21/01/2013 06:30 GMT+7

Những dấu câu kỳ ảo mê hoặc

JOE
JOE

TT - Số báo này, chuyên mục “Quyển sách thay đổi cuộc đời” đăng bài viết của Joe - một thanh niên Canada được giới trẻ VN, nhất là các blogger, biết đến với tên Dâu Tây.

ICTa1Q3j.jpgPhóng to
Tác giả Joe ký tặng bạn đọc quyển Ngược chiều vun vút của anh tại hội sách 2012 ở TP.HCM - Ảnh: Thu Huệ

Viết về sách là một việc đáng sợ. Bởi theo cách nhìn nào đó thì bản thân một bài viết về sách cũng là một quyển sách, dù nhỏ hơn nhiều nhưng viết dưới cùng một loại áp lực, được đánh giá theo cùng một loại tiêu chuẩn. Điều này rất khác với bài phê bình về một bộ phim. Bài viết về bộ phim có khoảng cách thoải mái hơn nhiều, độc giả khó đoán được khả năng làm đạo diễn của kẻ viết ra nó.

Nói cách khác, viết bài về sách là cầm trên tay con dao hai lưỡi. Nhưng cảm giác sờ sợ khi ngồi cầm con dao nguy hiểm đó không hẳn là cảm giác muốn tránh, và nếu tôi phải chọn một quyển sách thuộc dạng “thay đổi cuộc đời” để giới thiệu trong một bài viết liều lĩnh - với ý thức rằng cuốn sách mình đã đọc nào cũng ít nhiều làm thay đổi cuộc đời và việc chọn ra một cuốn cụ thể chẳng khác gì cố chọn ra một bữa cơm cụ thể và gọi nó là bữa thay đổi hình thể - thì tôi chọn quyển sách nhỏ có tên The elements of style (Những thành tố của phong cách). Bản chất của nó cũng là chữ viết về chữ viết, là lời cảnh báo về con dao hai lưỡi. Nó vừa làm tôi sợ, vừa làm tôi thích.

Bestseller và... thôi chết rồi!

"Rồi một ngày đẹp trời, tôi không còn vứt hết vào thùng nữa, cứ ba tờ vứt vào là một tờ để lại trên bàn. Như vậy thì khi nói The elements of style là tác phẩm thay đổi đời tôi, mặc dù là quan điểm hơi trên trời một chút, nhưng vẫn là quan điểm có cách bảo vệ"

Joe

Cuốn sách có hai tác giả: E.B. White, một nhà văn người Mỹ khá nổi tiếng với những bài viết trong tạp chí The New Yorker cũng như một tiểu thuyết thiếu nhi về con nhện mang tên Charlotte; và William Strunk, thầy giáo một thời của E.B White tại Trường đại học Cornell, bang New York. (William Strunk qua đời năm 1946, E.B White năm 1985.)

Sách có hai tác giả và hai phần chính. Phần giới thiệu là đôi lời tâm sự ngắn gọn và thân thiện, trong đó E.B. White kể về thời học đại học và một cuốn sách nhỏ được sinh viên trong trường biết đến bởi cái tên rất phù hợp với ngoại hình: The little book (Cuốn sách nhỏ). Nội dung của nó là một số quy luật và yêu cầu về việc chấm câu, khai triển ý cho phù hợp với trình độ đại học. Còn người trình bày nội dung chính là giáo sư William Strunk, linh hồn của khoa trong mấy lời hồi tưởng thân thiện đó.

Phần nội dung của The elements of style chính là “little book” kia, được E.B. White biên tập lại và bổ sung. Chỉ có vậy thôi, chỉ là bánh khúc với muối vừng nhưng cuốn sách nhanh chóng trở thành tác phẩm nổi tiếng, “bestseller” số 1 và tác phẩm tất yếu. Có lẽ ở Việt Nam người ta khó hình dung một cuốn sách về việc chấm câu lại trở thành hiện tượng văn học, nhưng ở Mỹ và Canada The elements of style tràn lan và tràn lan, được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất từ năm 1923.

Tôi vẫn nhớ các ví dụ trong những trang đầu của phần hai, vẫn đầy ám ảnh và lo lắng. “Being in a dilapidated condition, I was able to buy the house very cheap” (Trong trạng thái ọp ẹp và xiêu vẹo, tôi đã mua được ngôi nhà đó với giá rất rẻ). Đặt dấu phẩy ở đó, giáo sư Strunk giải thích ngắn gọn là sai. Cụm từ đứng trước dấu phẩy dính với chủ ngữ đứng sau, vậy trong câu trên, chính “tôi” là yếu tố trong trạng thái ọp ẹp và xiêu vẹo chứ không phải ngôi nhà.

“Thôi chết rồi! - tôi nghĩ - Không biết bao nhiêu lần mình làm sai như vậy!”.

Câu “Majorie’s husband, colonel Nelson paid us a visit yesterday” (Chồng Majorie, đại tá Nelson hôm qua đến thăm nhà mình) cũng sai. Câu đó phải có hai dấu phẩy (Chồng Majorie, đại tá Nelson, hôm qua đến thăm nhà mình) hoặc không dấu phẩy nào, tùy tác giả muốn cắt ra miếng hay không. Cắt bên trái mà quên không cắt nốt bên phải là hoàn toàn sai. “There is no defense” (Không cách nào bảo vệ) - giáo sư Strunk viết.

Viết, vứt và trang viết cuộc đời

Sợ lắm chứ! Nếu tôi nhớ không nhầm thì dấu làm tôi sợ nhất chính là dấu chấm phẩy, một dấu trước đó tôi dùng ngẫu hứng với ý thức mờ ám rằng ở đâu cần chút gì đó hơn một dấu phẩy thì ở đó cứ nhét một cái “;” vào đi cho đẹp. Hóa ra tôi nhầm. Hóa ra có quy luật rất cụ thể: mỗi bên phải là câu hoàn chỉnh. “Stevenson’s romances are entertaining; they are full of exciting adventures” (Sách lãng mạn của Stevenson rất có tính giải trí; chúng tràn ngập những cuộc phiêu lưu kỳ thú) thì được. Tuy nhiên “I love to eat fresh fish; for both the taste and the nutrients” (Tôi thích ăn cá tươi; vì cả hương vị lẫn dinh dưỡng) thì sai; cụm từ “vì cả hương vị lẫn dinh dưỡng” không phải câu hoàn chỉnh. There is no defense! Dạ, thưa giáo sư! Em hiểu rồi ạ!

Tôi càng đọc càng hoang mang. Cả 12 năm đi học ở trường, sao giờ tôi mới biết? Câu hỏi nối câu hỏi trong đầu óc hoang mang của tôi. Dùng ngoặc đơn thì để dấu chấm ở ngoài hay ở trong? Khi nào dùng dấu phẩy, khi nào dùng dấu gạch ngang? Còn dấu hai chấm thì sao? Mà trời ơi là trời, sao bây giờ tôi mới để ý! Ước gì tôi có thể xin lại tất cả các bài nộp trong 12 năm qua, sửa lại cho đỡ ngượng, hay đốt đi cho quên!

Hết hoang mang tôi nghiên cứu khắp nơi. Đọc tạp chí lá cải, tôi không để ý đến ảnh nóng (hoặc không để ý nhiều) mà lại tập trung vào cách chấm câu: dùng dấu nào, trong trường hợp nào, và liệu trường hợp vừa rồi đó có phải là sai? Còn nếu sai thì cố tình hay không? (Nếu chính bài này có lỗi lớn thì cứ cho rằng đó là trường hợp cố tình sai với tinh thần tự châm biếm). Còn nếu cố tình sai thì người ta phải hiểu quy luật đến mức nào mới được phép chơi dấu? Cuối cùng, các trường hợp chưa thống nhất thì sao? Các “phép mầu” vs. “phép mầu” của tiếng Anh - có bao giờ được giải quyết không? Hay mấy ông bà vẫn cứ cãi nhau mãi mãi? Trong suốt thời gian nghiên cứu đó, tôi viết thử, vứt vào thùng, viết thử, vứt vào thùng.

Rồi một ngày đẹp trời, tôi không còn vứt hết vào thùng nữa, cứ ba tờ vứt vào là một tờ để lại trên bàn. Như vậy thì khi nói The elements of Style là tác phẩm thay đổi đời tôi, mặc dù là quan điểm hơi trên trời một chút, nhưng vẫn là quan điểm có cách bảo vệ.

Cổ động mọi người đọc sách

“Quyển sách thay đổi cuộc đời” là dự án do Công ty điện tử Samsung phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Công ty văn hóa Phương Nam thực hiện; là một phần của dự án “Thư viện thông minh” được Samsung thực hiện từ năm 2011, xây dựng tủ sách ở các trường học nhằm cổ động giới trẻ và cả cộng đồng đọc sách, tiếp thu tri thức từ sách để nâng cao giá trị bản thân, sống có ích, sống đẹp và cống hiến nhiều hơn cho cuộc sống. Dự án còn nhằm quyên sách cho trẻ em vùng sâu: với mỗi quyển sách bạn mua từ nhà sách Phương Nam (trong tháng 1 và 2-2013), Samsung sẽ tặng một quyển cho “Thư viện thông minh”.

JOE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên