30/04/2017 09:18 GMT+7

Những đứa con hòa bình nghĩ về tương lai

NGỌC HÀ - QUỐC LINH - CÔNG NHẬT - KIM ANH thực hiện
NGỌC HÀ - QUỐC LINH - CÔNG NHẬT - KIM ANH thực hiện

TTO - Kỷ niệm 42 năm đất nước thống nhất, Tuổi Trẻ gặp gỡ những người sinh năm 1975 trên mọi miền đất nước. Sinh ra khi đất nước không còn tiếng súng, những người con của đất nước hòa bình kỳ vọng gì ở tương lai?

Các bạn trẻ đi dạo tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: HỮU KHOA
Các bạn trẻ đi dạo tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: HỮU KHOA
Đào Thị Thanh Thuận
Đào Thị Thanh Thuận

* Đào Thị Thanh Thuận (phó tổng giám đốc Tập đoàn Oriental Saigon):

Sống sâu mới trân quý cội nguồn

Sinh ra đúng khoảnh khắc hòa bình trọn vẹn của đất nước, nhưng phải đến lúc lớn lên tôi mới cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự về điều này, về sự tự do phát triển bản thân.

Thời trung học lẫn đại học, dù học tại các ngôi trường danh tiếng ở TP.HCM nhưng tôi chưa có khả năng nghiên cứu, phản biện... những điều mà chỉ đến khi vào học cao học ở một trường nước ngoài tôi mới có được.

Trong khi đó, các bạn trẻ Việt hiện nay dù học trong nước cũng đã có sự cải thiện đáng kể những điểm trên, năng động hơn nhiều và đủ sức hội nhập quốc tế.

Theo tôi quan sát, nền giáo dục trong nước tuy “trở mình” hơi chậm nhưng đã có những sự khởi sắc nhất định.

Chẳng hạn như đề thi văn thời chúng tôi thì học thuộc lòng là chủ yếu, còn bây giờ đã “mở” hơn và cho người học cơ hội tranh luận.

Dẫu vậy, trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, tôi có chút lo lắng về việc nhiều người Việt nói chung, giới trẻ nói riêng hơi bị “vật chất hóa”, không sống và hội nhập “sâu”.

Chẳng hạn như nhiều bạn sẽ tranh thủ đi thật nhiều nơi chủ yếu để “check-in” trên mạng xã hội, thay vì tìm hiểu vùng đất đó có gì độc đáo, cũng là hoa đào nhưng cái hồn của hoa ở VN, Nhật Bản, Hàn Quốc... khác nhau như thế nào? Bởi có sống sâu thì chúng ta mới hiểu rõ và trân quý các nền văn hóa, cội nguồn dân tộc.

Tôi có đọc được trên một tờ tạp chí uy tín câu nói khá hay “đỉnh cao của đương đại là truyền thống”. Sẽ rất khó có một điều gì phát triển bền vững nếu những giá trị truyền thống của nó bị lãng quên hoặc phủ nhận.

Thạc sĩ Giang Ngọc Phương
Thạc sĩ Giang Ngọc Phương

* Thạc sĩ Giang Ngọc Phương (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM):

Mong sản phẩm VN có trong chuỗi hàng hóa thế giới

Cảm nghiệm về sự hi sinh của bao thế hệ đi trước để đất nước bình yên hôm nay, cá nhân tôi cho rằng điều này cũng đặt ra nhiệm vụ của thế hệ trẻ phát triển, giữ gìn thành quả đó thế nào cho xứng đáng.

Nếu trước đây là chiến tranh với kẻ thù khí tài hiện đại thì hôm nay những quái thai kinh tế, văn hóa cũng có thể xem là cuộc chiến mới, mà nhiệm vụ của thế hệ trẻ là làm sao để chúng ta không chỉ giữ nước mà còn không mất chủ quyền trong kinh tế, giữ bản sắc văn hóa người VN.

Tôi có cơ hội tiếp xúc với những người trẻ trong cộng đồng doanh nghiệp và thấy rằng các bạn luôn tư duy, trăn trở cho sự phát triển, phải dám hành động để đưa đất nước ngày một đi lên.

Tôi ước mong có những doanh nghiệp VN sản xuất ra các mặt hàng nằm trong chuỗi hàng hóa của thế giới.

Sẽ tự hào biết bao nếu trong 10 năm tới chúng ta có ít nhất năm loại hàng hóa có tên trong chuỗi này.

Cả chính sách an sinh xã hội cũng nâng lên và nếu tạo được cơ chế để mỗi người dân tự làm giàu, giúp nhau cùng làm giàu thì còn gì bằng.

TS Phạm Minh Tuấn
Người Việt Nam luôn được coi là thông minh, sáng tạo. Tôi mong sẽ có nhiều bạn trẻ tiếp tục phát huy tố chất này, đem trí tuệ Việt Nam sánh vai cùng các nước, cũng như để chinh phục những đỉnh cao, những thách thức mà thế hệ chúng tôi còn chưa thực hiện được

* TS Phạm Minh Tuấn (phó viện trưởng Viện công nghệ vũ trụ, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN):

Cần “cú hích” quyết liệt để tạo đột phá

Với lịch sử phát triển của một đất nước, 42 năm chưa phải dài. Nhưng 42 năm đối với một con người lại là một thời gian đủ thấm để trải nghiệm và trưởng thành.

May mắn được trải nghiệm quãng thời gian đất nước phát triển trong thống nhất, cảm nhận được những bước khó khăn khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh và tìm kiếm con đường phát triển phù hợp rồi trỗi dậy mạnh mẽ kể từ sau đổi mới, tôi thấy hoàn toàn tin tưởng vào tương lai phát triển của VN.

VN đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau chiến tranh. Cuộc sống của người dân đang ngày càng được cải thiện, đất nước ngày càng phát triển. Tất nhiên đất nước vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, cần những “cú hích” quyết liệt để tạo đột phá.

Đinh Minh Hiệp

TS Đinh Minh Hiệp (trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM):

Nông dân sống được trên mảnh đất của mình

Sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn hòa bình, tôi luôn trân trọng công sức, bao hi sinh xương máu mà cha ông đã đổ xuống.

Nhất là tiếp cận thông tin nhiều sự kiện ở các quốc gia hiện nay, chúng ta càng thấy giá trị của sự độc lập, tự do trên quê hương mình.

Càng ngày chúng ta càng cảm nhận rõ nét hơn sự thay đổi trong cuộc sống người dân, các nhu cầu đời sống được nâng cấp, tăng dần theo mong muốn cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Công tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tôi cố gắng đóng góp trong khả năng có thể với ước mong nông dân tiếp thu nhanh sự thay đổi của công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để sống được trên mảnh đất của mình.

Bản thân cũng là nhà khoa học nên song song với vai trò quản lý, tôi cố gắng đầu tư nghiên cứu, sao cho thành quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ xã hội, thiết thực với nhu cầu cuộc sống đặt ra, để hướng tới nhà khoa học phải làm giàu chính đáng từ thành quả lao động của mình.

TS Trịnh Thị Thúy Giang

* TS Trịnh Thị Thúy Giang (phó chủ tịch Câu lạc bộ nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội):

Tin vào diện mạo tương lai

Trong ký ức tuổi thơ tôi, chỉ cần được ăn no mà cơm không phải “độn” khoai sắn đã là niềm mơ ước. Đến khi vào đại học, việc có một chiếc máy tính màn hình đen trắng gõ được văn bản thôi cũng đã quá xa xỉ.

Năm 1997, khi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi cần tiếp cận một bài báo viết về 1 thuật toán liên quan đến đề tài của tôi.

Thầy hướng dẫn nói để thầy nhờ bạn nước ngoài gửi tài liệu cho tôi và chắc khoảng từ một đến một tháng rưỡi sẽ nhận được.

Nhưng thời gian làm khóa luận tốt nghiệp không cho phép tôi chờ đợi lâu vậy. Cuối cùng, thầy đã lựa chọn cho tôi một thuật toán khác thay thế mà tài liệu có sẵn ở VN. Chắc bây giờ trong thời đại thế giới phẳng này mọi người khó có thể tưởng tượng được điều đó...

Kể lại để thấy rằng đất nước hôm nay đã có diện mạo hoàn toàn khác.

Những ngày tháng 4 vừa qua, tham gia đoàn công tác tại quần đảo Trường Sa, tôi thấy ở nơi biển đảo xa xôi ấy cũng đã được trang bị khá đầy đủ dịch vụ phục vụ đời sống của quân và dân.

Đất nước chúng ta từ không đủ ăn bây giờ đã xuất khẩu nông sản và hải sản. Từ chỗ cả làng, cả xóm mới có 1 chiếc tivi, trẻ con cả năm chờ đợi một buổi chiếu phim ở sân bóng của xã... thì bây giờ nhiều nơi đã đạt chuẩn nông thôn mới. Bây giờ chúng ta nghĩ nhiều đến chất lượng cuộc sống chứ không chỉ lo đủ ăn, đủ mặc.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã ở ngay trước mắt. Có thể chúng ta còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập nhưng không thể đứng ngoài sự phát triển chung của thế giới.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng vào thế hệ trẻ - những người được đào tạo bài bản - chính là nguồn lực quan trọng sẽ làm cho VN hội nhập sâu sắc hơn và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.

Trần Các Hùng Dũng

* Trần Các Hùng Dũng (giảng viên bộ môn chẩn đoán hình ảnh Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM):

Hạnh phúc khi được sinh vào ngày lịch sử

Tôi rất hạnh phúc khi được sinh ra đúng ngày lịch sử 30-4-1975. Ngay từ khi 1 tuổi, tôi đã được đăng hình lên báo Sài Gòn Giải Phóng vào đúng ngày kỷ niệm 1 năm đất nước thống nhất.

Trải qua 42 năm sống trong hòa bình, tôi được học hành và thấy mình sung sướng hơn thế hệ cha anh.

Nếu không có hòa bình, có lẽ tôi sẽ không được học hành đến nơi đến chốn và càng không thể đi khắp các tỉnh thành trong cả nước tham gia những chương trình hội thảo chuyên ngành để học hỏi nâng cao chuyên môn của mình.

Hằng năm vào sinh nhật mình (30-4), tôi thường đến ngồi tại quán cà phê hội trường Thống Nhất để mường tượng và cảm nhận một điều rất thiêng liêng về thời khắc lịch sử. Đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã thay đổi và phát triển không ngừng.

Tôi mong ước đất nước mãi thanh bình, người dân được sống trong hòa bình là một hạnh phúc lớn vì khi đó thế hệ sau sẽ được học hành, phát triển góp phần xây dựng gia đình và xã hội.

Trong nhiều điều mong ước tốt đẹp cho đất nước, tôi cũng mong TP.HCM sẽ giải quyết được vấn nạn kẹt xe và đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.

PGS.TS Vũ Văn Tích

* PGS.TS Vũ Văn Tích (trưởng ban khoa học công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội):

Đổi mới sáng tạo - động lực của phát triển

Nhìn lại lịch sử nước ta hàng nghìn năm trước và hoàn cảnh của một số quốc gia đang trong cuộc chiến hiện nay, hơn bao giờ hết tôi thấy được trọn vẹn giá trị của nền độc lập và hòa bình.

Tôi nghĩ mỗi cá nhân trong gần 100 triệu đồng bào đều cần biết trân trọng và cố gắng hết mình để gìn giữ hòa bình và nền độc lập quan trọng này, không chỉ cho chúng ta mà còn cho con cháu đời đời sau.

42 năm trôi qua chỉ là một phần rất nhỏ trong lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển của dân tộc, nhưng vẫn đủ dài để một quốc gia với gần 100 triệu dân và nhiều tài nguyên có thể cất cánh.

Xét theo góc độ chính trị và bối cảnh xuất phát điểm của đất nước, sự phát triển bền bỉ và vượt bậc của VN được coi là một kỳ tích.

Từ đống đổ nát của chiến tranh, đến nay đất nước đã có một vị thế đáng kể. VN đã là thành viên chính thức của hầu hết các tổ chức chính trị, xã hội và diễn đàn kinh tế quốc tế quan trọng.

Có điều phải nói thành thực rằng không cần so sánh số liệu cụ thể, mọi người đều nhận thấy rằng quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế VN đang ở mức thấp trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đất nước ta sẽ phát triển trong tương lai không xa. Đổi mới sáng tạo cần được đặt ở trung tâm chiến lược phát triển đất nước.

Đổi mới sáng tạo không còn giới hạn ở các phòng thí nghiệm nghiên cứu hoặc trong việc xuất bản các bài báo khoa học, mà còn bao gồm cả những đổi mới, sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội hay các mô hình kinh doanh.

Đây chính là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển.

NGỌC HÀ - QUỐC LINH - CÔNG NHẬT - KIM ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên