Tàu con thoi Crew Dragon được phóng đi từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ) bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 vào sáng sớm 23-4 (chiều 23-4, giờ VN) - Ảnh: REUTERS
Bốn nhà du hành đi trên tàu con thoi Crew Dragon của Tập đoàn Space X gồm cơ trưởng Shane Kimbrough - người Mỹ, phi công Megan McArthur - người Mỹ (bóng hồng duy nhất), chuyên gia Thomas Pesquet - người Pháp và chuyên gia Akihiko Hoshide - người Nhật.
Tàu con thoi được phóng đi từ mũi Canaveral ở bang Florida (Mỹ) sáng sớm 23-4 (vào khoảng 5h49 sáng 23-4 theo giờ Mỹ, tức 16h49 cùng ngày ở Việt Nam) từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida.
Đây là lần thứ hai tên lửa Falcon 9 được sử dụng để đưa các phi hành gia vào vũ trụ, sau lần phóng đầu tiên ngày 16-11 năm ngoái cũng đưa 4 phi hành gia lên ISS.
Tàu sử dụng 9 động cơ tên lửa đẩy Falcon 9 bay đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong 23 giờ và dự kiến đến trạm ISS vào sáng sớm ngày 24-4 theo giờ Mỹ. Các nhà du hành sẽ lưu lại ISS trong 6 tháng.
Ai sống trong vũ trụ lâu nhất?
Thomas Pesquet là người trẻ nhất trong phi hành đoàn (43 tuổi), chỉ mới bay lên ISS một lần nhưng lại ở trên đó đến 196 ngày liên tục (từ ngày 17-11-2016 đến 2-6-2017).
Phi hành đoàn chuyến bay Crew-2 (từ trái sang): Thomas Pesquet, Megan McArthur, Shane Kimbrough và Akihiko Hoshide - Ảnh: AP
Người thứ hai là Shane Kimbrough - thành viên phi hành đoàn lớn tuổi nhất (53 tuổi).
Anh đã sống tổng cộng 189 ngày gồm hai lần lưu trú: 15 ngày trên tàu con thoi Endeavour năm 2008 (chuyến bay STS-126) và thời gian dài trên ISS từ tháng 10-2016 đến tháng 4-2017.
Kỹ sư Aki Hoshide (52 tuổi) đã bay trên tàu con thoi Discovery năm 2008 (chuyến bay STS-124).
Anh đã sống 12 ngày để gắn bộ phận lớn nhất trong ba bộ phận môđun khoa học Kibo vào ISS, sau đó quay lại ISS năm 2012, ở lại 4 tháng.
Cuối cùng, Megan McArthur (49 tuổi) chỉ có 12 ngày và 21 giờ sống trong vũ trụ. Chuyến bay lần này là lần đầu tiên cô khám phá ISS.
Vận chuyển tàu con thoi Crew Dragon và tên lửa đẩy Falcon 9 ra bãi phóng - Ảnh: NASA
Ai là người đi xa nhất?
Megan McArthur - phi công chuyến bay Crew-2 - chỉ bay một lần nhưng đã bay đến độ cao 570km để sửa chữa kính viễn vọng không gian Hubble vào tháng 5-2009.
Trong tổ 7 người trên tàu con thoi Atlantis (chuyến bay STS-125), cô phụ trách điều khiển cánh tay máy của tàu con thoi để tóm lấy Hubble và đưa nó đến gần khoang hàng hóa để sửa chữa.
Vì là người lên độ cao cao nhất nên Megan McArthur còn là người đi nhanh nhất. Để chống lại lực hấp dẫn của Trái đất, tàu con thoi phải đạt tốc độ Mach 26,08.
Điểm khác biệt của cô là trên bộ du hành màu xanh của cô có dán miếng dán số 26, trong khi ba đồng đội chỉ dán miếng dán số 25.
Ai là người ra ngoài nhiều nhất?
Cựu đại tá lục quân Shane Kimbrough là người có kinh nghiệm nhất với 6 lần hoạt động ngoài tàu vũ trụ (EVA), gồm hai lần năm 2008 và bốn lần nữa khi quay lại ISS. Mỗi chuyến ra ngoài kéo dài gần 6 tiếng.
Kế đến là Aki Hoshide đã ra ngoài ba lần.
Trong chuyến ra ngoài thứ tư ngày 12-1-2017, Shane Kimbrough được Thomas Pesquet tháp tùng để lắp đặt pin mới ở vách ngoài ISS. Hai tháng sau, Thomas Pesquet ra ngoài lần thứ hai.
Trong khi đó, Megan McArthur chưa trải qua lần nào.
Hình ảnh mô phỏng tàu con thoi Crew Dragon (phải) bay đến ISS - Ảnh: NASA
Ai có bằng cấp cao nhất?
Megan McArthur có bằng tiến sĩ hải dương học tại Đại học California ở San Diego.
Sau khi kết thúc quá trình học về kỹ thuật, cô hoàn thành chương trình lặn để khám phá hoạt động thám hiểm dưới nước.
Thomas Pesquet và Aki Hoshide đều có bằng kỹ sư hàng không vũ trụ.
Shane Kimbrough đã qua Học viện quân sự West Point, làm phi công trực thăng Apache trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, sau đó lấy bằng thạc sĩ về vận trù học năm 1998.
Chuyến bay lần này có gì khác biệt?
Đầu tiên, chuyến bay lần này cho thấy sự thành công trong quan hệ đối tác công - tư nhằm mục đích thám hiểm không gian
Phi hành đoàn bay lên ISS bằng tàu con thoi Crew Dragon của Tập đoàn SpaceX, do tỉ phú Elon Musk thành lập theo hợp đồng với NASA.
Đây là chuyến bay thứ ba của SpaceX tới ISS, từ khi Mỹ nối lại các chuyến bay có người lái vào vũ trụ hồi tháng 5-2020.
Kế đến, đây là chuyến bay được tiến hành trong thời đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp báo ngày 19-4, Thomas Pesquet tiết lộ: "Toàn bộ phi hành đoàn đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, vì sẽ là thảm họa nếu mang virus lên ISS".
Phi hành đoàn còn phải qua cách ly hai tuần trước chuyến bay. Thật ra đây không phải điều mới, vì trước đại dịch thủ tục này đã được áp dụng để tránh các loại virus khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận