07/10/2017 20:57 GMT+7

Những đòi hỏi với 'ông chủ mới' của Hãng phim Truyện Việt Nam

Đạo diễn LÊ ĐỨC TIẾN
Đạo diễn LÊ ĐỨC TIẾN

TTO - Sau khi có thông tin sẽ thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS), Tuổi Trẻ Online nhận được thư của đạo diễn Lê Đức Tiến, từng là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng.

Dưới đây là nội dung bức thư:

Điện ảnh Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Khán giả liên tục được xem phim mới ra rạp. Vài chục kênh truyền hình trung ương và địa phương sản xuất vài nghìn tập phim mỗi năm.

Ngay cả một công ty phim tư nhân trung bình cũng có thể sản xuất vài phim chiếu rạp, cả trăm tập phim truyền hình/năm.

Trong khi đó, "ông chủ mới" VFS chỉ "khiêm tốn" đặt chỉ tiêu sản xuất 1 phim điện ảnh và 1 phim truyền hình/năm. Với chỉ tiêu này, không hiểu làm cách nào công ty đảm bảo cam kết 90% doanh thu hàng năm là từ sản xuất phim?

Với kế hoạch này, công ty lấy đâu ra công ăn việc làm cho 80 cán bộ - nghệ sĩ của hãng?

Hãng phim truyện Việt Nam: NSND Trà Giang đau xót

TTO - 'Không biết với người khác thế nào chứ với tôi Hãng phim truyện Việt Nam rất thiêng liêng. Hãng luôn ở trong trái tim tôi. Nghe tin về Hãng lòng tôi vô cùng đau xót' NSND Trà Giang tâm sự.

Qua lời lẽ của lãnh đạo mới khi tiếp xúc với cán bộ, nhân viên của VFS (đã được báo chí đăng tải), người làm nghề và công chúng yêu điện ảnh không khỏi ngỡ ngàng.

Lãnh đạo hãng liên tục đổ lỗi cho người lao động "không chịu đến cơ quan làm việc, vẫn nhận lương đều", "có người 3 năm chưa lên cơ quan và cũng không có sản phẩm gì"…

Trong khi thực tế, nhiều năm qua, Ban Giám đốc cũ của VFS trả lương, cắt lương tùy tiện. Có tháng chỉ trả 500.000đ/người, vi phạm nghiêm trọng Luật lao động, Luật Doanh nghiệp.

Đội ngũ cán bộ - nghệ sĩ VFS lâu nay chẳng ai sống bằng đồng lương (vốn đã thấp trong ngành văn hóa), mà sống bằng cách ra ngoài làm phim. Nhiều người phải làm thêm, nhiều người chuyển cơ quan, hoặc bỏ nghề.

Những đòi hỏi với ông chủ mới của Hãng phim Truyện Việt Nam - Ảnh 2.

Poster một số bộ phim nổi tiếng một thời của điện ảnh Việt Nam nằm trong kho của Hãng phim truyện (VFS) ở số 4 Thụy Khê (Hà Nội) - Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Do đó, khi biết VFS sẽ được cổ phần, cán bộ, nhân viên của VFS hi vọng Ban lãnh đạo mới của hãng ít nhất sẽ triển khai được những việc tối thiểu như sau:

1. Gặp gỡ cán bộ - nghệ sĩ bàn về các dự án phim mới, và thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thực hiện các ý tưởng của mình,

2. Định hướng sản xuất phim với các dòng phim chủ đạo của hãng, đặc biệt chú trọng sản xuất phim chiếu rạp nhằm chiếm lĩnh thị trường.

3. Định hướng đề tài cho các đội ngũ sáng tác, bao gồm các dòng phim: phim truyền thống, phim nghệ thuật, phim thương mại. Đẩy mạnh hợp tác làm phim với các đối tác trong và ngoài nước.

4. Mở hướng sản xuất phim cho các đài truyền hình.

5. Mở rộng các hình thức kinh doanh điện ảnh khác.

6. Đầu tư, tạm ứng cho đạo diễn, biên kịch đi sáng tác viết kịch bản.

Khi ban lãnh đạo mới tự xưng là "ông chủ", tuyên bố "không thiếu tiền", cán bộ - nghệ sĩ có quyền đòi hỏi "ông chủ" mới phải thực hiện những cam kết của mình.

Đòi hỏi của cán bộ, nhân viên của VFS về việc công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa, cổ đông chiến lược phải thực hiện đúng cam kết là đòi hỏi chính đáng.

Điều sống còn đối với hãng phim là sản xuất phim thì không thấy ban lãnh đạo mới bàn, mà chỉ bàn loanh quanh chuyện trả lương

Đạo diễn Lê Đức Tiến

Về định hướng thời gian tới, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIVASO (công ty mẹ của VFS) cho biết ông sẽ cho đập toàn bộ dãy nhà bên ngoài của VFS, và có thể sẽ xây dựng rạp chiếu phim.

Không hiểu ban lãnh đạo mới đã tìm hiểu xem địa chỉ số 4 Thụy Khuê của VFS có nằm trong quy hoạch của Chính phủ và thành phố Hà Nội hay không, có được phép xây dựng hay không? Nhất là khi khu đất này chỉ là đất thuê?

"Sáng kiến" xây rạp chiếu phim của VIVASO, người ta đã triển khai từ nhiều năm trước. 

Hiện nay Hà Nội đã tràn ngập các cụm rạp chiếu phim của các thương hiệu nổi tiếng: Lotte, CGV, Platinum Cineplex, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, BHD, Galaxy… Không hiểu VIVASO xây thêm rạp chiếu thì sẽ cạnh tranh thế nào?

Trong một hãng phim, đạo diễn là những "ông vua", cùng với các thành phần sáng tác như biên kịch, quay phim, hóa trang, phục trang… mới là những người chủ thực sự của hãng phim.

Những đòi hỏi với ông chủ mới của Hãng phim Truyện Việt Nam - Ảnh 4.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 16-9, các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam bày tỏ sự bất bình, cho rằng sau 2 tháng cổ phần, cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng. Từ trái qua: NSND Minh Châu; NSƯT, đạo diễn Vũ Xuân Hưng, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn - Ảnh: NGỌC DIỆP

Trách nhiệm của người quản lý là làm tròn bổn phận "bà đỡ" cho những tác phẩm ra đời. Người lãnh đạo có tầm văn hóa là người biết trân trọng, nâng niu để nghệ sĩ thực hiện những ý tưởng của mình.

Tiền rất quan trọng, nhưng đừng đề cập tới nó một cách thô bạo trước mặt nghệ sĩ. Còn phương thức trả lương ra sao, xin đừng "cân nhắc, trăn trở" một cách đối phó với nghệ sĩ, vì nếu có trả 100% như bình thường thì vẫn quá ít ỏi so với lao động chất xám trong nghệ thuật.

Đạo diễn Lê Đức Tiến

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương và bước đi đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Qua thực tế quá trình cổ phần hóa VFS, nên chăng bổ sung một điều kiện tiên quyết: Lãnh đạo Văn hóa - Nghệ thuật phải có tầm văn hóa.

Các cấp lãnh đạo hãy trả lại niềm tin cho số đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ của VFS, cái nôi của Điện ảnh cách mạng nước nhà. 

Hãy đem mang lại sự hào hứng, phấn khởi, tin tưởng của nghệ sĩ đối với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ về Văn hóa - Văn nghệ, coi "Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội".

Hà Nội, ngày 6-10-2017

Đạo diễn LÊ ĐỨC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên