Olympic Paris 2024 diễn ra chính thức từ ngày 26-7 đến ngày 11-8 với 329 nội dung thi đấu ở 32 môn thể thao và hơn 10.700 vận động viên (VĐV) tranh tài.
Nhiều tranh cãi
Tròn 100 năm, ngọn đuốc Olympic mới lại được rước đến "kinh đô ánh sáng" Paris - nơi từng hai lần đăng cai Thế vận hội mùa hè trước đây. Đây cũng là lần đầu Olympic trở lại châu Âu, kể từ London 2012.
Có rất nhiều giá trị đáng chờ đợi khi Thế vận hội mùa hè diễn ra ở một cường quốc giàu truyền thống như vậy. Nhưng thời gian qua, chờ đợi Olympic Paris 2024 lại là các tranh cãi.
Suốt khoảng 1 tháng gần đây, mỗi ngày người hâm mộ lại đọc được ít nhất một thông tin trái chiều liên quan Olympic. Từ mức độ ô nhiễm của sông Seine, các vấn đề chính trị xã hội, sự chia rẽ của các quốc gia châu Âu, những tranh cãi sắc tộc, cho đến cả công tác tổ chức của nước chủ nhà...
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) gần như cấm sạch các VĐV Nga khỏi Olympic vì cuộc chiến Nga - Ukraine. Ở Olympic Tokyo 2020, dù người Nga chịu án cấm của Cơ quan phòng chống doping thế giới, nhưng hầu hết các VĐV của họ vẫn tham dự dưới màu cờ trung lập. Có đến 335 VĐV Nga thi đấu trên đất Nhật, mang về 20 HCV, 28 HCB và 23 HCĐ - thành tích còn tốt hơn cả Olympic 2016.
Nhưng tại Olympic Paris 2024, chỉ có 15 VĐV Nga được IOC cho phép tham dự. Với 7 trong số đó là ở quần vợt, 3 ở chèo thuyền, 3 ở xe đạp, 1 ở thể dục (trampoline) và 1 ở bơi lội. Người Nga xem như sạch bóng ở các môn thể thao sở trường nhất của họ là điền kinh, vật, bắn súng, boxing, thể dục dụng cụ...
Bóng đá là môn thể thao mở màn Olympic, với loạt trận đầu tiên của môn bóng đá nam diễn ra vào tối 24-7. Và rồi cũng ở môn thể thao vua, khung cảnh hỗn loạn của Olympic được vẽ ra. Người hâm mộ Morocco tràn xuống sân gây bạo loạn sau bàn gỡ hòa của Olympic Argentina ở phút bù giờ quá dài cuối hiệp hai, khiến trận đấu bị tạm dừng 2 giờ đồng hồ.
Cội nguồn của vụ việc đến từ mối quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Argentina trong 2 năm qua. Đó là một mối mâu thuẫn điển hình của các vấn đề sắc tộc và vùng miền. Ở châu Âu lúc này, những mâu thuẫn như vậy là không thể đong đếm. Và lịch sử của Olympic luôn thấm đẫm những căng thẳng mang màu sắc tương tự.
Kỳ Olympic tiết kiệm
Ngay từ thời điểm chạy đua đăng cai, Pháp đã cam đoan về một kỳ Olympic hứa hẹn. Kinh phí dự kiến ban đầu khoảng 5 tỉ USD và sau đó tăng lên 9,7 tỉ USD. Trong quá khứ, chuyện các kỳ Olympic bị đội kinh phí gấp đôi, gấp ba là khá bình thường.
Dù vậy, Olympic Paris 2024 vẫn tiết kiệm hơn nhiều so với ba kỳ Olympic gần nhất là London 2012 (16,8 tỉ USD), Rio de Janeiro 2016 (23,6 tỉ USD) và Tokyo 2020 (13,7 tỉ USD).
Nhưng mặt khác, con số ngân sách của Paris 2024 chưa tính đến khoản chi phí 1,5 tỉ USD để làm sạch sông Seine.
Nhưng cũng đầy hứa hẹn
Nhưng trên tất cả, ngọn đuốc của Olympic có thể sẽ xua tan những nỗi lo, những cơn phiền muộn. Olympic mở màn với những tranh cãi, nhưng cũng đầy hứa hẹn về một kỳ Thế vận hội hiện đại, giàu tính chuyên môn và tràn ngập sắc màu.
Có thể kể như từ lễ khai mạc, chủ nhà Pháp đã mang đến bầu không khí háo hức khi quyết định tổ chức trên sông Seine. Đây là lần đầu tiên có một lễ khai mạc Olympic được tổ chức bên ngoài sân vận động, lại được tổ chức trên sông Seine là một biểu tượng của nước Pháp, thu hút sự quan tâm lớn với sự sáng tạo và độc đáo này. Thách thức là vô cùng lớn, nhưng tính thẩm mỹ thực sự khiến ai cũng phấn khích.
Trong hai kỳ Olympic gần nhất ở Brazil và Nhật Bản, những vụ tranh cãi ồn ào cũng nổ ra trước thềm khai mạc. Tại Olympic Rio de Janeiro 2016, những cuộc biểu tình liên miên khiến nhiều người lo ngại đây là một kỳ Olympic chìm ngập trong hỗn loạn. Còn tại Tokyo 2020, đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới phải phập phồng lo ngại.
Nhưng rồi khi ngọn đuốc được thắp lên, mọi nỗi lo cũng qua đi.
Các nước chủ nhà Olympic thường đầu tư rất nhiều cho công tác an ninh. Và họ đủ sức đảm bảo an toàn trong khoảng thời gian tổ chức kéo dài 2 tuần lễ. Trong khi đó, mọi lời ra tiếng vào cũng giảm bớt để nhường chỗ cho các cuộc đấu sôi động.
London 2012 được xem là kỳ Thế vận hội mang tính biểu tượng, khi mọi cuộc đấu diễn ra suôn sẻ và nước chủ nhà không tốn quá nhiều kinh phí. Các nước châu Âu có cơ sở vật chất hiện đại, cùng kinh nghiệm tổ chức những sự kiện thể thao đỉnh cao rất phong phú. Nó mang đến sự đảm bảo rõ rệt cho một kỳ Thế vận hội.
Thêm vào đó, sự vắng mặt của các VĐV Nga hứa hẹn sẽ giúp các nền thể thao trung bình khá có thêm nhiều cơ hội tranh chấp huy chương. Và điều này hứa hẹn tăng tính hấp dẫn cho Paris 2024.
Khi ngọn đuốc được thắp lên, ánh sáng từ Olympic có thể sẽ tạm xua tan mọi bất ổn về xã hội, những tranh cãi màu da, để nhường chỗ cho tinh thần thượng võ và thế giới đổ dồn mắt về theo dõi xem Olympic Paris có gì lạ.
Lễ khai mạc mới lạ chưa từng có
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 sẽ có nhiều điểm mới lạ, chưa từng có tại các kỳ Thế vận hội trước đây. Sự kiện này sẽ bắt đầu lúc 0h30 ngày 27-7 (giờ Việt Nam) và dự kiến kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.
Lễ khai mạc chưa từng có
Đặc biệt đây sẽ kỳ Olympic đầu tiên mà lễ khai mạc không được tổ chức bên trong một sân vận động. Thay vào đó, các tiết mục văn nghệ và diễu hành sẽ diễn ra dọc dòng sông Seine và đi qua nhiều địa danh nổi tiếng của thủ đô Paris.
Trên trang chủ của Olympic, cây cầu Austerlitz kế bên Vườn bách thảo Paris (Jardin des Plantes) sẽ là điểm khởi hành của lễ khai mạc. Từ đó, đoàn diễu hành sẽ trải qua hành trình khoảng 6km qua những điểm nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà Paris, Bảo tàng Louvre cũng như một số nhà thi đấu dùng cho Olympic như Esplanade des Invalides, Grand Palais.
Tiếp đến sẽ là sự xuất hiện của các đoàn thể thao trên những chiếc thuyền. Các VĐV sẽ đi đến khu vực đối diện Quảng trường Trocadero, chiêm ngưỡng Tháp Eiffel. Cuối cùng là tiết mục truyền thống rước đuốc và thắp đuốc Olympic.
Ban tổ chức đã chuẩn bị khoảng 100 chiếc thuyền để phục vụ cho việc chuyên chở 10.500 VĐV tham dự lễ khai mạc. Các máy quay cũng được đặt trên những chiếc thuyền này để người xem có thể theo dõi hoạt động của VĐV.
Với những thông tin mà ban tổ chức cung cấp, có thể thấy đây là lễ khai mạc hoành tráng và đặc biệt, chưa từng có ở các kỳ Olympic trước đây.
Nghệ sĩ nào sẽ biểu diễn?
Một trong những phần được trông đợi nhất tại các lễ khai mạc Olympic là tiết mục văn nghệ. Dĩ nhiên người xem trông chờ sẽ được thấy những nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn những ca khúc nhằm tăng sự sôi động cho lễ khai mạc.
Tuy nhiên, đây lại là thông tin mà ban tổ chức không tiết lộ. Do đó báo chí và người xem chỉ có thể đưa ra phỏng đoán. Cách đây ít ngày, hai nữ ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga và Celine Dion được phát hiện đã đến Paris và có khả năng tham gia biểu diễn ở lễ khai mạc. Những nghệ sĩ Pháp như Aya Nakamura, Christine và The Queens cũng nằm trong danh sách được chờ đợi.
Trước mắt, ban tổ chức chỉ cho biết rapper người Mỹ Snoop Doog sẽ có mặt tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 nhưng với vai trò rước đuốc chứ không phải biểu diễn. Với việc giấu kín các tiết mục tại lễ khai mạc, người hâm mộ đang chờ đợi những bất ngờ thú vị sẽ diễn ra dọc dòng sông Seine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận