10/06/2013 06:14 GMT+7

Những đứa trẻ nơi bìa rừng Phước Sơn

TẤN VŨ - PHAN CHUNG
TẤN VŨ - PHAN CHUNG

TT - Những cô gái trẻ người Mơ Nông trót vụng dại với các phu vàng nên theo luật tục phải dựng lều ngoài bìa rừng và một mình vượt cạn. Những đứa trẻ sinh ra nơi bìa rừng ấy lớn lên lại lao vào hang sâu nơi những hố hầm vàng mà cha chúng từng chôn một phần đời trai trẻ...

dZ5Vf0mg.jpgPhóng to
Hồ Thị Sanh nuôi con trong nhọc nhằn khi không có bố - Ảnh: T.Vũ

Cơn lốc vàng của hơn 15 năm trước đã khiến huyện Phước Sơn (Quảng Nam) nổi tiếng cả nước. Có đợt hàng ngàn người lũ lượt kéo nhau về đây nhằm tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Và nỗi đau từ vàng cứ dai dẳng đến tận ngày nay.

Dựng lều vượt cạn

Mong đủ tiền gạo cho các cháu

Ông Hồ Văn Phen, chủ tịch UBND xã Phước Thành, lục tìm trong cuốn sổ thuộc diện trợ cấp hằng tháng cho chín nhóm đối tượng theo quy định của Nhà nước, đối tượng bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ cứ nối dài. Ông Phen bảo: “Chồng đi tù, chồng chết, chồng bỏ về miền xuôi, chồng đi cai nghiện... nên đối tượng bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ nhiều lắm. Mỗi tháng Nhà nước cấp 180.000 đồng/đối tượng cũng chẳng thấm đâu. Mong đủ tiền gạo cho các cháu”. Ông Phen dẫn chúng tôi ra dãy mộ hoang trên đồi, chi chít những nấm mồ lún phún cỏ xanh trông như những chiếc nón úp. Những mô đất cao thấp lô nhô, nhiều nấm mồ bằng phẳng như nền đất cũ. “Mộ trẻ con đó. Ngày trước bản làng đâu có. Từ ngày cơn lốc vàng qua bản, hàng mộ cứ kéo dài...” - ông Phen lắc đầu ngao ngán.

Con đường nhựa phẳng lì dài hơn 40km chạy qua đồi Eo Chim kéo một mạch tới trung tâm xã Phước Thành, thi thoảng xuất hiện một vài miếu thờ bên vệ đường. Bác xe ôm khẽ bảo: “Dân đãi vàng có, dân địa phương có, lập miếu để tưởng nhớ người vô danh tứ phương về đây nằm xuống đất này”. Trung tâm xã Phước Thành nằm thoai thoải theo triền đồi ngược về phía núi. Những mái nhà tôn màu xanh thấp lè tè lẩn khuất trong sương mây. Giữa hè nhưng rét trái mùa khiến những con đường về thôn ngập ngụa bùn đất.

Chị Hồ Thị Sanh dựng chiếc xe thồ rồi vội vã xới cơm cho hai đứa trẻ ăn trưa. Sanh xới cho mình một tô, chan nước mắm, không ai nói với nhau lời nào, ba mẹ con ngồi trước thềm nhà quay ra phía vực dùng bữa. Ba đứa con của ba người chồng hờ là kết cục của cô sơn nữ đẹp có tiếng ở Phước Thành. Sanh kể cuộc đời của mình là những ngày dài bất hạnh, kể từ khi cơn lốc vàng tràn qua bản nhỏ. Cô sơn nữ không thể cưỡng lại lời ong ve của những người đàn ông lang bạt kỳ hồ, kết quả Sanh mang bầu với một người ở Thái Bình. “Cha mẹ em tuyên bố bỏ, xóm làng xì xào, xấu hổ lắm nhưng người ta không cưới đành chịu” - Sanh nói, đôi mắt buồn ngấn nước. Ngày gần vượt cạn, Sanh tự tay dựng cho mình căn chòi nhỏ bằng tre nứa bên con suối nước Vin trước mặt. Một ít gạo đỏ, mùng mền áo quần cũ để gói đứa con nhỏ lọt lòng. Sanh còn chuẩn bị cả một thanh nứa thật sắc để cắt rốn cho con. Khi tiếng khóc của con trai đầu o oe bên bờ suối, Sanh tự tay cắt rốn cho con trai xong rồi ngất lịm. Vài giờ sau, Sanh tỉnh lại trong vòng tay dì ruột của mình. “Bà ấy phá lệ lén ra chòi chăm sóc em, nếu không có dì chắc hai mẹ con em chết lâu rồi. Mà có khi chết lại khỏe hơn!” - Sanh nói ấm ức.

Người đàn ông ở Thái Bình đi biệt, nghe nói mất tích trong một vụ sập hầm, đứa con thứ hai của Sanh có với một phu vàng ở Quảng Ngãi. “Anh ấy về quê cưới vợ, mình biết nhưng làm gì được. Số mình như vậy!” - Sanh ngậm ngùi. Đứa con gái thứ ba kháu khỉnh là kết quả của mối tình của Sanh với một phu vàng người Thái Nguyên. Xoa đầu âu yếm con gái, Sanh khẽ nói: “Ba nó được công an huyện đưa đi cai nghiện ở Hiệp Đức. Cầu mong anh ấy vượt qua được để về lại với căn nhà này cùng mẹ con em!”.

Ở Phước Thành, Phước Đức của huyện Phước Sơn người ta không thống kê số phụ nữ một mình vượt cạn nơi bìa rừng của nhiều năm trước. Chuyện chỉ có người trong làng biết. Khác nhau dòng máu, làn da, nhưng những đứa trẻ này đều có đặc điểm chung là sinh ra nơi bìa rừng, có bố là người miền xuôi, lớn lên trong côi cút...

Đường hầm vẫn tối

Chuyện cô bé Hồ Thị Thanh Thảo ở Phước Thành bị bỏ rơi nơi bìa rừng nhiều năm trước được cặp vợ chồng người Mơ Nông cưu mang và yêu quý là đốm sáng duy nhất của cả cánh rừng. Anh Hồ Văn Bia, người đang cưu mang bé Thảo, kể lại: “Chuyện đã mười năm rồi. Mẹ của Thảo tên Phúc, người miền xuôi, nghiện nặng. Bà ấy sinh em bé rồi mang đi bán để kiếm tiền mua thuốc. Tôi cưu mang bé khi còn đỏ hỏn. Vợ chồng tôi ăn gì bé ăn nấy!”. Bé Thảo nay đã học lớp 4, người đen nhẻm, sợ người lạ, nói tiếng Giẻ Triêng liến thoắng. Anh Bia cầu mong bé lớn lên bình yên như hoa mơ, hoa mận giữa rừng và đừng biết nhiều về quá khứ.

Không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được đến trường ở xứ sở vàng này, cơ hội đến trường của những đứa trẻ sinh nơi bìa rừng lại càng hiếm. Hồ Văn Quang, đứa con lớn của Hồ Thị Sanh, biết cầm búa đục đá từ năm 9 tuổi, năm 12 tuổi Quang biết cầm bồn ra suối lắng vàng. Năm nay ở tuổi 16, cậu đã là phu vàng lão luyện chuyên “đánh đá” ở những căn hầm sâu nhất của xứ vàng này. “Những hôm một mình ngồi dưới hố sâu hơn 200m tối đen, lạnh em cứ nghĩ lung tung. Nghĩ không biết ba mình là ai, ngày xưa ông có đào hầm như mình không. Rồi mơ một ngày đào được nhiều vàng để tìm về thăm quê nội...” - Quang thổ lộ ước mơ.

Hồ Văn Tuấn, là bạn thân cùng thôn với Quang. Cha Tuấn là người miền Bắc, bị sập hầm chết năm 1997. Tuấn được sinh ra cũng từ bìa rừng và lớn lên như con nai, con hoẵng ở cánh rừng này. Rồi mẹ lấy chồng ở làng xa, Tuấn ở với ông bà ngoại. Không được đến trường nên công việc của Tuấn là làm quen với thuốc nổ và bãi bờ từ nhỏ. “Một hôm dây cháy chậm trục trặc, châm lửa rồi chờ mãi không nổ, Tuấn xung phong chui xuống chỉnh sửa. Xuống được phần ba hầm thấy ánh sáng xì ra, Tuấn né sang bờ vực bên cạnh...ầm một tiếng, khói bụi mịt mù. Anh em xuống khiêng nó lên, rất may là chỉ chảy máu miệng, máu mũi mà không chết” - Quang kể trong bàng hoàng. Nhiều người trong thôn bảo Tuấn bị “trời chê”, bởi em còn phải sống nuôi ông bà ngoại đã già yếu lại bị mù nhiều năm nay. Mọi nặng nhọc đè nặng trên đôi vai bé bỏng của cậu bé mồ côi.

TẤN VŨ - PHAN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên