
Một góc Nhà Bè xưa còn hoang vắng với kinh rạch, cây cối um tùm - Ảnh tư liệu
Trong dặm dài lịch sử Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM có nhiều địa danh được gọi là "tên chữ" xuất phát từ mỹ từ, cổ tự, được đặt trên sổ sách đã không ít lần thay đổi theo quản lý địa bạ - hành chánh, nhưng những cái tên xuất phát từ dân gian thì lại trường tồn và đến khi được công nhận trở thành chính thức thì khó lòng mà thay thế được. Nhà Bè là một cái tên như vậy.
Cổ tích lương tâm
Gia Định thành thông chí ghi chép tên chữ Hán đầu tiên được đặt cho vùng ngã ba sông này là "Phù Gia".
"Phù Gia tam giang khẩu - ngã ba Phù Gia, sông Phước Long nước ngọt từ phía bắc lại, sông Tân Bình nước lạt từ phương nam lại, hợp lưu chảy về phía đông làm sông Phước Bình.
Đó là ngã ba sông, nước toàn mặn, cách trấn lỵ về phía đông nam 73 dặm rưỡi. Từ đó mà xuống, phía nam, phía bắc có nhiều nhánh, duy một nhánh chảy về phía đông là sông lớn, phóng ra cửa biển Cần Giờ".
Tên Phù Gia chỉ xuất hiện một lần ở đoạn văn bản này thôi và sau đó chỉ ít dòng đã rất nhanh chóng nhường chỗ cho cái tên thuần Việt - Nhà Bè - cùng với câu chuyện mà đến năm được nhà sử học Trịnh Hoài Đức ghi chép lại thì vẫn là chưa xưa lắm: "Trước đây lúc mới dựng hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, đường bộ Bình Đồng chưa mở, người khách qua lại đều phải đáp đò dọc.
Bến đò phía bắc là bến Sa Hà dinh Trấn Biên, bến đò phía nam thuộc cầu bến đò tổng Tân Long dinh Phiên Trấn.
Phàm khởi trình ở Trấn Biên thì phải chờ nước xuống, thuận dòng mở thuyền đến cửa ngã ba, đi ngang sông Tân Bình thì bị nước ngược, phải đậu thuyền chờ nước triều rồi mới thuận chiều mà tiến đi.
Khởi trình ở bến đò phía nam thì cũng phải vậy. Bấy giờ dân cư ở thưa, thuyền bè nhỏ hẹp, nấu nước thổi cơm, người đi vất vả, do đó có một nhà giàu ở tổng Tân Chính tên là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, che làm buồng cửa, để nồi bếp củi gạo, thức ăn ở đấy cho người lấy dùng, không bắt trả tiền.
Tiếp đó dân buôn cũng kết bè, vay tiền mua sắm thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè, họp thành chợ sông, cho nên mới gọi xứ ấy là xứ Nhà Bè...".
Mấy dòng vẽ nên một ngã ba sông tấp nập, những người ngụ cư mở rộng vòng tay đón những thuyền chở người mở đất đang tấp nập từ vùng Thuận Quảng vượt biển tìm vô Nam với bao hứa hẹn an cư lập nghiệp "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Đặc trưng tính cách hào sảng, bao dung, nghĩa tình của người phương Nam, người Sài Gòn - Gia Định cũng lần đầu được ghi chép lại để từ đó mà lưu truyền, mà nhân rộng.
Vậy vẫn là chưa đủ. Ở đất Nông Nại (Đồng Nai), đến châu Đại Phố (Cù lao Phố), người dân ai cũng nghe cũng biết tích xưa Thủ Hoằng: Võ Thủ Hoằng là một viên thơ lại ở châu Đại Phố, huyện Phước Chính, phủ Phước Long, dinh Trấn Biên. Vừa làm việc quan vừa cho vay nặng lãi nên rất mau làm giàu, đồng thời gây nhiều việc ác với dân nghèo, thâu tóm hết tài sản của những người không thể trả nợ.
Vợ chết. Một lần ông được người mách đến chợ Mãnh Ma nơi người âm người dương có thể gặp nhau, ông đến tìm và gặp được vợ, lại được đưa xuống chơi Địa phủ.
Dạo quanh, chứng kiến cảnh những hồn ma gây tội lỗi trên dương thế phải trả hình dưới địa ngục, ông lại bắt gặp chiếc gông thật to, thật nặng, thật dài ghi tên Võ Thủ Hoằng được đặt để chờ sẵn. Quá sợ hãi, Thủ Hoằng tỉnh ngộ, hiểu ra lẽ nhân quả ở đời.
Được trở về nhân thế, Thủ Hoằng bán sản nghiệp, mang đi làm phước giúp người nghèo. Ông xây chùa Chúc Đảo (còn có tên là Chúc Thọ) ở Cù lao Phố, lại làm khu nhà bè ở ngã ba sông nơi cửa biển dẫn vào Đồng Nai, Gia Định. Và dưới âm phủ kia, chiếc gông mang tên ông dần dần ngắn lại, nhỏ đi và tiêu biến.
Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca truyền lại: "Nhà Bè, sông gọi Phước Long/ Truy nguyên sự tích tiếng dùng không sai/ Thuở xưa đường bộ chưa khai/ Đem ghe kết lại cho dài mà đi/ Nước lớn thả lên một khi/ Nước ròng thả xuống vậy thì cũng xong/ Cực gì ghe hẹp ngoài trong/ Khi cơm khi nước khó lòng nấu ăn/ Phú hộ là ông Thủ Hoằng/ Thương người khổ não lăng xăng tư bề/ Bó tre lên cất nhà bè/ Sắp đồ thập vật ê hề làm ơn/ Để mà tế cấp hành nhơn/ Chẳng thèm tính thiệt so hơn lằng xằng/ Dân bèn bắt chước Thủ Hoằng/ Nhà bè sắm sửa giăng giăng chất đều/ Nhóm lên chợ nước dập dều/ Nay còn để tiếng tục kêu Nhà Bè...".
Trên sông nhưng không tránh khỏi binh lửa. Những biến động lịch sử đi qua, những chiếc bè tre nhanh chóng tan tác, những ghe thuyền của dân được cải tiến để đi lại thông suốt, đường bộ cũng được hình thành.
Khu chợ ngã ba sông trải bao con nước trở nên tiêu điều vắng lặng nhưng cái danh Nhà Bè thì vẫn còn đó, gắn với câu chuyện thức tỉnh lương tâm con người.

Nhà Bè nay đã nhà lầu - Ảnh: TỰ TRUNG
Chính danh Nhà Bè
Đầu thế kỷ 20, với sự phân chia lại địa bàn của người Pháp, tên Nhà Bè lần đầu không còn là "tục danh" mà trở thành chính danh: tỉnh Gia Định được chia thành bốn quận: Gò Vấp, Thủ Đức xếp vào phủ hạng 1; Hóc Môn, Nhà Bè xếp vào phủ hạng 2.
Nhà Bè bao gồm các tổng Bình Trị Hạ, Dương Hòa Hạ, An Thịt, Cần Giờ với những tên làng quen thuộc đến ngày nay: Phú Mỹ Tây, Tân Quy Đông, Phước Long Đông, Phú Xuân Hội, Tân Thuận Đông, Hiệp Phước, Long Kiểng, Phước Lộc Đông, Long Đức Đông, Nhơn Đức, Phú Lễ, An Thạnh, An Thới Đông, Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, Cần Thạnh, Đồng Hòa, Long Thạnh, Lý Nhơn, Tân Thạnh.
Thêm trăm năm với bao dời đổi, tách nhập, gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội, Nhà Bè hôm nay đã có diện mạo rất khác nhưng những ngả sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp từ tứ phía đổ về, bao quanh thì vẫn thế, những con rạch Đĩa, Long Kiểng, rạch Tôm, rạch Cây Bông, Cây Khô, rạch Đôi, rạch Tắc, rạch Thầy Cai... len lỏi thì vẫn thế. Sông rạch, nước lớn nước ròng nay không còn là trở ngại giao thông mà trở thành lợi thế của Nhà Bè: phát triển du lịch đường sông, phát triển hệ thống cảng nước sâu, chuỗi giao nhận hàng hóa, phát triển đô thị cảnh quan ven sông...
Nhà Bè nay đã lột xác từng khối một. Ruộng lầy biến thành đại lộ chạy xuyên khu đô thị nhà lầu, rừng lá ven sông thành công viên, biệt thự; cửa sông thành khu công nghiệp liền kề cảng biển; cầu lớn bắc qua sông, cao tốc, đường vành đai nối liền với các khu vực xung quanh; tàu phà ngàn tấn chở hàng chở khách tấp nập...
Trên những chiếc tàu, phà đi ngang ngã ba sông Nhà Bè, người địa phương vẫn kể cho du khách nghe chuyện tích xưa ông Thủ Hoằng cùng những người ngụ cư đầu tiên với đoàn bè tre chất đầy gạo mắm và bài học của việc sẻ chia, tích thiện; chuyện những đoàn người Việt dong thuyền đi mở đất phương Nam đã qua ngã ba sông này mà chọn điểm, chọn nơi.
Nhà Bè nay không chỉ là ngã ba người người đi ngang qua nữa mà đã là điểm đến và vẫn giữ được những hình ảnh nên thơ như câu ca xưa: "Nhà Bè nước chảy trong ngần/ Buồm nâu buồm trắng chạy gần chạy xa/ Thon thon hai mái chèo hoa/ Lượn qua lượn lại như là gấm thêu"...
***************
Sài Gòn - TP.HCM có nhiều địa danh nghe cứ như lạc bước vào vùng quê nào đó với những Xóm Củi, Xóm Lò Gốm, Xóm Chiếu... Và xóm nào cũng có nhiều câu chuyện đầy hoài niệm.
>> Kỳ tới: Về Xóm Chiều, tìm dấu xưa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận