Tuy nhiên, tất cả các bé đều sẽ đến giai đoan cai sữa thích hợp, tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi gia đình mà giai đoạn cai sữa sẽ sớm hay muộn.
Vai trò của sữa mẹ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng và kháng thể mà bé cần, là thức ăn lý tưởng nhất đối với trẻ em, nhất là trong 6 tháng đầu.
Sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị bệnh lý như suy dinh dưỡng, tiểu đường và bệnh bạch cầu ở trẻ em, bảo vệ trẻ khỏi sự nhiễm trùng hô hấp, tai và một số bệnh dị ứng như hen suyễn, chàm.
Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật…
Đối với trẻ sinh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa công thức. Vì tất cả những lợi ích kể trên, ngành y tế khuyến khích các bà mẹ nên cho con bú đến khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Tuy nhiên, ngày nay đa số các mẹ đều phải đi làm lại sau 6 tháng nghỉ sinh, đây là lúc bà mẹ phải chọn lựa: cho bé bú mẹ hoàn toàn, cho bé chuyển sang bú hẳn sữa công thức hay kết hợp cả hai? Nếu xác định không thể cho bé tiếp tục bú mẹ hoàn toàn như trước, bà mẹ cần chuẩn bị một quá trình chuyển tiếp để bé làm quen với nguồn dinh dưỡng mới.
Với các bé dưới 6 tháng tuổi, bà mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn. Nếu vì một lý do gì không thể cho bé bú như: nút vú mẹ tụt vào trong, nứt tưa đầu vú, có thể cho bé bú sữa mẹ bằng cách nặn sữa mẹ vào ly, dùng muỗng cho bé bú từ từ.
Với các bé từ 6 tháng tuổi trở lên, bà mẹ đã có thể cho bé làm quen với các thức ăn dặm song song với việc uống sữa công thức dành cho độ tuổi của bé. Sự khác biệt giữa sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và sữa dành cho các trẻ lớn hơn là nồng độ sắt. Sữa của các bé trên 6 tháng tuổi cần lượng sắt gấp đôi so với sữa dành cho các bé sơ sinh.
Các thông tin về sữa công thức sẽ được in trên hộp sữa để tiện cho các bà mẹ tham khảo. Nếu bà mẹ phân vân không biết chọn sữa nào, bà mẹ có thể đưa bé đến bệnh viện hay các phòng khám để được tư vấn xem sữa công thức nào thích hợp cho sự tăng trưởng của bé. Khi các bà mẹ lựa chọn sữa cũng phải tham khảo cẩn thận để tránh trẻ uống sữa đó gây tiêu chảy.
Làm thế nào để cai sữa dễ dàng?
Một đặc tính của trẻ nhỏ là thích những thứ quen thuộc và có thể rất khó chịu khi có gì đó thay đổi. Vì vậy, quá trình cai sữa cho bé có thể gặp nhiều khó khăn, có thể mất vài tuần đến vài tháng tùy vào sự thích nghi của mỗi bé, do đó mẹ không nên cho bé ngưng bú đột ngột mà cần tiến hành dần dần.
Việc ngưng bú mẹ đột ngột có thể khiến trẻ bị sốc và biếng ăn, còn mẹ gặp phải những vấn đề như tắc tia sữa, viêm đầu vú, áp-xe vú… Bên cạnh đó, mẹ cũng cần phải quyết tâm cai sữa cho bé, vì thực tế khi thấy bé hờn dỗi, quấy khóc đòi sữa mẹ thì mẹ thường xót xa, dễ mủi lòng nên không kiên quyết cai sữa khiến trẻ khó thích nghi với việc ngừng bú mẹ.
Để bắt đầu giai đoạn cai sữa, mẹ nên cho bé giảm dần các cữ bú mẹ và thay vào đó là bú bình (có thể vắt sữa mẹ cho bé bú bình, sau đó thay thế từ từ bằng sữa công thức). Điều này sẽ giúp bà mẹ giảm căng tức sữa và bé thích nghi kịp thời. Trong giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang bú bình, mẹ có thể nhờ người thân gần gũi chăm sóc bé nhiều hơn. Mẹ nên âu yếm, chơi đùa với bé vào những lúc bé đã ăn no, ít cảm giác muốn bú, hành động này sẽ giúp duy trì mối liên hệ mật thiết giữa mẹ và bé, tạo cho bé cảm giác vẫn được mẹ yêu thương, gần gũi.
Với các bé trên 6 tháng tuổi, bên cạnh việc cho bé bú bình, mẹ có thể cho bé tập ăn dặm và tăng dần số lượng nếu bé đã đủ cứng cáp. Mẹ nên cho bé ăn dặm từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, giới thiệu đa dạng món ăn nhưng mỗi lần chỉ cho bé ăn 1 món, tập làm quen vài ngày mới chuyển sang món mới. Món nào bé không thích thì thể có tạm ngưng, từ từ tập cho bé ăn trở lại.
Khi bé đã biết ăn nhiều món thì nên đổi món thường xuyên, mỗi bữa ăn một món để bé không bị ngán (nếu ngán bé sẽ lười ăn). Bé từ 6 - 9 tháng tuổi thì ăn ngày 2 bữa, ít hay nhiều do tùy từng bé. Nếu bé ăn ít thì cho bé uống thêm sữa để bù lại. Mỗi chén bột, cháo cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, béo, chất xơ và vitamin. Có thể cho bé ăn thêm trái cây (tán nhuyễn), uống nước trái cây, ăn sữa chua, váng sữa, phô mai…
Sau 9 tháng tuổi thì bé cần ăn 3 bữa/ngày. Khi cho bé dưới 2 tuổi ăn dặm thì chỉ cần cho bé ăn đủ chất, không cần ép ăn nhiều, nên cho ăn theo khả năng của bé, sữa vẫn là thực phẩm quan trọng cung cấp năng lượng và dinh dưỡng. Nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 800 ml sữa mỗi ngày, nếu bé ăn 2 bữa/ngày thì cần uống ít nhất 600 ml sữa mỗi ngày.
Ngoài bú mẹ, nên bổ sung cho trẻ vitamin D 400 - 1000 đơn vị/ ngày liên tục cho đến khi trẻ biết đi nếu mẹ không tắm nắng buổi sáng cho trẻ.
Những lưu ý khi cai sữa cho bé
Khi mẹ quyết định cai sữa cho bé cần chọn lúc bé khỏe mạnh. Không nên cai sữa khi bé đang bị ốm, sẽ khiến bé khó thích nghi với những thay đổi mới, gây ra biếng ăn, còi xương.
Giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang bú bình và ăn dặm, trẻ dễ bị táo bón hoặc tiêu chảy, vì vậy mẹ nên duy trì cho bé bú mẹ, để bé có kháng thể từ sữa mẹ giúp chống lại bệnh tật cho bé. Khi cảm thấy bé có thể chấp nhận những thực phẩm thay thế sữa mẹ thì lúc đó mẹ mới nên cai sữa hoàn toàn.
Không nên cai sữa cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu, vì trời quá nóng bé dễ bị rối loạn tiêu hóa, còn trời quá ẩm hay quá lạnh bé dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp.
Trong thời gian cai sữa cho con, nếu thấy ngực bị đau và cương thì mẹ có thể dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm, đặt vào ngực để ngực mềm dần rồi vắt sữa ra hoặc hút cho thông sữa.
Nếu sữa mẹ quá nhiều trong thời gian cai sữa có thể uống thuốc ức chế tiết sữa nhưng phải có chỉ định của cán bộ y tế.
Sau khi cai sữa, cần có các chế độ ăn thay thế đảm bảo đủ chất cho trẻ, nhất là chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu, đỗ...), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận