09/11/2016 16:11 GMT+7

​Những điều chưa biết về tuổi thọ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Người già rất giàu kinh nghiệm sống và là điểm tựa tinh thần cho con cháu, song cơ thể của họ lại chịu sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian.

Vì vậy, hiểu biết về tuổi già sẽ giúp chúng ta luôn có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. 

Tiến trình lão hóa qua từng giai đoạn

Tuổi già không phải là một căn bệnh nhưng con người lại có thể can thiệp để làm chậm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thọ sinh học. Hay hiểu đơn giản hơn, tuổi già là một quá trình “biện chứng”, vì vậy mới có câu “sinh, lão, bệnh, tử” để nói về chu trình cuộc đời con người. Nếu biết cách lão hóa thông minh qua từng giai đoạn, con người sẽ kéo dài được tuổi thọ.

- Độ tuổi từ 20 - 30: Đây là khoảng thời gian cơ thể phát triển mạnh mẽ. Sự trao đổi chất và chức năng sinh học của cơ thể hoạt động tối đa. Ở đàn ông, cơ thể sản xuất rất nhiều hoóc môn sinh dục testosterone từ 17 đến 26 tuổi, sau đó có khuynh hướng giảm dần. Từ giữa giai đoạn này, não bắt đầu suy thoái về chất lượng, và co lại dần khoảng 2% mỗi thập kỷ. Qua độ tuổi 25, sức mạnh cơ bắp bắt đầu suy giảm mà con người khó nhận thấy.

- Độ tuổi từ 30 - 40: Những dấu hiệu của tuổi già bắt đầu xuất hiện, trước tiên là lớp da bắt đầu mảnh, có vài nếp nhăn. Từ 37 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm. Đối với phái nam, chứng hói đầu phát triển (nếu có di truyền).

- Độ tuổi từ 40 - 50: Sự trao đổi chất chậm dần và ở nhiều người cuộc chiến chống béo phì thực sự bắt đầu: vòng eo, bắp đùi có dấu hiệu nở ra. Nếu không tập thể dục, sức chứa của buồng phổi và tim có thể giảm tới 10%.

- Độ tuổi từ 50 - 60: Đối với phụ nữ, mật độ estrogen giảm hẳn và thời kỳ mãn kinh bắt đầu. Ở độ tuổi này, cứ 5 phụ nữ thì có một người bị chứng loãng xương do thiếu canxi. Đối với đàn ông, cơ bắp bắt đầu teo dần, da chùng lại và có khuynh hướng mau mất sức trong lao động.

- Độ tuổi từ 60 - 100: Giai đoạn này các cụ hay bị mất ngủ, hệ miễn dịch yếu dần. Sau 65 tuổi, căn bệnh Alzheimer có nhiều cơ hội phát triển. Da mặt không còn độ đàn hồi, tạo ra chỗ trũng trên khuôn mặt, hốc cổ.

Bí quyết để có tuổi già khỏe mạnh

Lão hóa là một quá trình tất yếu và tốc độ hóa già của cơ thể chủ yếu được xác định bởi kiểu gene. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta biết duy trì thường xuyên một số nguyên tắc thì có thể làm chậm quá trình già hóa của cơ thể.

- Kiểm soát stress: Sự không thành đạt trong nghề nghiệp, sự ra đi của người thân, mâu thuẫn trong gia đình hoặc nơi làm việc, vấn đề về con cái... là những yếu tố thường xuyên tồn tại trong cuộc sống và gây nên trạng thái stress (căng thẳng thần kinh, tâm lý). Đây là một tác nhân mạnh mẽ của sự lão hóa. Muốn làm chậm lại quá trình lão hóa sinh học thì phải biết kiểm soát stress, không để cơ thể rơi vào trạng thái stress trong thời gian dài. Những người sống thọ và khỏe mạnh thường có tính cách sống ôn hòa, lạc quan, quan tâm đến mọi người và tương lai.

- Dinh dưỡng hợp lý: Mối tương quan giữa cân nặng và tuổi thọ vẫn còn chưa được làm sáng tỏ nhưng chúng ta đã biết, thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Đó là những căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Chế độ ăn để phòng ngừa các bệnh này đòi hỏi hạn chế chất béo, chất đường và muối ăn. Ăn đủ chất đạm, giảm lượng calo trong ngày và cung cấp thỏa đáng các vitamin và muối khoáng. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý làm giảm trung bình 6 - 10 năm tuổi thọ.

- Hạn chế các thói quen có hại: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc uống rượu, bia, hút thuốc, sử dụng các chất ma túy... làm tăng tốc độ già hóa các cơ quan trong cơ thể, mặc dù hậu quả không biểu hiện ngay lập tức và chúng ta ít khi cảm nhận được. Theo tính toán, những người nghiện thuốc lá bị giảm tuổi thọ 8 - 9 năm; nghiện rượu giảm 10 – 15 năm.

- Rèn luyện thể lực: Trong khoảng giữa 30 và 70 tuổi, cơ thể chúng ta mất khoảng 30 đến 40% khối lượng cơ bắp. Lúc này, hiệu quả cung cấp máu của tim cũng giảm không dưới 30%. Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm chậm lại những thay đổi này khoảng 20 năm. Nhiều loại hình tập luyện phù hợp với tuổi trung niên và tuổi già như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp (tối thiểu 3 buổi trong một tuần, mỗi buổi từ 30 đến 40 phút).

- Hoạt động trí óc: Duy trì hoạt động trí óc là chìa khóa để giảm tốc độ lão hóa. Nếu đã nghỉ hưu bạn nên đọc sách, học chơi cờ... vào thời gian rỗi để kích thích sự tư duy, phát triển của trí tuệ.

- Hoạt động xã hội: Những người tính tình cởi mở, có quan hệ xã hội rộng, nhiều bạn bè thường ít bị ốm hơn người sống cô đơn, khép kín. Những ai có nhiều người thân, bạn bè sẽ ít bị tác động bởi stress và có nhiều khả năng chịu đựng với các yếu tố gây stress hơn. 

- Đến bác sĩ thường xuyên: Nên đi thăm khám bác sĩ ít nhất một lần trong một năm (người già nên thường xuyên hơn). Ngoài khám lâm sàng, nên làm một số xét nghiệm như: điện tim, siêu âm tổng quát, xét nghiệm đường máu, mỡ máu... để có thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của mình và áp dụng các biện pháp điều chỉnh kịp thời.

- Chăm sóc da: 70% những nếp nhăn trên da là do tác hại của tia cực tím của ánh nắng mặt trời gây ra; những tác hại của nó sẽ bộc lộ sau 15 - 20 năm. Các nhà da liễu đã khuyên mọi người hãy hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, dùng các biện pháp che chắn, đội mũ nón.

Dựa trên các giả thiết về tốc độ già hóa của tế bào, các nhà di truyền học cho rằng, con người có thể sống thọ từ 110 - 120 tuổi. Để sống thọ và sống khỏe mạnh thì ngay từ khi còn trẻ, mỗi người cần xây dựng cho mình một cuộc sống lành mạnh để có sức khỏe thể lực và tâm thần tốt, kìm hãm tốc độ lão hóa của các cơ quan trong cơ thể.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tuổi thọ