Chị T.C.L. (24 tuổi, ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) bị câm điếc bẩm sinh, khả năng nhận thức hạn chế nên khi biết chị mang thai, cha mẹ vô cùng bàng hoàng.
Không muốn con được sinh ra trên đời
Gặng hỏi mãi, cha chị L. mới biết cha đứa trẻ là G. - thanh niên cùng ấp. Cho rằng con gái mình bị cưỡng ép quan hệ tình dục, cha chị L. đã đến công an xã và công an huyện trình báo. Nhưng chính ông sau đó đã rút đơn, đề nghị không xử lý hình sự với G..
Biết tin chị L. mang thai, anh G. đã đưa gia đình chị 9 triệu đồng để... phá thai. "Thai lớn quá rồi, con gái tôi lại bị bệnh tim. Bác sĩ không cho phá. Số tiền G. đưa tôi đã chi phí tàu xe đi lại, tiền phòng nghỉ, tiền thuốc và ăn uống hết 6,6 triệu đồng. Còn thừa 2,4 triệu đồng tôi đã đưa lại cho gia đình nó. Khi con gái tôi đẻ, gia đình bên đó cũng không hỗ trợ gì" - cha chị L. thật thà chia sẻ.
Tháng 11-2015, chị L. sinh con gái đầu lòng, anh G. chẳng một lần hỏi han và thăm đứa bé. Uất ức thay con nên cha chị L. khởi kiện anh G. ra TAND huyện U Minh, muốn G. nhận con. Ở tòa, anh G. thừa nhận có quan hệ tình dục với chị L. lần duy nhất, nhưng "không chắc chắn đứa bé sinh ra có phải con anh hay không".
Anh yêu cầu tòa cho giám định ADN, nếu đứa bé đúng là con anh thì anh xin được nuôi, chứ không chấp nhận yêu cầu cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng vì hoàn cảnh khó khăn. Anh yêu cầu vậy, nhưng đến khi tòa án thông báo đóng tạm ứng để giám định ADN thì... làm lơ. Tòa nhiều lần gửi thông báo anh cũng không thực hiện.
Mặc dù không có kết quả giám định nhưng dựa trên lời khai của các bên, tòa án đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị L., tuyên giữa anh G. và con gái chị L. có quan hệ cha con, anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Bản án xác định quan hệ huyết thống có hiệu lực nhưng không thể đưa đứa trẻ đến gần với cha mình hơn. Anh G. cũng không có điều kiện cấp dưỡng nuôi con. Cha con ở ngay cùng ấp mà như người xa lạ.
Quan hệ với mẹ nhưng... không nhận con
Một câu chuyện khác xảy ra ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La mà người mẹ phải đích thân khởi kiện ra tòa để "đòi" cha cho con.
Năm 2013, chị ly thân chồng, rồi có bạn trai và mối quan hệ nảy sinh một mầm sống. Tháng 6-2016, chị chính thức ly hôn và sau đó sinh một bé gái. Chị cứ nghĩ sau khi ly hôn và sinh con thì tình cảm với bạn trai sẽ mặn nồng, nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Anh không quan tâm, cũng không công nhận đứa bé chị vừa sinh là con của anh. Không muốn con là đứa trẻ không cha, chị đành để tên cha đứa bé trên giấy khai sinh là tên người chồng cũ.
Uất ức trong lòng, năm 2017 chị kiện ra tòa yêu cầu buộc người bạn trai phải đi cải chính giấy khai sinh cho bé với tên anh là cha. "Cô ấy tự ý khai sinh đứa bé là con tôi, chứ tôi chẳng liên quan gì" - chồng cũ của chị viết trong đơn gửi đến tòa. Anh xin vắng mặt trong tất cả các buổi xét xử. Trong khi đó, bạn trai của chị cũng chẳng thừa nhận đứa trẻ là con dù anh thừa nhận có... quan hệ chăn gối với chị.
Ra tòa, các thành viên trong hội đồng xét xử đều động viên anh rằng đứa trẻ lớn lên mà biết bị cha từ chối sẽ thế nào? Chị cũng không buộc anh phải thực hiện nghĩa vụ gì ngoài việc cái tên anh sẽ xuất hiện trên giấy khai sinh của con với tư cách "cha đẻ"... Có lẽ những lời nói thấu tình đạt lý ấy đã thấu tâm can của anh khiến anh thay đổi, chịu đứng tên là cha trên giấy khai sinh của đứa bé.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng Chi hội luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho hay Luật trẻ em quy định trẻ sinh ra có quyền biết cha mẹ mình là ai (trừ trường hợp trẻ là con của người mẹ bị xâm hại). Người cha có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con đến năm con 18 tuổi theo quy định.
"Luật pháp đã có quy định đầy đủ, tòa án và cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ. Điều quan trọng nhất đối với trẻ vẫn là tình cảm, là sự hiện diện của người cha trong cuộc sống, chứ không chỉ đơn thuần là cái tên trên giấy khai sinh" - bà Nữ nhấn mạnh.
Cây có cội, nước có nguồn, và con trẻ cũng vậy...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận