
Xóm Chiếu là con đường nhỏ nhưng đã có từ thời Pháp thuộc - Ảnh: QUỐC VIỆT
Nhưng vùng đất hơn 300 năm này cũng có những cái tên rất đỗi mộc mạc khiến người ta như lạc bước vào miền quê nào đó, từ Xóm Chỉ, Xóm Củi, Xóm Cải, xóm Lò Lu sang Xóm Lò Gốm, rồi vượt kinh sang Xóm Chiếu...
Và mỗi địa danh đều có bao chuyện thân thương nhắc nhớ để người đời không thể nào quên dù thời cuộc đã làm đổi thay cùng những tấm bảng được gắn lên rồi hạ xuống theo bước ngoặt lịch sử.
Chuyện xưa ở cù lao
Còn nhớ đầu năm 2002, tôi hữu duyên "nhập cư" quận 4, một rẻo cù lao chỉ cách đô hội quận 1 con rạch Bến Nghé mà thuở ấy vẫn như hai thế giới tách biệt. Thời điểm vụ án Năm Cam vừa nổ ra chấn động cả nước.
Bạn bè cứ e ngại khi thấy tôi khăn gói đưa gia đình về con hẻm 76 nhỏ xíu, sâu hút như hang rắn trên đường Tôn Thất Thuyết bên bờ kinh Tẻ. Khu tôi ở cùng những hẻm liền kề đều được cho là đầy "anh em xã hội" của Năm Cam, chưa kể những tay giang hồ băng nhóm khác hay đám "sửu nhi" bạt mạng mới ngoi lên...
Thật ra lúc đầu tôi cũng thận trọng, nhìn trước ngó sau "đường ăn lối ở". Nhưng thực tế trải qua gần 5 năm sống yên bình ở đây, tôi lại thấy có một quận 4 khác, một khu dân cư cù lao không hoàn toàn "đất dữ" như người ngoài vẫn truyền miệng.
Nhà tôi ở được những người cao tuổi cho là vùng Xóm Chiếu, một địa danh xa xưa mà đến giờ vẫn còn nhiều lưu dấu như nhà thờ Xóm Chiếu, đường Xóm Chiếu, trường Xóm Chiếu, chợ Xóm Chiếu và cả những người kể rằng mình là cựu dân Xóm Chiếu nhiều đời.
Họ kể đời ông bà mình từng ngồi đan chiếu trên vùng đất xưa từng là ruộng đầm mọc đầy cây cỏ hoang dại làm được manh chiếu này. Đến đời cha mẹ và đời họ làm công nhân bốc vác thương cảng Sài Gòn liền kề...
"Kẻ dữ" đâu không biết, nhưng hầu hết người tôi gặp đều là những con người thiện lương, mộc mạc, dễ mến. Cả ngày họ đổ mồ hôi cần lao để chiều về có tiền ghé chợ mà bắt lửa nồi cơm. Thế hệ sinh trưởng thập niên 1990 về sau, nhiều người đã vào đại học, có công việc tốt hoặc làm công nhân ổn định ở Khu chế xuất Tân Thuận gần đó.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Dũng, nguyên cán bộ Sở Y tế TP.HCM, cũng đồng cảm điều này và kể rằng anh đã về khu Xóm Chiếu ở gần 30 năm nhưng không có vấn đề gì với hàng xóm, "hầu hết bà con đều thật thà, dễ mến và sẵn sàng giúp đỡ nhau"...
Ngược dòng thời gian, cái tên Xóm Chiếu đã gắn liền với bao đời người ở đây. Những người có đạo ngày ngày vẫn đi lễ nhà thờ Xóm Chiếu và thấy tấm bảng đề "Giáo xứ Xóm Chiếu thành lập năm 1856".
Như vậy đến nay, cái tên Xóm Chiếu đã gắn với họ đạo gần tròn 170 năm. Còn nếu ngược thời gian xa xưa hơn thì địa danh này chắc chắn phải có từ trước khi họ đạo được thành lập giữa thế kỷ 19.
Các tư liệu viết về lịch sử nhà thờ Xóm Chiếu kể rằng khoảng giữa thế kỷ 19, đức cha Dominique Lefebre từ Thị Nghè đã sang vùng Xóm Chiếu. Sau đó, một nhà lá rộng rãi được làm nhà thờ tạm, và cha Phêrô Nguyễn Văn Tuyết làm cha sở tiên khởi của Họ Xóm Chiếu. Năm 1861, giáo dân Xóm Chiếu lên đến 2.000 người. Lịch sử nhà thờ Xóm Chiếu cũng đã trải qua nhiều lần đổi thay, sửa sang.
Bài viết Giáo xứ Xóm Chiếu (đăng ngày 21-11-2020 trên trang TGP Sài Gòn - TP.HCM) ghi lại rằng: "Đến năm 1862, do nhu cầu mục vụ, ngôi nhà thờ thứ hai được dựng lên ở Bến Nhà Rồng ngày nay. Nhà thờ có hai bên cánh như Thánh Giá nên được gọi là Nhà thờ Thánh Giá". Tới năm 1868, nhà thờ thứ ba tiếp tục được xây dựng là nhà thờ Thánh Phêrô (còn được gọi là nhà thờ Con Gà) ở khu vực cảng Sài Gòn sau đó.
Qua đầu thế kỷ 20, thương cảng cần được phát triển. Năm 1922, chính quyền thuộc địa đã thương lượng với Tòa Giám mục mua lại toàn bộ đất đai nhà thờ ở cạnh bờ sông để mở mang cảng.
Đức cha Quinton sau đó đã sử dụng số tiền này để mua lại 10 mẫu đất tại vùng nhà thờ Xóm Chiếu hiện nay để xây nhà thờ, nhà xứ, trường học cho giáo dân cất nhà và chia thành các xóm giáo.
Như vậy, nhà thờ Xóm Chiếu hiện nay đã là nhà thờ thứ tư và đã tồn tại bền vững hơn 100 năm trên rẻo đất cù lao quận 4.
Trang TGP Sài Gòn - TP.HCM còn ghi chép tỉ mỉ nhà thờ này được xây theo trường phái kiến trúc Pháp - Nhật, cao 30m, rộng 500m2, hãng thầu Broissard et Mopin thực hiện và kỹ sư thi công là ông Giobe, một giáo dân người Đức. Trải gần 100 năm, nhà thờ này đã qua hai lần tu sửa vào năm 1976 và 1998...

Giáo xứ Xóm Chiếu đã có từ năm 1856 - Ảnh: QUỐC VIỆT
Đổi thay, phát triển và vẫn in dấu Xóm Chiếu
Theo dòng lịch sử Sài Gòn - TP.HCM, cù lao quận 4 được tập trung phát triển sau. Tuy nhiên, nhiều người dân đã đến vùng đầm lầy, kinh rạch đầy cỏ bàng, cỏ cói hoang dại làm chiếu này để ở từ rất sớm như câu chuyện hình thành Giáo xứ Xóm Chiếu cách đây gần tròn 170 năm.
Rồi sau đó là công cuộc phát triển thương cảng Sài Gòn cũng dần hội tụ lưu dân tứ xứ về đây sinh sống, làm công nhân bốc vác bên bờ sông...
Đầu tháng 4-2025, tôi trở lại cù lao quận 4 và nhanh chóng cảm nhận được sự đổi thay, phát triển. Nhiều khu dân cư quy hoạch mới khang trang, sạch đẹp. Các tòa nhà cao tầng 20 năm qua đã nối tiếp nhau sừng sững trên các khu "ổ chuột" cũ.
Khác với sự dè dặt trước đây, nay nhiều người đã thích về quận 4 ở, bởi địa thế tiện lợi, chỉ qua một con rạch là tới trung tâm quận 1, cách phố đông Thủ Đức chỉ một dòng sông Sài Gòn, các view chung cư ở đây đều thoáng đẹp hướng ra kinh Tẻ, rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn...
Lần tìm lại dấu xưa Xóm Chiếu, tôi dễ dàng gặp ở khắp nơi. Giáo xứ cùng tên vẫn cổ kính, yên bình ngày ngày vẳng tiếng chuông nhà thờ. Đường Xóm Chiếu hàng chục năm qua luôn sầm uất hàng quán. Trường tiểu học Xóm Chiếu rộn rã tiếng trẻ thơ cười nói đầy sức sống.
Đặc biệt, chợ Xóm Chiếu vẫn được nhiều người thích dạo bước trong khu nhà xây kiên cố với nhiều món ngon vật lạ, đặc biệt là thủy sản nước lợ - nước mặn từ mạn Nhà Bè, Cần Giờ đưa lên.
Hoàng hôn xuống, khi các con đường, ngõ hẻm khu Xóm Chiếu lên đèn cũng là thời điểm tưng bừng chợ đêm ẩm thực. Hàng trăm món Việt, món Hoa, món Tây mắc, rẻ gì cũng có cả.
Những kẻ đã rời xa, thỉnh thoảng trở lại như tôi có thể dễ dàng thưởng thức từ trái trứng vịt lộn, cuộn bò bía vài ngàn đồng đến tô hủ tiếu thập cẩm, dĩa beefsteak thơm lừng. Những lữ khách như tôi vừa có thể ngồi ăn, vừa râm ran trò chuyện xưa, bởi hầu hết người bán ở đây đều là cựu dân nhiều đời quận 4.
12h khuya, hàng quán vẫn đông vui. Xóm Chiếu xưa đầy chuyện kể và Xóm Chiếu nay đã đổi thay, phát triển để những khách ngụ cư như tôi đi xa vẫn luôn nhớ về.

Cầu Khánh Hội từ quận 1 bắc qua quận 4 đầu thế kỷ 20 (bên trái hình) để vào khu Xóm Chiếu - Ảnh tư liệu

Quận 4 nay đã thay đổi rất nhiều, nhưng khu lõi Xóm Chiếu vẫn còn như nhiều năm trước - Ảnh: QUỐC VIỆT

Chợ Xóm Chiếu, địa danh xưa vẫn còn đến ngày nay - Ảnh: QUỐC VIỆT
Đường Xóm Chiếu có từ thời Pháp thuộc đến nay và vẫn mang tên Xóm Chiếu.
Địa danh cũ của đất Gia Định xưa, có từ thời vua Minh Mạng (1884). Từ thời Gia Long, tại vùng quận 4 chỉ có mấy thôn Khánh Hội, Bình Ý nằm gần kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn. Phía trong toàn bưng sình, mọc cây bàng (thảo câu) và cây lác.
Do đó nghề chiếu ở đây rất phát triển, quy tụ dân chúng thành một xóm. Chẳng những dân chúng làm nghề dệt chiếu mà còn lập chợ bán cho dân tứ xứ đến mua sỉ.
Từ đó tên Xóm Chiếu tồn tại cho đến ngày nay. Trong bản đồ của Trần Văn Học năm 1815 vẽ khu vực trấn Phiên An (tức TP.HCM ngày nay) có ghi địa danh Xóm Chiếu ở vị trí đường Xóm Chiếu ngày nay.
Trích sách Đường phố TP.HCM của tác giả NGUYỄN ĐÌNH TƯ - NGUYỄN QUYẾT THẮNG (NXB Văn Hóa Thông Tin, 2001) ghi về địa danh Xóm Chiếu ở trang 177
*****************
Mới đây trong chuyến đi dạo bằng canô trên sông Sài Gòn, các chuyên viên quy hoạch Singapore bất ngờ hỏi người viết: "Tên Sài Gòn từ đâu ra, có nghĩa là gì?".
>> Kỳ tới: Địa danh Sài Gòn và lời nhắn nhủ của tiền nhân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận