Bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Theo Bộ Y tế, báo cáo của các địa phương trên cả nước tính đến ngày 11-7 ghi nhận hơn 103.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu chuyển nặng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
5 dấu hiệu phải lưu ý
Tại TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết không ngừng tăng, hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận hơn 24.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố vẫn đang có xu hướng gia tăng trong tuần 27 của năm 2022 (từ ngày 1 đến ngày 7-7) là 2.834 ca.
Trong tuần thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân (TP.HCM), nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở TP.HCM lên 13 trường hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Thành Úc - nguyên phó khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, có 40 năm kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết - cho biết nếu người bệnh sốt xuất huyết có 1 trong 5 dấu hiệu chuyển nặng dưới đây cần phải nhập viện để điều trị kịp thời:
1- Dấu hiệu thần kinh (người lừ đừ, bứt rứt).
2 - Nôn ói nhiều (nửa tiếng nôn 2 lần trở lên).
3- Đau bụng nhiều (đau theo cơn, phía hạ sườn phải).
4- Người bệnh bị sốt xuất huyết (bị chảy máu cam, máu răng).
5- Cơ thể mát.
Các dấu hiệu chuyển nặng này bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, bệnh nhân sẽ không sốt mà bước vào sốc, sốt xuất huyết, rối loạn nội tạng.
Thời gian tử vong trong vòng 6 tiếng khi bước vào giai đoạn sốc nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Thành Úc cho biết phía nhân viên y tế tại các cơ sở y tế có 3 bài học chính đó là: chẩn đoán sớm, điều trị đúng, theo dõi sát.
Trong mùa dịch, tất cả các trường hợp sốt nên nghĩ đến sốt xuất huyết, khi loại trừ được sốt do sốt xuất huyết mới tính đến các bệnh khác như COVID-19, cúm...
Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân có thể tử vong.
Diệt lăng quăng và diệt muỗi là những việc cần làm ngay trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết - Ảnh: NGỌC LOAN
Không tiêm, truyền dịch khi đang sốt xuất huyết
TS Nguyễn Minh Tuấn - trưởng khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết năm nay đúng chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết, khi trẻ mắc sốt từ 2 ngày trở nên phải đưa đến khám tại các cơ sở y tế để đánh giá xem có phải sốt xuất huyết không, để kịp thời theo dõi mỗi ngày.
Những dấu hiệu nhận biết trẻ em bị sốt xuất huyết, trẻ chuyển nặng như: đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn nhiều, lừ đừ, bứt rứt, vật vã, sốt xuất huyết bất thường ở da, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, xuất huyết âm đạo (trẻ gái)...
Theo bác sĩ Tuấn, các dấu hiệu nặng trên thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, nếu có các dấu hiệu trên phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất. Nếu sức khỏe của trẻ diễn biến tốt, hết sốt tình trạng khá hơn trẻ sẽ tự khỏi bệnh, nhưng phụ huynh chú ý phải theo dõi trẻ kỹ hơn mỗi ngày để đánh giá, nhập viện điều trị kịp thời.
"Không được tự ý tiêm, truyền dịch ở những tuyến trước, những trẻ mới sốt 1 đến 2 ngày đầu, chưa có dấu hiệu chuyển nặng, việc tiêm, truyền dịch rất nguy hiểm, phải có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh nhân giai đoạn sốt cấp tính (sốt nhưng chưa có dấu hiệu chuyển nặng) cũng cần được xem xét nhập viện nếu thuộc một trong các tình huống sau: sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi trên hoặc bằng 60 tuổi; người có các bệnh mãn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường...).
Sốt xuất huyết có mấy giai đoạn?
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - cho biết bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ em thường diễn tiến qua 3 giai đoạn, trung bình 7 ngày.
Cụ thể:
* Giai đoạn sốt (ngày 1-3): Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40OC đột ngột, kèm đau nhức đầu, toàn thân, mỏi cơ, buồn nôn, chán ăn. Uống thuốc hạ sốt khó giảm.
* Giai đoạn hết sốt (ngày 3-6, nhiều nhất là ngày 4-5): Triệu chứng sốt giảm hẳn, phần lớn người bệnh thấy dễ chịu hơn, giảm đau nhức. Khoảng 10-20% cảm thấy hết sốt nhưng người mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn là chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi cầu ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của vào sốc. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong.
* Giai đoạn hồi phục (sau ngày 6-7): Nếu trước đó không vào sốc, người bệnh sẽ hết sốt hoàn toàn, không còn mệt mỏi, đau bụng, ăn ngon miệng hơn, da có thể ngứa và nổi mảng đỏ hồi phục. Qua được 7 ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận