"Lần đầu tiên tôi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là giao thừa năm tôi chuẩn bị 7 tuổi, đầu năm 1973. Khi ấy phía Mỹ mới tuyên bố ngưng ném bom miền Bắc, bố tôi trực cọc một đêm giao thừa. Tôi được xem chiếc tivi đen trắng đặt ở hội trường bệnh viện, cùng một bạn nữa là con trai của bác sĩ cùng ca trực với bố, bây giờ anh ấy làm việc ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội".

Ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ cơ duyên của ông với nghề y - nghề nghiệp như ông nói là "nghề gia truyền".

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 1.

Gia đình bác sĩ Hùng là một trong số rất nhiều "gia đình y khoa". Bố ông - cố bác sĩ Dương Đức Bính - vốn là giảng viên Đại học Y Hà Nội kiêm nhiệm bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau này chuyển sang Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

Đến thế hệ của ông, ngoài bác sĩ Dương Đức Hùng, hai người em gái ông, vợ bác sĩ Hùng và một người em rể đều là bác sĩ. Điều đặc biệt là cả năm bác sĩ này đều tốt nghiệp bác sĩ nội trú - hệ đào tạo "khó nhằn" và khắc nghiệt nhất của ngành y.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 2.

TS.BS Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Tôi được sinh ra trong khu tập thể Viện Giải phẫu, từ bé đã tiếp xúc với bạn bè của bố, nghe nhiều từ ngữ vốn xa lạ với trẻ con như máu, giải phẫu, tiêm, truyền, phẫu thuật, hiểu nghề y xung quanh ca mổ của bố và bạn bè. Khi học THPT, tôi đã nghĩ mình phải làm bác sĩ và là bác sĩ ngoại khoa.

Tôi vào học y khoa rồi đỗ bác sĩ nội trú, đến giờ vẫn nhớ như in ngày cầm giấy giới thiệu của trường đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức học nội trú - hồi đó yêu cầu 24/24 giờ đều ở, học và làm việc tại bệnh viện.

Từ cậu bé theo bố vào viện, lúc ấy tôi xúc động vì lần này đến đây ở một vai trò khác - một bác sĩ độc lập" - bác sĩ Hùng nói.

Sau người anh cả Dương Đức Hùng, cô con gái thứ hai của gia đình vốn học giỏi cũng vào Đại học Y Hà Nội như một... lẽ dĩ nhiên.

Rồi đến cô con út cũng vào học y vì cô đã được kế thừa tất cả tài liệu ôn thi của anh và chị, có gì còn thắc mắc trong quá trình ôn luyện lại có anh chị chỉ cho.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 3.

TS.BS Dương Đức Hùng đang thăm khám cho một bệnh nhân (ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai thời điểm ông Hùng là bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó ông Hùng là phó giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: PHƯƠNG HỒNG

Bác sĩ Hùng kể rằng giờ cả ba anh em đều đã có gia đình riêng. Mỗi dịp gặp gỡ, dù từ đầu đã nhắc nhau là "hôm nay không nói chuyện y khoa nữa nhé", nhưng vòng đi vòng lại, câu chuyện lại quay về ngành y, về bệnh viện, về những ca khó và những ngày miệt mài năm xưa ở trường y.

Mỗi người mỗi lĩnh vực, bác sĩ Hùng và vợ làm ngoại, em gái làm nội soi, em rể làm sản khoa..., nhưng qua các câu chuyện nghề nghiệp lại giúp nhau rất nhiều.

Ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có rất nhiều gia đình 2-3 thế hệ cùng làm việc tại đây hoặc cùng làm nghề y như vậy. Bác sĩ Hùng nói rằng nói đến Bệnh viện Việt Đức, đến nghề y thì không thể quên vai trò của cố GS Tôn Thất Tùng và gia đình ông.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 4.

TS.BS Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tặng hoa cho GS James Miser, nguyên chủ tịch và CEO của Bệnh viện City of Hope (Hoa Kỳ) trong chuyến làm việc gần đây của GS James tại Hà Nội - Ảnh: Bênh viện Việt Đức cung cấp

GS Tùng từng làm giám đốc Bệnh viện Việt Đức, vợ ông (bà Vi Nguyệt Hồ) là điều dưỡng, con trai GS Tùng là cố PGS Tôn Thất Bách cũng từng làm giám đốc Bệnh viện Việt Đức và hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội; vợ ông Bách làm việc tại khoa huyết học của Bệnh viện Việt Đức.

Hiện nay cháu ngoại của GS Tùng cũng đã trở thành bác sĩ khoa phẫu thuật tiêu hóa của bệnh viện. Ba thế hệ của gia đình GS đã gắn bó với nghề y, với bệnh viện.

"Con trai tôi đang học THPT và gần đây cháu nói cháu có nguyện vọng thi vào y khoa. Cháu trai tôi đang học THCS cũng nói sẽ theo đuổi ngành y. Tôi theo dõi các cháu xem tính tình có phù hợp với nghề y hay không, không nói với cháu những viễn cảnh tốt mà nói về những khó khăn của nghề này nhưng các cháu vẫn muốn thi y.

Tương lai của các cháu do các cháu quyết định, nhưng trong lòng chúng tôi thấy đó cũng là hạnh phúc. Nghề nào cũng cần có người thầy, mà lại càng tốt khi người thầy đó là cha mình, anh mình truyền dạy, là truyền thống của gia đình" - bác sĩ Hùng nói.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 5.

Ở lĩnh vực sản khoa, có lẽ ít người không biết gia đình bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM. Bác sĩ Phượng có con gái là bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan (hiện là trưởng khoa y Trường đại học Y Dược TP.HCM) và con rể là bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Bệnh viện Mỹ Đức).

Bác sĩ Lan và bác sĩ Tường là những người đầu tiên ở Việt Nam đi học và triển khai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho những gia đình hiếm muộn từ cách đây hơn 25 năm. Đến nay họ đều là những "cao thủ" trong ngành này.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 6.

Từ phải qua: bác sĩ Hồ Mạnh Tường, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan và đồng nghiệp

"Vợ tôi có nói khi thi đại học, cô ấy cảm nhận không có gì khác để lựa chọn ngoài trường y, ngoài môi trường cô ấy đã quen thuộc từ nhỏ. Đến con gái của tôi, khi thi đại học, cháu cũng nói cháu chỉ thi y khoa, năm nay cháu đã học y khoa năm thứ 6" - bác sĩ Tường chia sẻ.

Sau thế hệ bác sĩ thứ hai là con gái và rể, bác sĩ Phượng chuẩn bị đón thế hệ bác sĩ thứ ba của gia đình khi vào mùa hè năm nay Hồ Ngọc Lan Nhi - con gái lớn của vợ chồng bác sĩ Lan - Tường, tốt nghiệp y khoa và nối nghiệp gia đình.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 7.

Gia đình bác sĩ, từ phải qua: Hồ Mạnh Tường, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng và cháu ngoại (con của bác sĩ Lan và bác sĩ Tường) cùng tham dự hội nghị khoa học, đào tạo liên tục - Ảnh: Gia đình cung cấp

Có thể nói Lan Nhi là cô bé lớn lên trong bệnh viện, bởi từ khi còn nhỏ xíu cô bé đã vào bệnh viện hằng ngày.

"Khi ấy nhà không có ai giữ nên buổi sáng bà ngoại và ba mẹ đi làm thì tôi cũng được vào bệnh viện cùng luôn, từ đó được chứng kiến không khí bận rộn của bệnh viện hằng ngày" - cô sinh viên y khoa năm cuối kể.

Chính vì thế kể từ khi nhỏ xíu, ai hỏi lớn lên làm nghề gì, Lan Nhi nói là làm bác sĩ. Đó không phải là một ước mơ chợt đến, mà đó là điều đã ăn vào tiềm thức, thôi thúc để đến THPT Lan Nhi học tốt khối B và thi vào y khoa, và giờ chuẩn bị tốt nghiệp đại học và thi vào bác sĩ nội trú.

"Ngành này vất vả thiệt, từ bé tôi đã chứng kiến đêm hôm có sản phụ sinh hay mổ là ba mẹ và bà ngoại vào viện, vì có ai định được giờ nào nhất định phải sinh đâu?

Hay dịp Tết vừa rồi khi có cô đến ngày giờ chuyển phôi, lấy trứng là ba mẹ lại vào viện vì muốn làm tốt cho họ thì phải đúng ngày giờ.

Từ những việc ba mẹ và bà ngoại đã làm, đã trải qua, tôi hiểu được nghề y cũng là nghề đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác cũng quan trọng, nghề này cũng phải dấn thân và hy sinh" - Lan Nhi nói.

Với những gia đình y khoa như gia đình của Nhi, những em bé của gia đình không phải được bảo bọc kỹ mà phải độc lập từ nhỏ xíu. Bà ngoại Ngọc Phượng có quy ước gia đình cùng nhau ăn bữa tối, nhưng bữa tối luôn là "buổi hội chẩn" khi cha mẹ sẽ kể hôm nay có ca gì, điều trị thế nào, phương pháp ra sao...

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 8.

Bà ngoại (bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - giữa), mẹ (bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - phải) và con gái sau một ca mổ - Ảnh: Gia đình cung cấp

"Ngay cả bữa ăn cũng nghĩ về bệnh nhân, nên giờ đây khi tôi học y khoa, bữa tối cũng sẽ kể nay trong khoa có ca nào, chữa trị thế nào. Gia đình khác cuối tuần sẽ đưa con đi chơi, gia đình tôi cuối tuần sẽ đi chơi trong... bệnh viện, nhưng với tôi đó là may mắn vì từ đó tôi học được thêm về nghề, biết mình phù hợp với nghề này.

Từ đó, tôi có ước mơ theo nghề sản phụ khoa của bà và cha mẹ, tôi cũng đang cố gắng hằng ngày để đạt được ước mơ đó" - Lan Nhi quả quyết nói.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 9.

Hình ảnh người thầy thuốc đọng lại trong mắt mọi người là những chiếc áo trắng sau ca mổ, khi đến chăm sóc bệnh nhân bằng những lời dặn dò ân cần, nhưng thật ra nghề bác sĩ là nghề cần nhiều yêu cầu về tính cách.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 10.

Bác sĩ Tường và bác sĩ Lan (thứ 5 và 6 từ phải) làm việc với đồng nghiệp từ Úc - Ảnh: Gia đình cung cấp

Bác sĩ Tường nói ít ngành nghề nào phải học liên tục, học nhiều như nghề y, sau khi ra trường rồi vẫn phải tham gia các khóa đào tạo liên tục, nếu không học thì không tiếp tục được làm việc, chưa kể phải làm việc với cường độ cao, trực đêm...

"Những năm bà ngoại các cháu còn làm giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thì giao thừa nào bà cũng ở bệnh viện, có năm các con cũng cùng vào, vì thế những gia đình có nhiều thành viên nối nghiệp có lẽ đều bắt đầu từ sự đam mê với nghề" - bác sĩ Tường nói.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 11.

Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan trong ca điều trị

Còn bác sĩ Hùng thì chia sẻ khi ông bắt đầu vào nghề phẫu thuật viên, bố ông có nói một phẫu thuật viên cần một "cái đầu lạnh", để khi vào ca mổ phẫu thuật viên không bị bốc đồng, không bị chi phối bởi những cảm xúc khác; một "trái tim nóng" để không bao giờ nguôi khao khát tìm tòi; một "bàn tay bọc nhung" vì một phẫu thuật viên mà chân tay vụng về thì không bao giờ phẫu thuật được hiệu quả.

"Nghề y có những đặc thù trong tính cách. Phẫu thuật viên đều là những người có tính cách quyết đoán, mạnh mẽ bởi trong ca mổ, phẫu thuật viên phải quyết đoán quyết định phương pháp điều trị cho người bệnh.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 12.

TS.BS Dương Đức Hùng đang thăm khám cho một bệnh nhân (ảnh chụp khi bác sĩ Hùng làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: PHƯƠNG HỒNG

Thời gian học lại dài, muốn làm việc độc lập được phải mất 9-10 năm đào tạo. Tôi đã nói với con trai rằng con làm gì cũng được, nhưng đã làm thì phải yêu nghề và chuyên nghiệp. Cháu đã hiểu điều đó trước khi bắt đầu hành trình y khoa" - bác sĩ Hùng nói về con trai.

Cũng như ông hơn 50 năm trước bắt đầu vào bệnh viện, trong mắt cậu bé không phải là hình ảnh những ca mổ rõ nét như con ông bây giờ mà là đêm giao thừa thiêng liêng ở bệnh viện, là những xúc cảm khó nói thành lời đã theo ông suốt những năm tháng đã qua và sắp tới.

Những gia đình y khoa đã hình thành như vậy, như một dòng chảy cứ lặng lẽ neo trong cuộc sống của các bác sĩ và con của họ, bởi hạnh phúc cũng là đem đến những khoảnh khắc đẹp cho cuộc đời, mà nghề bác sĩ thì mỗi giây phút giành giật sự sống cho người bệnh là mỗi khoảnh khắc ấy.

Những gia đình gặp nhau, yêu nhau, lớn lên cùng nhau... trong bệnh viện - Ảnh 13.
HỒNG HÀ
AN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên