Những đứa trẻ học nói trong giãn cách

HỒNG VÂN 20/04/2022 17:10 GMT+7

TTCT - Những đứa trẻ sinh ngay trước hoặc trong năm COVID-19 trở thành đại dịch nay đã lên 2, lên 3. Có thể chúng đã bập bẹ những tiếng đầu tiên và học nói trong một thế giới đầy khẩu trang và xen kẽ các đợt giãn cách.

 
 Do đại dịch COVID-19, trẻ em ít có thời gian tương tác với bạn bè bên ngoài gia đình. -Ảnh: The Guardian

Theo báo cáo công bố ngày 4-4 của Ofsted, cơ quan về tiêu chuẩn giáo dục, dịch vụ và kỹ năng trẻ em của Chính phủ Anh, đại dịch đã tạo ra “những thách thức kéo dài” về sự phát triển của trẻ nhỏ trong những năm đầu đời, nhất là về kỹ năng xã hội và ngôn ngữ. Những thách thức này, nếu không được chú trọng, có thể gây ra các vấn đề cho các trường tiểu học trong những năm sau.

Vốn từ hạn chế 

Các thanh tra của Ofsted đã thu thập tài liệu, phỏng vấn tại 70 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở xứ Anh (England) từ tháng 1 đến tháng 2-2022 để hoàn thiện báo cáo. Nhiều cơ sở giáo dục ghi nhận trẻ bị chậm trong diễn đạt và ngôn ngữ do "vốn từ hạn chế”. Trẻ cũng không tham gia hoặc không nghe hiểu hết câu chuyện, có thể do đã dành nhiều thời gian hơn với màn hình. Thậm chí trẻ bắt đầu sử dụng giọng điệu từ các chương trình mình đã xem.

Ngoài ra, do các tác động tiêu cực đến sự phát triển cá nhân, xã hội và tình cảm, trẻ không giao tiếp với nhau nhiều như trước vì thiếu tự tin, ngại ngùng và lo lắng. Các kỹ năng xây dựng tình bạn và xã hội của trẻ bị ảnh hưởng. Theo các giáo viên, trẻ mới biết đi và trước tuổi đi học cần được giúp đỡ nhiều hơn để học về chia sẻ và chờ đến lượt của mình.

Những cơ sở chăm sóc trẻ khác cho biết trẻ sơ sinh gặp khó khăn trong phản ứng và thể hiện các biểu cảm chính trên mặt, có thể do bị giảm tương tác xã hội trong đại dịch. Giãn cách làm trẻ không được nhìn thấy những khuôn mặt khác nhau. Sự phát triển thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng, thể hiện ở việc trẻ sơ sinh chậm biết bò và biết đi, trẻ bị giảm khả năng tự lập và tự chăm sóc bản thân, cần giúp đỡ trong các hoạt động như cất áo khoác, xì mũi. Kết quả là, nhiều giáo viên phải dành nhiều thời gian tổ chức các hoạt động thể chất để giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thô.

Theo báo cáo, nhiều giáo viên lo ngại rằng, so với trước đại dịch, ít trẻ biết tự đi vệ sinh. Điều này có nghĩa là có nhiều trẻ có thể không sẵn sàng đi nhà trẻ khi 4 tuổi.

Một số cơ sở giáo dục cho rằng việc đeo khẩu trang có những ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ. COVID-19 đã bước sang năm thứ ba, trẻ lên hai, lên ba là thế hệ nhìn thấy người lớn đeo khẩu trang phần lớn cuộc đời mình. Các em không được nhìn thấy cử động môi hoặc khẩu hình khi người lớn nói chuyện. Báo cáo của Ofsted cho rằng sự chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ dẫn đến việc các em không thể hòa đồng với những đứa trẻ khác dễ dàng như trước đây.

Nghiên cứu của Quỹ giáo dục Endowment cảnh báo các biện pháp được thực hiện để chống lại đại dịch đã tước đi khả năng tiếp xúc và trải nghiệm xã hội của trẻ nhỏ để tăng vốn từ ngữ. Ít hoặc không được tiếp xúc với ông bà, không được chơi với bạn bè, giãn cách xã hội, mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng khiến trẻ ít được nói chuyện và có trải nghiệm hằng ngày. Ảnh hưởng của điều này có thể không nhỏ vì có bằng chứng cho thấy kém phát triển khả năng diễn đạt có thể có ảnh hưởng lâu dài đến việc học tập của trẻ. 

Vẫn còn ánh mắt, giọng nói

Trong những năm qua, đã có một số nghiên cứu về tác động của khẩu trang với sự phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ ra đời, song có nên “đổ tội” cho khẩu trang không thì vẫn còn là vấn đề gây tranh luận.

Theo Monika Molnar, giáo sư Trường đại học Toronto (Canada) và là chuyên gia về phát triển ngôn ngữ trẻ em, chúng ta có thể chưa biết đầy đủ về tác động của việc này trong vài năm nữa nhưng có những dấu hiệu ban đầu cho thấy khẩu trang “có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ngôn ngữ”.

Nữ chuyên gia này lý giải rằng trẻ học ngôn ngữ bằng cách nghe tiếng nói và quan sát chuyển động của lưỡi và miệng của người nói. Trẻ cũng hiểu về bối cảnh câu chuyện nhờ biểu hiện trên gương mặt. Nếu người nói đeo khẩu trang, “trẻ em bị thiếu một nửa số tín hiệu” - bà nói với Đài CBC (Canada). Cũng theo Molnar, khẩu trang cũng hạn chế cách người nói chuyển động hàm hoặc miệng của họ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Thêm vào đó, khẩu trang có thể làm âm thanh nghe không rõ.

 
 Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, theo Caroline Erdos, cố vấn về diễn đạt - ngôn ngữ của Tổ chức về diễn đạt, ngôn ngữ và nghe của Canada, vẫn còn quá sớm để khẳng định khẩu trang làm chậm sự phát triển khả năng diễn đạt và ngôn ngữ ở trẻ em. Tác động, nếu có, cũng sẽ không quá nghiêm trọng như chúng ta nghĩ, Erdos nói với CBC.

Theo chuyên gia này, có một số yếu tố khác liên quan đến đại dịch cũng có thể liên quan, như chúng ta bị hạn chế gặp gỡ, giãn cách xã hội và lo lắng nhiều hơn. Việc phải đứng cách nhau 2m có thể hạn chế các tín hiệu thị giác mà trẻ sử dụng để phát triển lời nói và ngôn ngữ. Ngoài ra, việc phải hạn chế tiếp xúc trong hơn hai năm qua, một số trẻ có thể không được tiếp xúc với nhiều người với những cách nói khác nhau - điều này cũng có vai trò quan trọng khi trẻ học giao tiếp.

Dĩ nhiên, trẻ vẫn giao tiếp với bố mẹ, người chăm sóc ở nhà nhưng sự giao tiếp đó có thể cũng bị ảnh hưởng, hoặc giảm, vì những lo lắng và áp lực người lớn phải đối mặt do dịch COVID-19. Có thể một số trẻ không được giao tiếp có chất lượng với bố mẹ.

Bà Elizabeth Kay-Raining Bird, giáo sư đã về hưu của trường khoa học về truyền thông và rối loạn, Đại học Dalhousie, Canada, chỉ ra một khía cạnh khác: COVID-19 không nhất thiết gây ra những khó khăn về diễn đạt, ngôn ngữ hoặc giao tiếp xã hội, nhưng có thể làm trầm trọng thêm khó khăn đó ở một số trẻ. Cụ thể, trẻ đã gặp khó khăn trong việc học các kỹ năng giao tiếp có thể là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trẻ lớn lên trong đại dịch có thể không hiểu được một số kỹ năng giao tiếp như chia sẻ và kiên nhẫn chờ đến lượt như các em từng làm trước đại dịch vì ít tiếp xúc với trẻ khác cùng tuổi.

Bà Diane Paul, giám đốc phụ trách các vấn đề lâm sàng về bệnh lý diễn đạt - ngôn ngữ ở Hiệp hội Speech-Language-Hearing (Mỹ), cho rằng chưa có bất kỳ nghiên cứu hay bằng chứng thuyết phục nào chứng minh người lớn đeo khẩu trang khi tương tác với trẻ làm cản trở hoặc chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói ở trẻ.

Trẻ dựa vào cả kích thích thị giác lẫn thính giác khi học về giao tiếp. Ông David Lewkowicz, nhà khoa học nhiều kinh nghiệm tại Phòng thí nghiệm Haskins, một nhóm nghiên cứu độc lập ở New Haven, bang Connecticut, Mỹ, chuyên nghiên cứu về diễn đạt và phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ, cho biết trong ba năm đầu đời, não của trẻ thay đổi và phát triển về kích thước đáng kể. “Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thích nghi với các điều kiện thay đổi tốt hơn rất nhiều so với người lớn. Việc không nhìn thấy một nửa khuôn mặt người đối diện do khẩu trang có thể khắc phục nhờ sự linh hoạt của não bộ” - ông nói.

Ngoài ra, trẻ còn dựa vào ánh mắt và giọng nói của người chăm sóc khi giao tiếp. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy trẻ từ 9 tuổi trở xuống dễ dàng giải mã cảm xúc trên gương mặt có đeo khẩu trang. Một nghiên cứu khác vào năm 2021 kết luận rằng giọng nói quan trọng hơn nét mặt khi truyền tải cảm xúc đến trẻ. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy trẻ có thể xác định chính xác cảm xúc của người lớn khi họ đeo khẩu trang. Trên thực tế, trẻ khiếm thị cũng thường phát triển khả năng ngôn ngữ theo quỹ đạo tương tự như trẻ không bị khiếm thị.

Có thể nói, có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em chú ý đến nhiều dấu hiệu khác nhau, không chỉ là khẩu hình, khi học giao tiếp. Trẻ thường nhìn vào mắt khi người đối diện đeo khẩu trang, bà Diane Paul chỉ ra.■

Báo Washington Post đã tham khảo các chuyên gia để chỉ ra một số mẹo giúp chúng ta giao tiếp với trẻ hiệu quả, ngay cả khi đeo khẩu trang:

Nói rõ ràng: Người lớn đeo khẩu trang nên nói to hơn, phát âm tốt hơn và sử dụng nhiều cử chỉ hơn khi nói chuyện với trẻ. Nếu trẻ vẫn chưa hiểu bạn, có thể chuyển đến một nơi yên tĩnh hơn và để trẻ nhìn bạn khi nói chuyện. Các phụ huynh nên tăng cường giao tiếp trực tiếp với con và làm cho con nhìn mình khi nói chuyện.

Giao tiếp hai chiều với trẻ: Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần giao tiếp hai chiều với trẻ - nghĩa là phản hồi lại các tín hiệu trẻ gửi đến bạn. Nếu trẻ hỏi bạn, hãy trả lời. Nếu bạn hỏi trẻ, hãy đợi trẻ trả lời trước khi nói sang chuyện khác.

Đọc sách cùng nhau: Có thời gian đọc sách yên tĩnh cùng nhau là cách tuyệt vời để kích thích sự phát triển ngôn ngữ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận