú cũng ngày càng phổ biến với số học sinh nội trú tăng dần theo từng năm. Hiện Anh có hơn 69.000 học sinh học tại các trường nội trú dân lập với chi phí trung bình 25.000 bảng Anh/năm và khoảng 5.000 trẻ học các trường nội trú công lập. Nhiều nhà tâm lý học và chuyên gia thần kinh học viện dẫn “lý thuyết gắn bó” do nhà tâm lý học trẻ em người Anh John Bowlby khởi xướng. Đây là học thuyết đề cập mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa trẻ và cha mẹ, đặc biệt là với mẹ, trong những năm tháng đầu đời. John Bowlby phản đối việc đưa trẻ vào trường nội trú khi còn quá nhỏ vì có thể gây tổn thương vĩnh viễn ở trẻ do thiếu môi trường gia đình ấm áp và an toàn. Tiến sĩ Andrew Samuels, chuyên gia tâm lý trị liệu của Đại học Essex, một trong 12 đại học hàng đầu của Anh, nhận định: “Các trường học nội trú sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới mỗi mối quan hệ trong gia đình. Trẻ sẽ thấy chúng cần phải xích lại với nhau để sống vui vẻ trong môi trường nội trú, nếu không tất nhiên sẽ xảy ra những cơn kích động cảm xúc. Rồi tới lúc trưởng thành chúng không thể hiểu về sự tuyệt vọng hay đồng cảm với người khác, vì đó là những điều chúng không được biết tới khi còn là trẻ nhỏ”. Theo Guardian, hồi tháng 5-2014 từng có 25 người ký chung vào một bức thư gửi tới báo Observer (Anh) đề nghị các trường nội trú không tuyển học sinh còn quá nhỏ. Trong số những người ký tên ở bức thư ấy có cả tiến sĩ phân tâm học Susie Orbach, nghị sĩ Đảng Lao động Barry Sheerman, nhà văn Al Kennedy và nhà làm phim Don Boyd. Những người ký tên trong thư cho rằng việc học nội trú lúc còn quá nhỏ sẽ làm tổn hại tới đời sống lành mạnh của trẻ và làm xói mòn tình cảm của các em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận