Các nghiên cứu khác nhau cho thấy, nếu không có biện pháp can thiệp hay điều trị gì thì tỉ lệ lây truyền mẹ con có thể từ 15% đến 40%. Những yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con bao gồm tải lượng vi rút HIV cao trong máu mẹ, trẻ sinh non, sinh đường âm đạo có nguy cơ cao hơn so với sinh mổ.
Hiệu quả của các biện pháp dự phòng
Nếu phụ nữ nhiễm HIV được điều trị đúng phác đồ trong thời kỳ mang thai và lúc sinh; đứa trẻ sinh ra được dùng thuốc điều trị HIV trong 4-6 tuần thì nguy cơ lây truyền mẹ con có thể được giảm xuống còn 1% hoặc thấp hơn.
Những yếu tố sau đây có thể giúp tăng hiệu quả của việc dùng thuốc điều trị dự phòng:
- Phụ nữ được chẩn đoán HIV càng sớm càng tốt trong thời kỳ mang thai, hoặc thậm chí trước khi mang thai.
- Phụ nữ nhiễm HIV có thể chủ động lên lịch và chọn phương pháp sinh mổ nhằm góp phần giảm nguy cơ lây truyền HIV so với phương pháp sinh con qua đường âm đạo.
Khi nào cần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai?
Tốt nhất là trước khi mang thai hoặc ngay khi biết mình mang thai, phụ nữ nên được xét nghiệm sàng lọc HIV càng sớm càng tốt.
Nhiều quốc gia khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HIV ngay khi biết mình mang thai trong quý đầu của thai kỳ hoặc ngay lần khám thai đầu tiên để điều trị giảm mức độ nặng của bệnh cho mẹ và phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Phác đồ điều trị phòng lây truyền mẹ con
Tùy tình trạng nhiễm HIV của mẹ và nhiều yếu tố khác mà có những phác đồ điều trị khác nhau cho cả mẹ và con. Các phác đồ điều trị này đã được hướng dẫn theo Quyết định số 3003/QĐ-BYT ngày 19/08/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS".
Thuốc kháng HIV phòng lây truyền mẹ con bằng cách nào?
Các loại thuốc kháng HIV có tác dụng ngăn sự nhân lên của vi rút HIV, từ đó làm giảm số lượng HIV trong cơ thể người mẹ. Một khi số lượng vi rút trong cơ thể người mẹ giảm thì nguy cơ truyền vi rút sang con cũng giảm xuống. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng HIV cũng giúp điều trị và bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ.
Một số loại thuốc điều trị HIV có thể đi qua nhau thai và giúp bảo vệ thai nhi tránh bị nhiễm HIV, đặc biệt khi thai nhi đi qua đường âm đạo trong sinh thường và phơi nhiễm với máu hoặc dịch tiết của người mẹ.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị thuốc kháng HIV từ lúc sinh cho đến 4-6 tuần tùy phác đồ nhằm giảm nguy cơ trẻ bị nhiễm HIV do sự phơi nhiễm trong quá trình sinh, nhất là qua đường âm đạo.
Phụ nữ nhiễm HIV có nên nuôi con bằng sữa mẹ?
Từ khi có các phác đồ điều trị nhiễm HIV, vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ ở phụ nữ nhiễm HIV dương tính càng được quan tâm và nghiên cứu kỹ. Việc vi rút HIV có thể lây truyền qua sữa mẹ khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ cần được cân nhắc và được quyết định bởi chính bà mẹ sau khi đã được tư vấn và hiểu rõ ích lợi của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Tháng 11/2009, dựa trên những bằng chửng nghiên cứu một cách có hệ thống, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những khuyến nghị mới về nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở những bà mẹ nhiễm HIV dương tính. WHO khuyến nghị rằng, những bà mẹ nhiễm HIV hoặc trẻ sơ sinh có dùng thuốc kháng vi rút trong suốt thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ được phép bú sữa mẹ vì nguy cơ nhiễm HIV của trẻ rất nhỏ. Một nghiên cứu thực hiện ở Malawi cho thấy, nguy cơ lây truyền HIV giảm xuống chỉ còn 1,8% ở những trẻ được điều trị thuốc kháng vi rút Nevirapine trong thời gian bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Sở dĩ có những khuyến cáo mới này vì nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn và được điều trị dự phòng HIV thì tỉ lệ lây truyền cũng giảm thấp như trong nhóm được nuôi bằng sữa công thức. Mặt khác, vì lợi ích to lớn của sữa mẹ về mọi mặt, so với sữa công thức, nhóm trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có nguy cơ tử vong do các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng… thấp hơn nhiều so với nhóm trẻ được nuôi bằng sữa công thức.
Trẻ em sinh ra bởi bà mẹ nhiễm HIV dương tính và được nuôi bằng sữa công thức không chết vì AIDS mà vì suy dinh dưỡng và những bệnh không liên quan đến AIDS như tiêu chảy, viêm phổi... Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển của trẻ mà còn cung cấp các kháng thể cần thiết giúp bảo vệ trẻ chống lại những căn bệnh gây tử vong cao.
Tóm lại, để bà mẹ bị nhiễm HIV lựa chọn về cách thức nuôi con, cán bộ y tế cần tư vấn kỹ những lợi ích về dinh dưỡng và miễn dịch cũng như nguy cơ lây truyền HIV của việc nuôi con bằng sữa mẹ, lợi ích và nguy cơ của việc dùng thức ăn thay thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận