25 năm trước, đúng vào đêm 30-4-1998, ba bé Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân lần lượt cất tiếng khóc chào đời. Và 25 năm sau, ba em bé ngày ấy đã trở thành những cô gái chàng trai trưởng thành.
Ngày 30-4-1998 cũng là thời khắc đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.
Con là cuộc đời của mẹ
Trước ngày hội ngộ, chúng tôi tìm về gia đình của em Lưu Tuyết Trân ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang). So với cuộc gặp cách đây 5 năm, Tuyết Trân năng động hơn, cặp mắt to tròn, mái tóc đen dài và trên môi luôn thường trực nụ cười rạng rỡ.
Không chỉ là một trong ba em bé đầu tiên sinh ra nhờ TTTON, Tuyết Trân cũng là số ít nữ sinh viên vừa tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin (Trường ĐH Tiền Giang). Giờ đây, Trân đang làm việc tại Trung tâm đào tạo và sát hạch giao thông thủy bộ của tỉnh Tiền Giang.
Để có cô con gái năm nay bước sang tuổi 25 là một hành trình rất dài của ông bà Lưu Tấn Lực - Trần Thị Bạch Tuyết. Buồn tủi, giận hờn, hy vọng rồi tuyệt vọng... - đủ cung bậc cảm xúc đè nặng lên vai vợ chồng ông bà.
Số phận mỉm cười khi cả hai quyết định buông bỏ tất cả công việc, tìm đến Bệnh viện Từ Dũ. Lúc bấy giờ, họ may mắn gặp được "ân nhân" là giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.
"Lúc ấy, tôi được cho đi nội soi mới biết bị nghẹt một bên đường dẫn trứng. Bác Phượng nói còn có cơ hội và chỉ một tháng sau tôi được bệnh viện gọi đăng ký tham gia TTTON" - bà Tuyết nhớ lại.
Lòng người mẹ năm nay bước sang tuổi 58 không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhìn con gái ngày một trưởng thành, có việc làm ổn định. Bà Tuyết gọi Trân là "cuộc đời của mẹ" và gọi các bác sĩ Ngọc Phượng, Vương Thị Ngọc Lan, Hồ Mạnh Tường là "những ân nhân".
Xa xôi cách trở và công việc mưu sinh bộn bề nhưng bà luôn ghi nhớ công ơn của các y bác sĩ đã giúp mình hiện thực giấc mơ làm mẹ. Và khi ngày hội ngộ đến gần, bà bảo rằng cả hai mẹ con rất háo hức cho ngày được gặp lại các "ân nhân" để nói lời cảm ơn tự tận đáy lòng.
"Với tôi, đây là điều thiêng liêng, đáng quý nhất mà tôi có được trong cuộc đời này" - bà Tuyết xúc động nói.
Còn với Trân, chưa bao giờ em thôi tự hào bởi mình là "cô bé ống nghiệm", là một trong những "chứng nhân lịch sử" của ngành TTTON. "Em rất cảm ơn những y bác sĩ đã đưa em đến với thế giới này, cho em một sự sống kỳ diệu" - Trân nói.
Từ câu chuyện của mình, cô gái trẻ mong muốn những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh như ba mẹ mình cũng có được niềm hạnh phúc trên bước đường tìm con...
Bảo vật của gia đình
Trong đợt nhận tin vui đậu thai TTTON đầu tiên ấy, ngoài vợ chồng bà Tuyết còn có cả vợ chồng ông Mai Văn Phơn, Phạm Xuân Tài (cha của Mai Quốc Bảo và Phạm Tường Lan Thy).
Trong ký ức của các gia đình, ngày ấy khu D tầng 2 của Bệnh viện Từ Dũ trở thành mái nhà chung cho ba bà mẹ TTTON đầu tiên của Việt Nam dưỡng thai chờ ngày vượt cạn.
Suốt 25 năm qua, dù có nhiều đổi thay trong cuộc sống, nhưng với ông Mai Văn Phơn (69 tuổi, ngụ Bình Thạnh), hạnh phúc càng lớn dần khi người con Mai Quốc Bảo ngày một trưởng thành. Bảo là chàng trai duy nhất trong ba em bé TTTON và là người chào đời đầu tiên vào đêm 30-4-1998.
Bảo của 25 năm sau là một chàng trai sở hữu chiều cao vượt trội gần 1,8m, nặng 78kg và rất yêu thích môn bóng đá. Năm 2021, Bảo tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (TP.HCM). Tiếp nối nghề cha mình, em đang làm việc cho một công ty về logistics ở quận Tân Bình.
Ông Phơn nhớ lại năm 1983 ông kết hôn cùng bà Mai Thúy Nga, nhưng đến mãi 15 năm sau vẫn chưa có con. Lúc Bảo chào đời cũng là lúc ông tròn 45 tuổi và bà Nga đã 43 tuổi.
"Cả gia đình và Bảo luôn cảm thấy tự hào và không bao giờ tự ti về việc được sinh ra trong ống nghiệm" - ông Phơn nói. Đó cũng chính là lý do mà ông đặt tên con mình là "Quốc Bảo", bởi theo ông, có được con là niềm hạnh phúc ngoài mong đợi và ông luôn coi đó như "bảo vật".
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các y bác sĩ vào ngày lịch sử đó, nhờ bàn tay khéo léo và tận tình của các y bác sĩ mà gia đình tôi mới có được cháu như hôm nay. Tôi cũng muốn gửi một thông điệp đến các cặp vợ chồng hiếm muộn rằng hãy yên tâm, với sự phát triển của nền y học và sự tài giỏi của bác sĩ thì những người hiếm muộn hoàn toàn có cơ hội có con" - ông Phơn nói.
Trong ba bé TTTON đầu tiên, Phạm Tường Lan Thy gây ấn tượng mạnh về tên họ của mình. Tên đệm Tường Lan được ghép từ tên của bác sĩ Hồ Mạnh Tường và bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, hai bác sĩ được "chọn mặt gửi vàng" tham gia thực hiện ba ca TTTON cách đây 25 năm.
Đó cũng là cách mà gia đình muốn tri ân và nhắc nhớ con mình luôn ghi ơn các ân nhân đã cho mình cuộc sống.
Phạm Tường Lan Thy là học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), từng du học Nhật Bản. Cô nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh "hot girl ống nghiệm".
Không chỉ thế, Lan Thy còn gây ấn tượng bởi sở hữu thành tích học tập ấn tượng, năm 2016 cô được nhiều người biết đến khi tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia...
"Không nghĩ mình là ân nhân..."
GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người có công đặt viên gạch đầu tiên cho ngành TTTON ở Việt Nam - nói rằng bà rất xúc động khi nhận được lời mời từ Bệnh viện Từ Dũ.
Trong hành trình phát triển chuyên ngành TTTON, vị giáo sư năm nay bước sang tuổi 79 chỉ nhận mình là người "có tiếng" mang kỹ thuật TTTON về Việt Nam, còn trực tiếp hiện thực hóa việc này là những bác sĩ lúc đó còn trẻ như bác sĩ Lan, bác sĩ Tường và sau này đào tạo được thêm nhiều bác sĩ trẻ khác.
Từ chứng kiến nỗi đau mà các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chịu đựng, từ sự day dứt của nghề nghiệp, bà đã tìm đủ mọi cách nhằm thúc đẩy triển khai hỗ trợ sinh sản.
"Tôi đặt ra một ước mơ, một khát vọng là được làm một điều gì đó cho những bệnh nhân hiếm muộn của mình. Tôi cứ cố gắng đi tới" - GS Phượng trải lòng.
Và phải đến ngày 19-8-1997, GS Đỗ Nguyên Phương, bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ, mới đồng ý ký quyết định cho phép bà cùng các bác sĩ được thực hiện TTTON.
Và Mai Quốc Bảo, Phạm Tường Lan Thy và Lưu Tuyết Trân là ba ca TTTON đầu tiên thành công, mở màn cho sự phát triển của chuyên ngành TTTON, góp phần xóa đi quan niệm TTTON sinh ra bé quái thai. Điều đặc biệt là cả ba đều chào đời khỏe mạnh vào đúng ngày giải phóng miền Nam 30-4.
"Tôi rất thích trẻ con, nhìn các cháu nhỏ tôi thấy thương như cháu ngoại của tôi ở nhà. Vậy nên tôi cũng không nghĩ mình là ân nhân hay gì quá to tát. Tôi hạnh phúc vì mình đã làm được một điều ý nghĩa cho gia đình các cháu. Nhìn thấy các cháu khôn lớn, chăm ngoan, giỏi giang tôi cũng mừng lắm" - GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tâm sự.
25 năm có hơn 16.000 bé sinh ra từ TTTON
Bác sĩ Trần Ngọc Hải - phó giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ - cho biết sau 25 năm (từ 1998 đến 2023), tổng số em bé được TTTON chào đời hơn 16.300 bé.
Trung bình mỗi năm có 55.000 - 60.000 lượt các cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn. Tỉ lệ thai lâm sàng TTTON thành công có thể lên đến 45,7%.
Ngoài ra, tổng số ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI trong 10 năm gần đây hơn 22.000 ca. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong 10 năm gần đây là hơn 23.000 chu kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận