
Tên Sài Gòn trên bản đồ của thuyền trưởng Mỹ John White 1819 - Ảnh: Nguồn Thư viện Đại học Yale
Và rồi các bạn lại hỏi tiếp những cái tên xuất hiện dọc dòng sông là bán đảo Thủ Thiêm, cột cờ Thủ Ngữ, bến Nhà Rồng, cảng Khánh Hội, cầu Ba Son, cầu Tân Thuận…
Những lần trước khi "đi phượt" với các bạn trẻ và đồng nghiệp, tôi cũng nhận nhiều câu hỏi trước nhất về địa danh.
Quả thật đặt chân đến vùng đất nào thì không thể không tò mò về cái tên khai sinh của vùng đất đó! Huống chi, thành phố mình có khá nhiều địa danh dù mang tính tự nhiên hay nhân tạo đều ẩn chứa những điều kỳ thú mà tiền nhân muốn gởi gắm đời sau.
Tên Sài Gòn và yếu tố Rừng
Bản thân tên Sài Gòn tuy mộc mạc nhưng vẫn có nhiều cách "giải mã" khác nhau. Có ý kiến cho rằng Sài Gòn là biến âm của từ Thai-gon hay Thầy gòn trong tiếng Quảng Đông và đọc theo âm Hán Việt là Đề Ngạn (thành phố có đê bao bọc).
Một cách lý giải khác, nó xuất phát theo từ Hán Việt là Tây Cống. Cũng có người nói chữ Sài Gòn gần với chữ Cai-ngon trong tiếng Lào và tiếng Thái, nghĩa là rừng Gòn. Mặt khác, nhiều người nhận xét Sài Gòn là biến âm của Prei Nokor hay Prei Kor trong tiếng Khmer - có nghĩa là cung điện hay thành phố trong rừng.
Trong khi đó, giáo sư ngôn ngữ học Bùi Khánh Thế cho rằng Sài là từ biến âm trong tiếng Việt của Prei trong tiếng Khmer - có nghĩa là rừng, là cây. Từ điển Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cuối thế kỷ 19, giải thích Sài là cây, là cũi (chữ Sài ở miền Trung, miền Bắc không có) còn Gòn là cây bông Gòn.
Theo tiến sĩ Phú Văn Hãn (Viện Khoa học xã hội Nam Bộ), người Chăm gọi Sài Gòn là Pei Gon, có nghĩa là cây Gòn, hay rừng Gòn. Hóa ra chữ Pei, khá đồng âm và cũng đồng nghĩa với Prei.
Thuở xa xưa, Champa và Chân Lạp là hai tiểu quốc tách ra từ vương quốc Phù Nam rộng lớn, cho nên người Chăm ở Nam Trung Bộ và người Khmer ở Nam Bộ có giao lưu ngôn ngữ là chuyện bình thường.
Đáng chú ý, một biến âm khác của Prei là Rẫy, nghĩa là đất rừng mới vỡ, chỉ trồng cây ngắn ngày. Đến nay, chỉ có đất phương Nam mới dùng từ làm rẫy. Ở quận 5 hiện còn địa danh Chợ Rẫy, gắn với tên bệnh viện lớn nhất cả nước.
Đó là vùng bắt đầu từ bờ kinh Tàu Hũ trải dài dọc theo đường Châu Văn Liêm và Hải Thượng Lãn Ông (hai con đường nguyên là kinh rạch được san lấp cuối thế kỷ 19) kéo đến quận 11 quanh Gò Cây Mai (doanh trại quân đội).
Theo Petrus Trương Vĩnh Ký, Chợ Rẫy chính là nguyên gốc Chợ Lớn - nơi di dân Hoa, Việt đến đây định cư, trồng rau trên đất xưa từng là rừng.
Nói đến yếu tố Rừng, Vương Hồng Sển giả thiết Phú Lâm (quận 11 và lân cận) là từ Hán - Việt được người Việt đặt ra để chỉ vùng đất lớn nhiều rừng và là nơi có nhiều di tích khảo cổ thời Phù Nam và Chân Lạp.

Tên Sài Gòn từng rất thông dụng và ngày nay vẫn được sử dụng nhiều - Ảnh tư liệu
Một tên gọi tiện dụng và tri ân
Phần lớn những cách "giải mã" nêu trên đều liên quan đến từ khóa Rừng và Cây! Theo tôi, rừng là đặc điểm đất đai không thể thiếu vắng trong sự hình thành Sài Gòn và tên Sài Gòn.
Vào khoảng thế kỷ 16-17, đất phương Nam thưa thớt dân cư, rừng cây đủ loại phủ bóng các nơi. Thuở ấy và ngay cả bây giờ, các tàu thuyền từ cửa biển theo sông Lòng Tàu vào đến trong sâu, đều nhìn thấy trước nhất là hai ngọn Núi lớn và Núi nhỏ của Vũng Tàu.
Trên núi là chập chùng rừng Gòn, đến bây giờ vẫn thế, vào mùa hè lấp lánh bông trắng hồng rất đẹp. Có lẽ trông thấy trước nhất cảnh quan này mà rừng Gòn và cây Gòn trở thành ấn tượng thiên nhiên lớn lao đầu tiên vụt dậy trong mắt di dân Việt. Và rồi đã nảy sinh tên Sài Gòn tuy đơn sơ nhưng dễ nhớ và dễ nói!
Thêm nữa, rừng Gòn và cây Gòn là "vật liệu trời cho" để di dân dựng nhà, lập xóm. Ngoài ra, trái Gòn còn cho bông làm gối, làm áo chống lạnh và làm thảo dược khi cần. Vì thế, cái tên Sài Gòn khi lưu truyền qua nhiều thế kỷ không chỉ là tên gọi tiện dụng.
Một cách thiêng liêng, có thể coi đấy là lời ghi nhớ và tri ân với vùng đất cưu mang những người dân Việt chất phác, không quen dùng chữ nghĩa cao sang!
Tên Sài Gòn từ dân dã đến chính danh
Tên Sài Gòn (âm Hán Việt là Sài Côn) được Lê Quý Đôn ghi nhận trong sự kiện quân binh Việt Nam tiến vào Chân Lạp năm 1674. Tuy nhiên, khi lập ra Phủ Gia Định, vào năm 1698, Chúa Nguyễn không dùng Sài Gòn là địa danh hành chính mà đặt tên mới là Huyện Tân Bình.
Cho đến trước khi Pháp xâm chiếm, vùng đất này ở cấp độ tỉnh thành, lần lượt mang tên chính thức là Gia Định Kinh rồi Phiên An và Gia Định. Song tên gọi Sài Gòn dân dã vẫn tồn tại song hành trong dân và người nước ngoài.
Tùy theo cách phát âm, người phương Tây ghi chép là Sai-gung, Sai-goong hay Rai-gon. Sang thế kỷ 18, tên gọi Saigon được các chuyên viên Pháp ghi trên các họa đồ quy hoạch Gia Định Kinh 1790 và 1795. Bản đồ John White (Mỹ) năm 1819 cũng ghi là Saigon City.
Năm 1838, bản đồ Taberd ghi rõ tên gọi Sài Gòn và Chợ Lớn. Vào năm 1861, người Pháp chính thức phân định địa giới và tên thành phố Sài Gòn, tách khỏi tỉnh Gia Định của nhà Nguyễn.
Từ ấy, tên Sài Gòn trở thành chính danh của một đô thị tân tiến. Hiện tại ở Paris, gần Khải Hoàn Môn, có một con đường nhỏ mang tên Sài Gòn, được đặt ra từ thập niên 1870.
Tên Sài Gòn đã đi vào sử sách bi hùng nhiều thế kỷ, thể hiện diễn tiến của cuộc khai phá và gìn giữ đất phương Nam. Cho dù có những lúc tên Sài Gòn không còn là địa danh hành chính nhưng cái tên gắn bó từ xa xưa ấy vẫn sống mãi trong tâm khảm nhiều thế hệ.
Thuở mới khai phá nơi định cư, người xưa đặt tên đất theo các ấn tượng gần gũi, trước nhất là thiên nhiên. Kế đến là các sự vật, cảnh quan, kiến trúc do con người tạo tác. Kể cả các thành tích hay chiến công trong mở mang và gìn giữ lãnh thổ.
Thông thường đấy là những cái tên "tự phát", "nói sao viết vậy", thể hiện dân trí chất phác. Sau đấy khi chính quyền tiếp quản các vùng đất sẽ phân định địa giới, lập địa bạ và rồi tạo ra các địa danh hành chính.
Những tên gọi chính thức này vẫn có thể là những cái tên dân dã mộc mạc. Song chính quyền có thể đặt ra những tên mới văn vẻ, mang ý nghĩa trang trọng, theo những ý định riêng biệt, khác hẳn những cái tên trước đấy.
Trong thời phong kiến, một hiện tượng thú vị, rất nhiều làng xã Việt Nam vừa có "tên Chữ" tức tên Hán - Việt do triều đình quy định, đồng thời vẫn lưu hành "tên Nôm" là những cái tên dân gian lâu đời.
Sang thời hiện đại, nhiều địa danh hành chính phản ánh sự vật và nhân vật có tác động lớn đương thời. Hoặc lại được tạo ra bằng những chữ ghép từ các tên gọi cũ khi sáp nhập hay phân chia địa giới.
Các địa danh dân dã và địa danh hành chính của Sài Gòn trước tháng 4-1975 cũng đã sinh sôi, nảy nở bên "dòng sông quy luật" ấy. Khi tìm hiểu gốc tích nhiều địa danh cổ xưa của Sài Gòn, ta sẽ thấy nhiều điều lý thú và giá trị để tiếp tục gìn giữ và nâng niu…
**************
Tên Sài Gòn không mất dù ngày nay trên đất TP.HCM rất hiếm thấy cây Gòn. Ở xóm Bàn Cờ của tôi gần Trường tiểu học Phan Đình Phùng, những năm 1960 vẫn còn một cây Gòn khá cao nhưng sau này cây đã "lên trời".
>> Kỳ tới: "Ngân hàng từ vựng" thiên nhiên đa dạng của Sài Gòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận