Những đám mây công nghệ

TRƯỜNG SƠN 29/06/2018 03:06 GMT+7

TTCT - Hình tượng đám mây lãng đãng lại gắn với từ khô khan, điện toán, song “điện toán đám mây” (cloud computing) chính là công nghệ nâng đỡ rất nhiều thứ làm nên thế giới Internet ngày nay.

minh họa

Đã sử dụng Internet thì ít nhiều có dùng tới đám mây, dù đôi khi ta không nhận ra. Gmail là một sản phẩm từ điện toán đám mây của Google, lưu trữ một tập tin lên OneDrive của Microsoft cũng là đang sử dụng đám mây và các hãng Netflix cũng “cậy” đám mây Amazon Web Services để mang dịch vụ đến khách hàng toàn cầu.

Vì sao lại là mây?

Cloud computing đã chính thức đi vào từ điển Oxford hồi tháng 6-2012 với định nghĩa “việc sử dụng một mạng lưới các máy chủ từ xa, kết nối với Internet để lưu trữ, quản lý và xử lý dữ liệu, thay vì dùng máy chủ tại chỗ hay máy tính cá nhân”. Vậy hiểu đơn giản nhất, điện toán đám mây là xử lý dữ liệu trên nền Internet, thay vì trên máy tính của chính người dùng.

Giới công nghệ cho rằng hình tượng đám mây được chọn do lẽ trước đây, các đồ họa đơn giản mô tả các hệ thống này thường thể hiện Internet dưới dạng đám mây lơ lửng trên cao, nhận kết nối và trả ngược lại thông tin xuống các dịch vụ, xuống các thiết bị bên dưới.

Đám mây là ẩn dụ phù hợp nhất với bản chất thông tin trong thời đại số - không ai thấy chúng ở đâu, nhưng cần là có, mọi lúc mọi nơi. Kết nối Internet là cầu nối giữa người dùng và đám mây.

Ngày nay, điện toán đám mây gồm 3 nhóm chính: cung cấp dịch vụ, nền tảng và hạ tầng, và được cho thuê theo gói kiểu xài bao nhiêu tính bấy nhiêu.

Vì sao lại cần đến đám mây? Như lời quảng cáo của chính Amazon Web Services, vốn cung cấp “đám mây” cho các tên tuổi lớn như Adobe, Comcast, Vodafone, hạ tầng trên mây do hãng này cung cấp sẽ giúp khách hàng “có được năng lực xử lý điện toán quy mô lớn nhanh chóng và ít chi phí hơn so với việc tự xây dựng các hệ thống máy chủ trong đời thực”.

Thay vì phải tự mình đầu tư hệ thống máy chủ, thuê nhân lực vận hành, bảo mật và bảo trì, doanh nghiệp có thể thuê mọi thứ từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây để có thể chuyên tâm đầu tư vào kinh doanh và phát triển. Chi phí cũng tính như kiểu điện nước, tức xài bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, vô cùng tiện lợi cho người “thuê đám mây”.

Đặc điểm nổi bật nhất của đám mây chính là tính linh hoạt - khi cần nâng cấp như tăng dung lượng lưu trữ, trang bị phần cứng mạnh mẽ hơn, thay đổi hệ điều hành, công cụ quản lý thì chỉ cần liên hệ, nhà cung cấp đám mây sẽ đáp ứng ngay lập tức.

Điều này cũng giúp tiết kiệm trong đầu tư và đỡ đau đầu: đôi khi đầu tư quá khủng để rồi xài không hết, hoặc đầu tư khiêm tốn đến khi cần mở rộng lại cuống cuồng nâng cấp.

Các dịch vụ đám mây có thể truy cập từ mọi thiết bị, từ máy desktop, laptop đến mobile. Các nhà cung cấp đều có công cụ trao quyền cho khách hàng xử lý, quản lý các dịch vụ và nền tảng của mình dễ dàng trên nền web.

minh họa

Thu mây về một chỗ?

Đám mây là biểu tượng cho sự vô biên, không bó buộc trong quốc gia hay không gian địa lý nào. Tính chất này đang bị đe dọa bởi khái niệm data sovereignty (chủ quyền dữ liệu), theo đó các nhà nước tìm cách bắt buộc dữ liệu về công dân của họ phải được lưu trữ trong chính quốc gia đó.

Nghĩa là không để dữ liệu trôi vô hình như mây trời ở đâu đó, mà phải đặt dưới sự quản lý của chính quyền sở tại. Song điều này không có nghĩa phải “kéo mây” về đặt trong lãnh thổ mình, mà thực tế là tác động vào cái thực thể hữu hình, “cầm nắm được” là trung tâm dữ liệu.

Vấn đề chủ quyền dữ liệu nổi lên khi các chính phủ lo ngại dữ liệu nhạy cảm sẽ lọt vào tay nước ngoài, hay quốc gia đó phải phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp đám mây.

Điều này không phải là vô lý khi thực tế có nhiều công ty không cho khách hàng biết dữ liệu của họ được lưu ở đâu, mà chỉ cam kết an toàn bảo mật các thông tin đó. Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) vừa có hiệu lực ở EU hồi cuối tháng 5 là ví dụ. Luật này quy định người dùng có quyền biết được dữ liệu của họ đang được lưu ở đâu và dùng làm gì.

Mùa hè năm 2011, nước Pháp dưới triều tổng thống Nicolas Sarkozy tiến hành dự án xây dựng hạ tầng đám mây do chính phủ quản lý, để “giữ dữ liệu của người Pháp trên đất Pháp”.

Nga từ tháng 9-2015 đã quy định dữ liệu cá nhân của công dân Nga phải được lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu (tức máy chủ vật lý) được đặt trong lãnh thổ Nga, và Trung Quốc cũng quy định các dịch vụ đám mây phải lưu thông tin người dùng Trung Quốc trên các máy chủ đặt tại đại lục, theo TechCrunch.

Những quy định như thế này sẽ khiến các nhà cung cấp đám mây có khách hàng trên toàn cầu phải đầu tư thêm hạ tầng, xây thêm trung tâm dữ liệu ở nhiều nơi để đáp ứng luật pháp các nước, vốn sẽ ngốn rất nhiều chi phí.

Giả sử dịch vụ A hoạt động ở 10 nước, trong đó có Nga. A sẽ phải yêu cầu dịch vụ cho thuê đám mây lưu riêng dữ liệu của người Nga ở các máy chủ đặt tại Nga, còn 9 nước kia lưu đâu thì tùy. Điều này về lý thuyết không phải là không làm được, nhưng nếu càng nhiều nước đòi hỏi như vậy thì công ty đám mây cứ phải liên tục mở thêm trung tâm dữ liệu để giữ khách.

Rõ ràng không ai có thể mở trung tâm dữ liệu khắp toàn cầu, song với nhiều thị trường lớn, đặc biệt là châu Âu - nơi quy định về quyền riêng tư luôn gắt gao hơn phần còn lại của thế giới, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây buộc phải nhượng bộ. Amazon Web Services là ví dụ. Tháng 12-2017, Amazon Web Services khai trương khu trung tâm dữ liệu mới tại Paris, sau 3 khu vực tương tự ở Đức, Ireland và Anh. Vị trí đặt trung tâm dữ liệu mới này rõ ràng để các công ty thuê đám mây dễ dàng tuân thủ luật chủ quyền dữ liệu của Pháp.■

 

Trung tâm dữ liệu

Những đám mây không vô hình như hình ảnh ẩn dụ mà người ta gắn cho nó. Đằng sau những nhà cung cấp đám mây là những trung tâm dữ liệu khổng lồ với vô vàn máy chủ (thật) chứa dữ liệu của khách hàng. Các gã khổng lồ Internet thường đầu tư trung tâm dữ liệu riêng, vừa dùng cho mình (Facebook, Google) vừa cho thuê đám mây (Microsoft, Amazon).

Facebook xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên của mình tại Prineville (Mỹ) vào năm 2011 và chưa bao giờ ngưng xây dựng thêm, bởi lượng dữ liệu do hơn 2 tỉ người dùng tạo ra là cực lớn. Google cũng công khai 15 trung tâm dữ liệu trải khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu trên trang web của mình và Amazon cũng thế.

Mỗi trung tâm dữ liệu có thể chứa hàng chục ngàn máy tính được kết nối với nhau và liên kết với thế giới bên ngoài thông qua cáp quang. Dữ liệu thu thập được có thể sẽ chia sẻ cho nhiều máy chủ khác nhau, thậm chí giữa các trung tâm dữ liệu khác nhau. Người dùng không thể biết được dữ liệu của họ đang lưu trữ ở đâu.

Việc di chuyển trung tâm dữ liệu vì thế là chuyện chẳng đặng đừng bởi nó không đơn giản như chuyển nhà hay dời văn phòng, chỉ việc rút phích cắm hệ thống, dời sang nơi khác và cắm lại như cũ. Việc tìm địa điểm đặt trung tâm dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng cực kỳ quan trọng bởi phải tính đến nhiều yếu tố, bao gồm cả bảo mật và luật pháp của nước sở tại. Trung tâm dữ liệu có thể được di dời theo cách “tháo ra lắp lại”, nghĩa là vận chuyển máy móc, thiết bị từ điểm cũ sang điểm mới, cách này tốn kém, bất tiện và quan trọng là phải tạm ngưng dịch vụ trong quá trình di dời, ảnh hưởng đến khách thuê đám mây. Cách thứ hai là xây dựng trung tâm dữ liệu mới trong khi vẫn giữ cái cũ và chuyển dữ liệu qua mạng, sau khi mọi thứ hoàn tất mới dỡ bỏ cơ sở cũ.

Ảnh: jameskaskade.com

Mây riêng và mây chung

Các kiểu đám mây cũng phân thành ba dạng - công cộng, riêng tư và lai giữa chung và riêng.

Đúng như tên gọi, đám mây công cộng gồm những tài nguyên và hạ tầng dùng chung cho nhiều người, tổ chức khác nhau khi họ cùng thuê đám mây của một nhà cung cấp như Google, Amazon, Microsoft. Chẳng hạn Gmail là dịch vụ mà hàng tỉ người cùng dùng chung hạ tầng (phần cứng, máy chủ) của Google, dù mỗi tài khoản email là của riêng họ.

Ngược lại, đám mây riêng chỉ dành cho một tổ chức hay doanh nghiệp nhất định, thường dùng với các trường hợp thông tin quan trọng, nhạy cảm, cần bảo mật cao. Đối tượng dùng đám mây riêng có thể tự trang bị trung tâm dữ liệu để sử dụng nội bộ, hoặc vẫn thuê đám mây nhưng yêu cầu được dùng riêng.

Cuối cùng, đám mây lai (hybrid) là giải pháp dung hòa, vừa chung vừa riêng. Doanh nghiệp có thể chọn lưu trữ thông tin nhạy cảm trên đám mây riêng và chạy các dịch vụ khác trên đám mây công cộng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận