Cô Dương Thị Hồng Hiếu - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Sư phạm TP.HCM
Sau nhiều năm rời mái trường đại học, tôi tiếp tục đi học khi có quyết định của UBND tỉnh cho đi học tiếp cao học. Có thể nói, đây là những trải nghiệm thú vị của bản thân tôi khi được tiếp nhận kiến thức từ những người thầy, người cô mà tôi chỉ từng được biết qua những trang sách.
Trong số những con người khả kính ấy, cô tôi - PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Cô là trưởng phòng đào tạo của Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Công việc quản lý vốn đã rất nặng nề, công việc chuyên môn cũng không kém phần vất vả khi cô vừa đi dạy đại học, cao học, vừa hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học.
Tuy nhiên hình như với cô tôi, công việc nào cô cũng mong muốn hoàn thiện nó ở mức cao nhất với sự nhiệt tình và hứng thú nhất. Tôi cảm nhận được cô "say" công việc khi cô trao đổi những vấn đề mà cô trăn trở.
Tôi gặp cô lần đầu tiên khi cô mới về Trà Vinh giảng dạy lớp chúng tôi môn nghiên cứu khoa học giáo dục. Sự giản dị và phong thái mẫu mực của cô khiến lớp rất ấn tượng.
Được biết quá trình học tập của cô, tôi càng khâm phục: cô sang Úc làm nghiên cứu sinh và phải mang theo con nhỏ để tiện chăm sóc. Chồng cô thì sang Trung Quốc làm nghiên cứu sinh. Những năm tháng vất vả ấy có lẽ đã hun đúc trong cô "kỷ luật thép", cô không bao giờ chấp nhận kiểu "chín bỏ làm mười" trong khoa học.
Tôi đã chọn cô làm giáo viên hướng dẫn trong niềm ngưỡng vọng ấy, mặc dù đã lường trước mình sẽ gặp nhiều thử thách và vất vả bởi tính cách của cô. Và tôi đã không sai. Trong cả quá trình hoàn thành luận văn, tôi vẫn nói đùa với bạn đồng môn: "Đây là một cuộc hành trình thật sự để khám phá chân lý của khoa học".
Tôi không thể nhớ nổi bao nhiêu lần cô trò đã trao đổi bài vở, bao nhiêu lần những trang viết của tôi phải bỏ đi hết để viết lại.
Ban ngày, hầu như thời gian cô dành hết cho công việc quản lý hoặc giảng dạy. Cô chỉ có thể tiếp điện thoại của chúng tôi từ 20h30. Có khi cô trao đổi đến cả tiếng đồng hồ, sau đó tôi viết và gửi lại cô. Có hôm trao đổi với tôi xong, cô lại quay sang trao đổi với bạn đồng môn của tôi cũng ngần ấy thời gian. Và chúng tôi nhận được phản hồi của cô từ rất sớm.
Tôi thường nhận được email phản hồi của cô lúc nửa đêm. Khi gặp những chỗ viết chưa ưng ý, cô đóng góp rất kỹ, rất thẳng thắn. Từng dấu chấm câu, từng lỗi chính tả cô cũng để ý sửa chữa. Có lẽ hình như với cô, không có chỗ cho sự cẩu thả. Đặc biệt khi học viên "lỡ tay" cầm nhầm ý tứ của người khác mà không chịu trích nguồn cẩn thận, cô phê bình rất nặng.
Tôi nhớ rất sâu kỷ niệm về một lần cô phản hồi email của tôi lúc 0h mà sáng hôm sau cô lại phải đi công chuyện lúc 5h. Cô nói cô phản hồi nhanh bởi sợ tôi làm không kịp vì đã sắp đến lúc phải bảo vệ luận văn (lúc ấy vợ tôi lại đang sắp sinh con thứ hai).
Tôi thật sự xúc động trước sự nhiệt tình, tận tâm, chu đáo của cô đối với học trò. Với tôi đây chính là những trải nghiệm quý giá mà bản thân tôi đã thu hoạch được khi làm học trò của cô. Để rồi khi quay lại bục giảng, tôi càng ý thức một cách sâu sắc hơn trách nhiệm của người thầy đối với học trò mình.
Bảo vệ luận văn với một bản luận văn khá hoàn chỉnh, nhận được nhiều lời khen từ hội đồng, tôi luôn thầm biết ơn cô. Với tôi, những trang luận văn không phải để kết thúc một bậc học mà là cánh cửa mở ra những nghĩ suy mới về hành trình tìm đến chân giá trị của tri thức khoa học, mà chính cô đã gieo vào trong chúng tôi những đam mê học thuật ấy.
Trên bước đường giảng dạy sắp tới của tôi dưới mái trường phổ thông, hẳn sẽ có nhiều điều thú vị hơn được khơi gợi từ chính tấm gương lớn của cô...
Đời học sinh, sinh viên ai cũng từng được gặp những người thầy, người cô lưu dấu ấn đặc biệt trong lòng mình. Người thầy, người cô khiến bạn nhớ mãi là ai? Bạn muốn chia sẻ câu chuyện về người thầy, cô yêu quý ấy? Mời bạn gửi bài viết đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận