Tháng 6-2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng được khởi công (dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng).
Do không thể khai thác đúng thời hạn nên nhiều vấn đề đã phát sinh khi phụ lục hợp đồng BT hết hạn. Do đó, công trình bị dừng lại do không được tái cấp vốn.
Họp mãi không ra... phương án
Sau một thời gian dài tạm ngưng, đến đầu năm 2023, phụ lục hợp đồng BT của dự án đã được ký. Tuy nhiên, hiện dự án phải đợi phía Ngân hàng (NH) Nhà nước và NH BIDV làm các thủ tục và giải ngân để tiếp tục thực hiện.
Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam và NH BIDV có văn bản đề nghị UBND TP tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc để có cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng. Đây là cơ sở để NH tái cấp vốn.
Để có cơ sở tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư và NH, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP được thanh toán trước cho hợp đồng BT bằng ba quỹ đất sạch.
Tháng 9-2023, sau cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các thành viên Thường trực Chính phủ về dự án này đã đưa ra một số kết luận.
Cuộc họp này nhận định trong quá trình thực hiện, dự án đã được Chính phủ và Thủ tướng quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhiều văn bản. Điển hình nhất là nghị quyết số 40 năm 2021.
Ở góc độ địa phương, UBND TP.HCM báo cáo dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp tục triển khai thi công hoàn thành.
Việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án là rất cấp bách.
Nhưng TP.HCM lại chưa báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết số 40 của Chính phủ. Do đó Chính phủ cũng quyết định thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ phó, các lãnh đạo của bộ và cơ quan liên quan làm thành viên.
Từ đó gỡ vướng cho dự án thông qua nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 40 của Chính phủ.
Sau cuộc họp trên, TP.HCM cũng đưa ra các phương án gỡ vướng. TP đề xuất cho HFIC (Quỹ đầu tư phát triển TP) nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của nghị định số 147 Chính phủ ban hành năm 2020.
Cụ thể là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình. Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT và các phụ lục hợp đồng BT đã ký.
Từ đó, nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.
Tuy nhiên, đến nay phương án này vẫn chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân do Sở Tài chính cho rằng nội dung đề xuất của UBND về phương án ủy thác không phù hợp theo quy định như ý kiến của Bộ Tài chính. Vì vậy, sở không có cơ sở tham mưu đối với phương án ủy thác.
Dừng thi công 4 năm chờ điều chỉnh thủ tục
Khoảng tám năm trước, dự án BT đoạn 3 dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng về nút giao Gò Dưa thuộc đường vành đai 2 TP.HCM (gồm bốn đoạn với tổng chiều dài khoảng 64km) được TP.HCM ký hợp đồng triển khai theo hình thức BT, bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2017.
Dự án làm đoạn 3 có tổng mức đầu tư 2.765 tỉ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Đến năm 2019, sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đoạn 3 đường vành đai 2 cần làm một số thủ tục pháp lý để điều chỉnh về tổng mức đầu tư, số liệu tài chính, thời gian hợp đồng.
Đến tháng 3-2020, nhà đầu tư (Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái) đã điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và trình Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thẩm định và phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Tuy nhiên, sau đó dự án đã tạm ngưng xây dựng khi mới chỉ đạt 43,7% khối lượng. Sở dĩ dẫn đến việc này được chủ đầu tư lý giải do phải chờ cơ quan chức năng làm các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian làm, ký phụ lục hợp đồng BT, thanh toán quỹ đất...
Đại diện nhà đầu tư cho biết kể từ khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đã tập trung làm rất nhiều công việc nhưng những vướng mắc sau đó phải tháo gỡ kéo dài. Từ đó, dẫn đến phát sinh lãi vay rất lớn.
Theo số liệu tính toán vào tháng 7-2023, lãi vay là 725,2 tỉ đồng, trung bình 14,2 tỉ đồng/tháng.
Vì vậy, doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả nợ hoặc cơ cấu lại các khoản vay.
Đến tháng 8-2023, trong thông báo kết luận cuộc họp về tiến độ làm các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, UBND TP.HCM đã giao các sở ngành đẩy nhanh thủ tục điều chỉnh cho dự án đoạn 3 đường vành đai 2.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM được UBND TP.HCM giao chủ trì, tổ chức thẩm định, trình duyệt điều chỉnh dự án.
Đến ngày 27-12-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chính thức trình báo cáo thẩm định báo cáo điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Do đó, dự án được điều chỉnh hoàn thành tới năm 2026, còn giải phóng mặt bằng hoàn thành trước 30-6-2024.
Sau đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM được giao phối hợp tổ công tác liên ngành rà soát, cập nhật lại các chỉ tiêu, số liệu tài chính làm cơ sở để đàm phán điều chỉnh hợp đồng BT.
Với việc thanh toán hợp đồng BT, đoạn 3 đường vành đai 2 là dự án thuộc trường hợp áp dụng nghị quyết 98 để tiếp tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.
Cuối tháng 1-2024, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đoạn 3 đường vành đai 2 (thời gian làm dự án từ 2015 - 2026, trước đây là 2023).
Việc được TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án chính là cơ sở để làm các thủ tục tiếp theo của dự án này.
Tuy nhiên, để dự án sớm xây dựng trở lại còn phụ thuộc vào thời gian làm tiếp tiến trình đàm phán, ký phụ lục hợp đồng BT và xây dựng quy trình thanh toán hợp đồng BT (áp dụng cơ chế nghị quyết 98). Từ đó, thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo gỡ vướng cho dự án BT
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có những kết luận sau cuộc họp với các sở ngành về tình hình làm các dự án BT. Cụ thể, ông Phan Văn Mãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP.HCM và các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết đối với danh mục các dự án BT (phân thành từng nhóm, việc cần làm, thời gian làm đơn vị chủ trì...), sau đó tham mưu và đề xuất với UBND TP.HCM.
Theo đó, trong các danh mục dự án BT, có dự án xây dựng đoạn 3 đường vành đai 2 TP.HCM kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa.
Dự án này giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM và thực hiện công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan quỹ đất thanh toán dự án, quy trình thanh toán bằng quỹ đất cho dự án BT theo nghị quyết số 98.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận