Những điều mắt thấy tai nghe

NGUYỄN PHƯƠNG MAI 27/08/2012 08:08 GMT+7

TTCT - 35 tuổi, Nguyễn Phương Mai đã đặt chân đến gần 80 quốc gia, phần lớn trong số đó vì niềm đam mê khám phá, trải nghiệm và một phần cũng hỗ trợ công việc giảng dạy và nghiên cứu của chị về đàm phán đa văn hóa tại trường ĐH ở Hà Lan. Tuổi Trẻ Cuối Tuần nối mạng với Phương Mai khi chị đang trên hành trình đi dọc 20 quốc gia Hồi giáo.

 

Nhà tiên tri Mohammad nhìn thấy Damascus lần đầu tiên từ trên núi cao, đã từ chối bước chân vào thành phố vì “chỉ muốn đến thiên đường một lần duy nhất trong đời”. Thiên đường hôm nay trong bức ảnh tôi chụp là hàng triệu thùng chứa nước và chảo tivi (*) - Ảnh: N.P.M.


Là "trường hợp khẩn cấp" ở Saudi arabia

* Phương Mai hiện ở đâu? Sức khỏe tốt không? Hành trình đang đến giai đoạn nào rồi?


Trước hành trình, Nguyễn Phương Mai là tiến sĩ, giảng viên ngành đàm phán đa văn hóa tại khoa kinh tế ĐH Khoa học ứng dụng Amsterdam. Hiện nay ngoài công việc giảng dạy, chị thiết kế các khóa huấn luyện về văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng quản lý trong môi trường đa văn hóa.

- Tôi vừa rời khỏi Morocco, là điểm tận cùng của châu Phi nơi xưa kia, và là nơi mà trước khi Colombus tìm ra châu Mỹ thì ai cũng nghĩ là điểm tận cùng của thế giới.


Hơn 1.400 năm trước, Hồi giáo được sinh ra ở Mecca. Chuyến đi này bản chất là tìm hiểu con đường phát triển của Hồi giáo, bắt đầu từ Saudi Arabia - nơi Hồi giáo khởi phát, tỏa ra hướng tây tới tận Morocco và hướng đông tới tận Ấn Độ. 

Những chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tôi sẽ đến đúng thành phố đó. Nối các trận chinh chiến lớn với nhau sẽ tạo ra hai cánh cung lớn từ Trung Đông vượt qua châu Âu, tỏa ra hai hướng châu Phi và châu Á. 

Đây chính là Islam Pan - dải đất khổng lồ vắt ngang ba lục địa từng được coi là hợp chủng quốc tôn giáo đầu tiên và duy nhất của loài người.

Đến thời điểm này, cuộc hành trình của tôi đã được đúng một nửa, tức đã hoàn thành cánh cung sang phía tây. Hoàn thành được một nửa chặng đường, tôi thấy vui vì mình còn nguyên vẹn, không rách rời, không chắp vá, dù phần lớn những đất nước đặt chân qua đang có nội chiến hoặc đảo chính.

* Cho đến giờ, khó khăn hay cản trở trong chuyến đi của chị là gì?

- Chuyến đi của tôi diễn ra đúng lúc những đất nước trên bản đồ hành trình đều đang biến động, ít thì biểu tình hoặc trong tình trạng vô chính phủ, nhiều thì đổ máu và trong tình trạng chiến tranh. 

Vì vậy những kế hoạch của tôi thay đổi liên tục, nhiều đến mức sách lược sáng suốt nhất cuối cùng đã trở thành: "Đi đến đâu tính đến đấy! Được đến đâu hay đến đấy".

Những khó khăn cản trở thì chỉ có hai chuyên mục chính. Vấn đề đầu tiên là "tiền đâu"? Tôi nhịn ăn nhịn tiêu, sống tằn tiện "vắt cổ chày ra nước" suốt cả năm để dành tiền cho chuyến đi này, nhưng tài khoản giờ cũng đã âm gần kịch nút rồi. Nếu trên đường không có bạn bè dang tay tiếp đón và nuôi ăn nuôi uống thì chắc tôi "tỏi" lâu rồi. Người Trung Đông hiếu khách lắm.


Hai cô gái Syria này nhìn thấy tôi bước ra từ phòng khách sạn thì rất vui mừng, chủ động làm quen và mời chụp ảnh


Vấn đề trở ngại thứ hai là xin thị thực nhập cảnh Saudi Arabia. Tôi đã nộp đơn xin visa từ cách đây tận hai năm mà họ cứ hứa hẹn rồi lờ đi. Đất nước đóng cửa hoàn toàn, không cho phép cả khách du lịch vào thăm. Họ nhiều dầu lửa và giàu có đến mức có thể xây một bức tường toàn bằng vàng cao 1m bao quanh làm biên giới.

 Tôi đành bắt đầu chuyến đi bằng cách chuyển máy bay ở Saudi Arabia và chỉ dừng chân ở sân bay có hai giờ. Thế mà cũng có khối chuyện xảy ra do quốc gia này không cho phép phụ nữ đi ra ngoài một mình, thế nên tự dưng khi có một cô oắt con đi hẳn... máy bay xuyên quốc gia một mình đương nhiên sẽ thành một "ca" cần quan tâm.

 Trong suốt quá trình chuyển từ cổng máy bay này sang cổng máy bay kia, tôi được hộ tống bởi cả thảy năm nam nhân viên hải quan trên hai xe buýt (một mình một xe) đầu xe ghi rõ: "Đặc biệt khẩn cấp!". Nhưng tôi sẽ tiếp tục nộp đơn xin visa vào đây. Tôi không tin Saudi Arabia chỉ toàn những điều trở ngại. Chưa được mắt thấy tai nghe thì tôi vẫn không tin.

* Vì sao chị lại quyết định thực hiện hành trình này?

- Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy mình có dấu hiệu chán sống nên quyết định xin nghỉ việc (lần thứ hai) để đi thay đổi không khí. Nhìn trên bản đồ thấy chỉ còn mỗi Trung Đông và Đông Âu là chưa đặt chân tới nên tôi khoanh vùng hai lựa chọn này. Tiếp theo, tôi nhẩm tính thấy Putin và Nga có vẻ không "hot" như Trung Đông nên quyết định mua vé nhằm miền đất này thẳng tiến.


Ði, nên có cái nhìn khách quan hơn

* Chị vừa đến Syria - điểm nóng của thế giới hiện nay. Cảm nhận của chị?


“Nếu coi tiền là một yếu tố để phán đoán sự thành công thì tôi là kẻ thất bại hoàn toàn. Vào thời điểm này, tôi không nhà (nhà thuê trả chủ rồi), không việc làm (bỏ việc rồi còn đâu), không xu dính túi (tài khoản thậm chí còn âm)”

- Tôi đặt chân đến Syria gần như một sự tình cờ. Số là lúc đó tôi đang ở rất gần biên giới Syria nên nhân một cuộc đi chơi đánh bạo ghé vào hải quan hỏi han tình hình chiến sự xem có nên liều chết dấn thân vào cái nơi mà bạn bè ở Lebanon bảo là "nếu đi họ làm luôn đám ma tiễn chân".
Sau khi hỏi han qua loa và kiểm tra trên mạng để chắc tôi không phải là phóng viên, họ thông báo "nếu cô thích thì xin mời! Visa của cô đây". Tôi sung sướng đến thành hoang mang. Một cái chép miệng và thế là tôi đặt chân vào Syria đang nội chiến với một đôi dép xỏ ngón, một bộ quần áo trên người, một xắc tay bé tí đựng máy ảnh và 400 đôla.


Tất cả thành phố tôi dừng chân là Damascus, Aleppo và Palmyra đều không khác ngày thường. Điều khác là sự lo lắng lặn sâu trong ý nghĩ của mỗi người dân. 

Ai cũng băn khoăn vì thông tin nhiều chiều nhiễu loạn. Hình ảnh khá thường xuyên là bạn tôi chĩa điều khiển vào màn hình tivi bấm hết kênh này đến kênh khác vì không biết tin vào ai.

Nghe đài đọc báo, phần lớn chúng ta có ấn tượng rằng người dân Syria ai cũng ghét Tổng thống Assad. Sự thật phức tạp hơn nhiều. Gần như một nửa dân Syria ủng hộ hoặc tuy không ủng hộ nhưng cho rằng ông là một lựa chọn an toàn hơn so với quân nổi dậy dòng Hồi giáo Sunni cực đoan. 

Rất nhiều cửa hàng cửa hiệu trưng ảnh Assad dù họ biết rằng công khai ủng hộ tổng thống sẽ làm giảm nguồn thu hoặc thậm chí bị ám hại.

Tôi may mắn được ở nhờ gia đình của hai người bạn từ hai chiến tuyến, một ủng hộ chính phủ và một căm thù chính phủ khiến tôi có cái nhìn khách quan hơn về cuộc chiến.

* Những cảm nhận ấn tượng nhất của chị về Trung Ðông đến thời điểm này?

- Bất ngờ nhất: trào lưu các bạn trẻ tự nguyện quay về các giá trị truyền thống, thậm chí truyền thống đến mức cực đoan của tôn giáo. Tại Tunisia tôi gặp Aisha, 17 tuổi, người đã quyết định thay đổi hoàn toàn tủ quần áo của mình và chỉ mặc toàn áo choàng đen, đội khăn trùm đầu màu đen. Đối với Aisha, "mùa xuân Ả Rập" có nghĩa là sự tự do được thực hiện niềm tin tôn giáo của mình.

Nhớ nhất: lần bị giật túi xách ở thủ đô Damascus. Người giật đồ là một thanh niên nhập cư từ Lebanon. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phiên tòa nhân dân vừa nhân văn vừa hãi hùng. Trong khi những tách trà liên tục được rót đầy cho người tham dự, kẻ tội đồ bị những người dân thẩm vấn, tra khảo, thậm chí làm nhục. Anh ta bị ép quỳ gối xin lỗi tôi, hôn chân tôi.

Tuy nhiên, những người dân cuối cùng thống nhất không đưa hắn lên trình báo cảnh sát vì điều đó cũng có nghĩa là vài năm tù giam và bị tống cổ về nước. Những bức ảnh chụp bằng điện thoại của kẻ giật đồ sau đó được in ra và treo khắp phố.

Buồn nhất: sức nặng của trinh tiết đè lên vai những phụ nữ trẻ. Ở một số xã hội Trung Đông như Yemen hay Morocco, chữ trinh của cô dâu là phẩm hạnh của cả gia đình và dòng họ. 

Tôi từng dự một đám cưới theo kiểu truyền thống, tức là vào đêm thứ hai của cuộc vui, tất cả họ hàng khách khứa ngồi chờ... cô dâu chú rể động phòng. Cho đến khi chiếc khăn thấm máu trinh của cô dâu được đưa ra, họ vỗ tay vang lừng và những người đàn ông... bắn súng AK lên trời.


Một chủ tiệm công khai bày tỏ sự ủng hộ chính quyền Assad - Ảnh: N.P.M.


* Chị từng nói là nhờ đi nhiều khiến chị ít dám chê bai VN hơn. Vì sao vậy?

- Đi nhiều, so sánh nhiều dẫn đến muốn phê và tự phê là điều dễ hiểu, và cần phải có để phát triển. Nhưng tuyệt nhiên tôi không còn dám chê bai kiểu: "Chỉ có ở VN mới thế này thế nọ". Tại sao? Bởi đa số vấn đề mà VN cần chê bai nước nào cũng có, chỉ là có nhiều hay ít, hoặc tồn tại dưới hình thù khác khó nhận ra.

Rất nhiều điều tự phê xuất phát từ sự tự ti dân tộc (VN mình làm cái gì cũng kém) hoặc thiếu cái nhìn toàn cảnh (chỉ có ở VN mới thế). Nhiều nước có quá khứ bị đô hộ cùng chia sẻ điểm yếu này ở châu Phi, Trung Mỹ, thậm chí cả nền kinh tế đang lên Ấn Độ. Ngạn ngữ Anh có câu: cỏ bên đồi nhà láng giềng bao giờ cũng xanh hơn. Phê và tự phê là điều tốt, sợ nhất là thành AQ.

* Cảm ơn chị và chúc chị hoàn tất mãn nguyện chuyến đi.

KHỔNG LOAN thực hiện

___________


(*): Các chú thích ảnh trong bài là của Nguyễn Phương Mai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận