Trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 270 ngàn bệnh nhân ung thư cổ tử cung tử vong...
Nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung
Nhiễm trùng cổ tử cung với virus HPV là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ung thư cổ tử cung. HPV (Human papiloma virus) là một trong những tác nhân lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến; có 2 nhóm HPV: nhóm nguy cơ cao và nhóm nguy cơ thấp.
Dấu hiệu và triệu chứng
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ nhiễm HPV, đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm.
Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kì kinh nguyệt, hoặc nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân.
Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh?
Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung, bệnh thường tấn công vào phụ nữ ở 35 - 40 tuổi, nếu như: đã có quan hệ tình dục hay quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, có tiền sử bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục như: herpes sinh dục..., những người phụ nữ nghiện thuốc lá nguy cơ càng cao hơn.
Ung thư cổ tử cung được chẩn đoán như thế nào?
Các xét nghiệm quan trọng sau đây:
- Soi âm đạo: Dụng cụ soi âm đạo dùng kiểm tra cổ tử cung dưới hình ảnh phóng đại. Những vùng bất thường có thể được thấy và sinh thiết - một mẫu mô được lấy để kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Nạo nội mạc cổ tử cung: Đưa dụng cụ vào trong cổ tử cung để lấy mô kiểm tra dưới kính hiển vi.
- Sinh thiết chóp cổ tử cung: Một phần lớn cổ tử cung được cắt để kiểm tra dưới kính hiển vi. Tiến trình này được gây tê cục bộ và bệnh nhân có thể ra về trong ngày.
- VIA là phương pháp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch acid acetic 3 đến 5%. Nguyên tắc và cách thực hiện phương pháp này rất đơn giản. Dùng dung dịch acid acetic loãng từ 3 đến 5% bôi vào cổ tử cung, quan sát bằng mắt thường sau 1 phút, dung dịch acid acetic sẽ làm đông kết protein tế bào tiền ung thư tạo phản ứng trắng trên bề mặt cổ tử cung và có thể quan sát bằng mắt thường.
Cách đọc kết quả VIA được quy định như sau:
+ Kết quả âm tính: không có tổn thương bắt màu trắng acetic hoặc bắt màu nhạt như polyp, viêm, nang Naboth.
+ Kết quả dương tính: có những vùng bắt màu rõ, nét, ranh giới rõ có thể kèm hoặc không vùng gờ lên tiếp giáp vùng chuyển tiếp (SCJ); có thể kèm khí hư, tổn thương mụn cóc (warts).
+ Kết quả nghi ngờ ung thư: nhìn thấy rõ những khối sùi như bắp cải, loét, rỉ nước hoặc chảy máu khi đụng vào.
Ung thư cổ tử cung được điều trị như thế nào?
Có những phương pháp điều trị khác nhau cho các giai đoạn khác nhau của ung thư cổ tử cung:
Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm: Đối với phụ nữ đã lập gia đình, cắt bỏ tử cung là cách điều trị. Đối với phụ nữ muốn giữ lại cổ tử cung, phương pháp điều trị có thể là sinh thiết chóp cổ tử cung hay điều trị bằng laser.
Ung thư xâm lấn: Điều trị phổ biến cho ung thư cổ tử cung chưa xâm lấn qua khỏi cổ tử cung. Tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng, các mô và tuyến hạch gần đó được cắt bỏ để chắc rằng ung thư đã được loại bỏ.
Đối với những trường hợp ung thư cổ tử cung đã xâm lấn xa hơn, phương pháp điều trị chính là xạ trị. Xạ trị được dùng cho ung thư ở giai đoạn 2. Hóa trị cũng được kết hợp với xạ trị trước phẫu thuật để làm khối u nhỏ lại và việc phẫu thuật sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Làm thế nào để phòng ngừa?
Có 2 cách phòng ngừa là tiêm vắc xin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung và khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này.
Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm.
Bên cạnh đó những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị sớm ung thư cổ tử cung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận