Đầu máy bay MH17 được dựng lại - Ảnh: Reuters |
Bản báo cáo của DSB được công bố tròn 15 tháng sau thảm họa khủng khiếp trên bầu trời miền đông Ukraine ngày 17-7-2014.
Nguyên nhân thảm họa
Máy bay MH17 rơi do một quả tên lửa BUK mang đầu đạn loại 9N314M phóng đi từ miền đông Ukraine. Quả tên lửa nổ ở đầu máy bay khi nó đang bay trên độ cao 10.000m. Hàng trăm mảnh kim loại từ tên lửa xuyên thủng phần đầu máy bay. Ba phi công trong buồng lái thiệt mạng ngay lập tức và máy bay bị vỡ trên bầu trời.
Buồng lái và khoang hạng nhất bị xé rách khỏi thân máy bay và rơi xuống đất. Phần còn lại của máy bay bay thêm 8,5km trước khi rơi xuống đất. Tiếng nổ lớn vang lên và lửa bùng cháy ở khu vực thân máy bay có động cơ rơi xuống. Các mảnh vỡ máy bay rơi rải rác trên một khu vực rộng 50 km2.
Khoảnh khắc cuối cùng
Nhiều hành khách thiệt mạng ngay lập tức trên máy bay, nhưng các nhà điều tra không loại trừ khả năng một số chỉ rơi vào hôn mê từ 60-90 giây sau khi tên lửa nổ, tương đương với khoảng thời gian máy bay rơi từ trên không xuống đất.
Do tình huống xảy ra quá đột ngột, các hành khách và nhân viên phi hành đoàn hoàn toàn không kịp có bất kỳ phản ứng nào.
Một số hành khách và nhân viên phi hành đoàn có thể bị chấn thương do các mảnh vỡ trong máy bay và chết trước khi nó rơi xuống đất.
Không rõ có hành khách nào sống sót trong một khoảng thời gian ngắn sau khi máy bay đâm xuống đất hay không, nhưng cú va chạm quá khủng khiếp nên tất cả đều thiệt mạng.
Tại sao bay trong vùng chiến sự?
DSB chỉ trích chính quyền Ukraine không đóng cửa không phận ở vùng xung đột tại miền đông. Cùng ngày xảy ra thảm họa MH17, khoảng 160 máy bay dân sự bay qua khu vực này.
Nhưng vài ngày trước đó, hai máy bay quân sự Ukraine bị quân ly khai dùng vũ khí hùng mạnh bắn rơi từ độ cao 6.200m và 6.500m.
“Ukraine không đánh giá đúng mực nguy cơ đối với hàng không dân dụng” - báo cáo nhấn mạnh. Dù vậy DSB cũng cho rằng không hãng hàng không nào bay qua bầu trời miền đông Ukraine thời điểm đó đánh giá đúng mức về nguy cơ tại đây.
Kiến nghị
DSB đưa ra 11 kiến nghị, bao gồm việc các quốc gia có xung đột cần đóng cửa không phận một cách kịp thời. Các hãng hàng không cũng cần phải đánh giá nguy cơ và chia sẻ thông tin với nhau.
DSB kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) điều phối để giúp các hãng hàng không chọn đường bay an toàn trên các vùng xung đột.
DSB cũng chỉ trích chính quyền Hà Lan hành động chậm chễ, thiếu hiệu quả, khiến thân nhân nhiều hành khách phải chờ đến bốn ngày mới biết rõ người nhà của mình gặp nạn. DSB đề nghị nên đưa quốc tịch hành khách vào danh sách hành khách đi máy bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận