Các dự án đã dần thành hiện thực chứ không chỉ trên giấy khi được Chính phủ cho phép, nhà đầu tư quyết tâm.
"Không còn mơ hồ, không còn sợ không có hàng"
Trong tháng 3, hai đoàn công tác của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng đã liên tiếp sang làm việc với các tỉnh Nam Lào, "thông đường" để doanh nghiệp cũng như nguồn hàng về Quảng Trị.
Tỉnh Sê Kông (Lào) có mỏ than Kaleum - cách biên giới 120km - trữ lượng 1 tỉ tấn. Còn tỉnh Salavan giáp biên giới với Quảng Trị, với thế mạnh nông sản, gồm sắn, chuối, cà phê, khoai lang… Riêng sắn là mặt hàng chủ lực với sản lượng hằng năm gần 1 triệu tấn. Lượng hàng hóa từ Lào về Quảng Trị qua 2 cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo rất lớn, tăng đột biến gần đây.
Ông Võ Văn Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay: "Làm việc với các tỉnh bạn Lào và Ubon Ratchathani (Thái Lan) rất mong muốn chúng ta có cảng biển, không chỉ cho Quảng Trị mà kết nối các tỉnh bạn ra Biển Đông. Dư địa không còn mơ hồ, không còn sợ không có chân hàng nữa mà câu hỏi là lúc nào Quảng Trị có cảng biển".
Do đó, chủ tịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh cảng Mỹ Thủy là lối ra tỉnh Quảng Trị, tạo ra cực tăng trưởng mới của tỉnh.
Ngày 25-3 vừa rồi, nhà đầu tư làm lễ thi công cảng biển Mỹ Thủy 14.000 tỉ đồng và cam kết hoàn thành 2 bến cảng vào năm 2025, cho phép tàu 100.000 tấn cập cảng. Hành trình đến với Thái Bình Dương của Quảng Trị đã bắt đầu.
Hành lang kinh tế La Lay - Mỹ Thủy
Khoảng cách từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay ở phía tây theo đường chim bay chỉ 65km. Hành lang kinh tế La Lay - Mỹ Thủy đã dần thành hình với dự án đường 15D theo hình thức PPP.
Gạch nối La Lay - Mỹ Thủy đã có hai đoạn gồm La Lay - đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 12km và cảng biển Mỹ Thủy - quốc lộ 1 dài 14km. Đoạn còn lại nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh dài 42km được Quảng Trị chấp thuận nghiên cứu tiền khả thi theo hình thức PPP vào tháng 2-2024.
Theo đó, liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty TNHH Phonesack Việt Nam và Công ty TNHH Nam Tiến đề xuất thực hiện dự án này với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng.
Cạnh đó, tháng 1-2024, Chính phủ chấp thuận dự án băng tải than dài 160km nối mỏ than Sê Kông về cảng Mỹ Thủy. Đây là dự án chưa có tiền lệ, chưa có quy định pháp lý bởi lần đầu tiên có một dự án xuyên biên giới ở Việt Nam.
Do đó, tỉnh Quảng Trị hướng dẫn nhà đầu tư chia thành 3 đoạn. Trong đó, đoạn 5,5km nối từ La Lay về xã A Ngo (huyện Đakrông), và đoạn từ A Ngo về Mỹ Thủy đang xin chấp thuận nghiên cứu tiền khả thi. Đoạn từ mỏ than Sê Kông về cửa khẩu La Lay sẽ thực hiện theo pháp luật của Lào. Băng tải mỗi bên sẽ kết nối với nhau tại biên giới.
Tỉnh Quảng Trị cũng đang xây dựng đề án khu kinh tế cửa khẩu quốc tế La Lay, rộng 50ha, thu hút các nguồn hàng từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, phấn đấu tổng hàng hóa và phương tiện tăng bình quân từ 15 - 20%/năm.
Những dự án trên đã và đang hình thành một hành lang kinh tế mới về phía nam tỉnh Quảng Trị. Xa hơn, hình thành nên một hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây là PARA - EWEC. Đây là hành lang ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận