Với con số ly hôn đáng báo động, năm 2022 có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý (theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao), TS Nguyễn Hữu Long, giảng viên khoa xã hội học - công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường đại học Mở TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng điều này cho thấy sự thay đổi trong quan niệm hôn nhân gia đình của người trẻ.
Ông cũng gợi mở cách xây đắp nền tảng để vợ chồng trẻ giữ gìn hoa trái tình yêu.
Kết hôn không chỉ cần tình yêu?
* Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng người trẻ kết hôn, ly hôn chóng vánh như hiện nay?
- Có thể thấy, quan niệm người trẻ hiện nay thiên về đề cao tính tự do, cá nhân, ít ràng buộc kinh tế, sẵn sàng ly hôn nếu không còn cảm thấy hạnh phúc, nếu quá nhiều mâu thuẫn xảy ra mà không giải quyết được.
Ngày nay, mỗi giới đều có sự chủ động của mình. Nam hay nữ, vợ hay chồng đều có công ăn việc làm, có thu nhập, nên ít phụ thuộc vào nhau hơn.
Trong khi đó, xã hội ngày trước có lối sống thiên về truyền thống, coi trọng hôn nhân, e ngại điều tiếng, hoặc sự phụ thuộc của nửa kia về kinh tế, chỗ dựa, sợ con cái khổ...
Không gian sống và làm việc cũng hạn chế nên từ góc độ cá nhân hay mối quan hệ ít có sự cởi mở, nên nếu ly hôn sẽ gặp nhiều khó khăn, từ đó e ngại việc chia lìa.
Một mặt, mô hình gia đình hạt nhân của người trẻ hiện nay có những điểm tiến bộ, tích cực, người trẻ dám sống và quyết định dứt khoát đối với những vấn đề hệ trọng như kết hôn, ly hôn, sinh con.
Mặt khác, đây cũng là tình trạng đáng báo động, cho thấy nền tảng hôn nhân của người trẻ, quan niệm hôn nhân, hạnh phúc, nỗ lực giữ gìn hạnh phúc gia đình... chưa thật sự vững chắc.
* Nhiều người nghĩ rằng kết hôn chỉ cần có tình yêu là đủ. Để hạn chế những mâu thuẫn, tan vỡ sau khi kết hôn, theo ông, người trẻ cần chuẩn bị nền tảng thế nào?
- Hôn nhân, quá trình chung sống không chỉ cần tình yêu. Cuộc sống hôn nhân có nhiều sự khác biệt so với giai đoạn yêu nhau.
Có thể giai đoạn đầu kết hôn, bạn trẻ sẽ nếm trải cảm giác hạnh phúc, mới mẻ. Mâu thuẫn hoặc các vấn đề về tính cách, tài chính, quan hệ hai bên nội ngoại... chưa nảy sinh hoặc nảy sinh chưa nhiều.
Sau một vài năm, khi sự dung hòa, "việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không" không còn, thiếu sự bao dung, thấu hiểu, trách nhiệm, cộng thêm nhiều áp lực thì bất hòa lớn dễ nảy sinh và dẫn đến tan vỡ.
Việc thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Người trẻ mải chạy theo sự thay đổi hoặc yêu cầu của cuộc sống, ít có thời gian, tâm trí tìm hiểu về hôn nhân. Nhất là các giai đoạn trong hôn nhân.
Các bạn chỉ tập trung tìm hiểu giai đoạn đầu, ít quan tâm những giai đoạn sau, như khi có con, phát triển nghề nghiệp, đời sống tình dục vợ chồng...
Một số bạn có lối suy nghĩ cứ kết hôn rồi tính tiếp. Trong khi chuyện học hành, đi du lịch... chúng ta đều tính toán kỹ, nhưng với hôn nhân lại quyết định theo cảm xúc.
Có những bạn kết hôn sau khi bị người thân thúc giục, sau khi chia tay mối tình sâu đậm, hoặc vì muốn thay đổi cuộc sống. Đó có thể là quyết định sai lầm, ân hận về sau.
Dung hòa cái tôi, duy trì giao tiếp thường nhật
* Cái tôi của mỗi người thường rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội tiến bộ, thoát khỏi lề lối cũ. Vậy làm thế nào để bạn trẻ kiềm chế, dung hòa cái tôi, cũng như chung sống hòa hợp hơn?
- Cái tôi nếu vận dụng đúng, kèm theo sự hiểu biết, khả năng điềm tĩnh... sẽ giúp ích trong những quyết định quan trọng. Nếu vì cái tôi cố chấp, ích kỷ hoặc thiếu lắng nghe, suy xét sẽ dẫn đến hành động đáng tiếc, đặc biệt là trong hôn nhân.
Cả hai người đã gắn kết trong một thề ước có thể coi là thiêng liêng, hai nửa trái tim thành một. "Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê". Trong hôn nhân, đôi khi sự đúng sai không phải lúc nào cũng cần rạch ròi, nhất là với những việc nhỏ nhặt.
Chẳng hạn, vợ thích ăn rau, trái cây, chồng thích ăn thịt. Cả hai có thể dung hòa bằng cách nấu hoặc đặt các món đa dạng, mỗi người tập ăn theo sở thích người kia một chút chẳng hại gì.
Độ tuổi nào sẵn sàng cho hôn nhân?
Nói về độ tuổi được xem là sẵn sàng cho hôn nhân, ông Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng khi kết luận về sự trưởng thành của một cá nhân nào đó thì độ tuổi chỉ là một trong số các yếu tố chi phối.
Tuy nhiên về mặt số đông, càng lớn tuổi, càng chiêm nghiệm thì một người sẽ có cách ứng xử thông minh và phù hợp hơn.
"Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao, 70% các vụ việc ly hôn xuất phát từ gia đình trẻ, trong độ tuổi 18-30 tuổi.
Các nghiên cứu trên thế giới không tìm thấy mối quan hệ trực tiếp giữa việc kết hôn sớm và ly hôn, nhưng có chỉ ra một vài yếu tố ở những người sau 25 tuổi khi lập gia đình sẽ sở hữu những yếu tố khiến mối quan hệ trở nên bền vững hơn.
Ví dụ như có trình độ học vấn cao hơn, có khả năng làm ra tài chính tốt hơn, từ đó việc lựa chọn người bạn đời sẽ sáng suốt và chính xác hơn", ông An phân tích.
Ông cũng lưu ý không nên hiểu việc trì hoãn này một cách cơ học là đợi đến độ tuổi nào đó mới lập gia đình.
Mà nó liên quan đến sự hoàn thiện nhân cách, ổn định trong đời sống tâm lý, hiểu được cách ứng xử, giao tiếp và xử lý mâu thuẫn trong mối quan hệ trước khi thật sự nghĩ đến việc dọn về cùng một nhà.
Không tranh cãi khi đang bị cảm xúc lấn át
Mới đây, một cuộc khảo sát 1.000 người Mỹ đã hoặc đang trong quá trình ly hôn cho thấy căng thẳng tài chính không phải là dấu hiệu cảnh báo quan trọng của hôn nhân đang trên bờ vực tan vỡ.
Tỉ lệ 40% câu trả lời nghiêng về sự thiếu quan tâm đến nhau, vụng về khi giải quyết xung đột, thậm chí tránh mặt nhau, theo tạp chí Forbes.
Vợ chồng nhà tâm lý học nổi tiếng John và Julie Gottman đã chung sống 35 năm, chia sẻ trên kênh tin tức CNBC (Mỹ) rằng họ hiểu rõ cách vun đắp mối quan hệ lâu dài, dù cũng mắc sai lầm, tranh cãi, thất vọng trong đời sống chung.
Tuy nhiên, họ tuân thủ nguyên tắc không tranh cãi khi đang bị cảm xúc lấn át. Vì lúc đó, ta khó có cuộc trò chuyện như ý, cảm xúc dâng trào đột ngột, khó suy nghĩ và hành động đúng đắn.
Khi tiêu cực ngự trị, thần kinh con người sẽ chuyển sang chế độ "chiến đấu" hoặc tránh né vấn đề. Tiến sĩ Gottman nhận định, nếu ta cảm nhận tim đập nhanh, khó tập trung, cơ hàm siết chặt, muốn nói những điều tiêu cực… đây là lúc có thể gây xung đột trong mối quan hệ, hình thành sự oán giận.
Khó để ngăn bản thân không bùng nổ, nhưng nếu biết lưu ý cảm xúc và nhận ra mình đang sắp nổi trận lôi đình, chúng ta sẽ không đẩy sự việc quá xa. Ta có thể vào phòng riêng, làm việc gì đó giúp bản thân không tập trung vào cảm xúc bực tức nữa, và bình tĩnh lại, như thiền, yoga, chơi game…
Cả hai có thể nói chuyện với nhau khi tâm trạng ổn hơn. Và các cặp đôi nên nhớ rằng không phải người này hay người kia giành phần thắng, mà cái chính là làm sao cả hai thành một đội, cùng vượt qua những giây phút căng thẳng.
TS Gottman cho rằng trong mối quan hệ, cãi nhau, bất đồng là chuyện thường, nhưng cả hai cần biết điều chỉnh, biết khi nào nên lùi lại, "đình chiến" và lặp lại hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận