Phóng to |
Chị Kim Cương và chồng Naveen tại nhà hàng ở Kathmandu - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Phóng to |
Ông chủ Paul Liao (trái) và đầu bếp Thanh Phương của nhà hàng Sao Nam. Anh Phương cũng là một trong số các đầu bếp nấu ăn phục vụ các cầu thủ U-19 Việt Nam trong dịp đội tuyển sang Malaysia thi đấu hồi tháng 9, 10 vừa qua - Ảnh: Việt Phương |
Phóng to |
Bà chủ Le Dalat Hoa Lý cùng hai nhân viên người Thái tại nhà hàng - Ảnh: Việt Phương |
Người Việt đi du lịch nước ngoài mà đến một nhà hàng Việt Nam để dùng bữa xem ra sẽ bị nói là... vô duyên. Thế nhưng, giữa nơi đất khách quê người mà bắt gặp hình ảnh thân quen lại là một cảm giác lạ lẫm xen lẫn tự hào.
Người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc, người Pháp... đều có những món ăn trứ danh có mặt khắp năm châu. Đi đến ngóc ngách nào của thế giới cũng thấy các nhà hàng của họ. Đó dường như là một thứ quyền lực mềm mà cửa ngõ để đi vào lòng người chính là... dạ dày.
Phở Việt vùng Himalaya
"Bây giờ họ thêm thắt nhiều thứ vào món ăn quá, không giống như đồ ăn khi xưa" |
Cách đây vài năm, nếu tới thủ đô Kathmandu của Nepal mà nói rằng bạn là người Việt Nam, dân bản địa có khi sẽ ngớ người ra hỏi Việt Nam nằm ở đâu. Nhưng nhắc đến Nhật Bản, Trung Quốc, hay thậm chí là Thái Lan người ta biết ngay.
Và cũng cách đây vài năm, một phụ nữ gốc Việt đã theo chồng người Nepal từ Hawaii (Mỹ) về Kathmandu thăm bố mẹ chồng. Nguyên cớ đơn giản vậy đã giữ chân chị Võ Thị Kim Cương và chồng, anh Naveen Saru (hai người quen nhau khi du học tại Hawaii) ở lại đất Nepal, khởi nghiệp với quán cà phê Upstairs, bán đồ ăn Việt Nam.
Thời gian đầu là cả một thời kỳ khó khăn dồn dập. Nếu ai đã đến Kathmandu đều trải nghiệm được một điều: thành phố này cắt điện 8-12 giờ mỗi ngày. Lúc cúp điện thì phải dùng máy nổ mà dầu chạy máy không phải lúc nào cũng có sẵn. “Có khi lại thiếu nước mà nước người ta chỉ cung cấp cho mình lúc 10g đêm” - chị Kim Cương kể.
Khó khăn là vậy nhưng sau một năm, lượng khách đến quán rất đông khiến chỗ đậu xe hơi không đủ. Chị Kim Cương mở tiếp nhà hàng Saigon Phở to hơn, có bãi đậu xe. Saigon Phở trông như một biệt thự xinh xắn với lớp sơn đỏ đặc trưng của nhà cửa ở Kathmandu, bên trong trang hoàng nón lá và những bức tranh về đất nước, con người Việt Nam.
Tên là Phở nhưng nhà hàng có cả cơm truyền thống với các món quen thuộc trong mỗi bữa cơm gia đình Việt Nam như thịt kho trứng, canh chua cá. Các món như gỏi trộn, gỏi cuốn cũng không thiếu. Hương vị thì không thể chê vào đâu được, đậm chất Việt Nam.
Không chỉ người Nepal mà khách du lịch Âu - Á đều biết tiếng nhà hàng này. Những ngày cuối năm 2013 vừa qua, chị Kim Cương hồ hởi khoe quán đắt khách lắm.
Sao Nam giữa trời Kuala Lumpur
Hơi khó để tìm thấy nhà hàng Sao Nam trên một con phố nhỏ tập trung nhiều nhà hàng châu Á ở thủ đô Kuala Lumpur. Nhưng cứ nhìn hình ảnh sao vàng trên nền cờ đỏ và các họa tiết tranh cổ động trên bảng hiệu thì biết ngay đây là nhà hàng Việt Nam trứ danh ở đất Malaysia.
Lên các trang web cộng đồng du lịch, dễ thấy Sao Nam được đánh giá cao và được nhắc nhiều với món gỏi măng cụt, chạo tôm, bánh xèo, chả giò... Trong nhà hàng có treo tấm biển chứng nhận bốn sao của TripAdvisor, trang cộng đồng mạng du lịch lớn của thế giới. Ông chủ Paul Liao dường như chẳng quan tâm về chuyện đó. Ông xuất hiện tại quán trong một buổi trưa tháng 10 với vẻ giản dị, không giống với điệu bộ của một ông chủ nhà hàng.
Trong một dịp tình cờ sau chuyến đi Việt Nam, ông Liao đã “phải lòng” với ẩm thực Việt và rồi Sao Nam là kết quả của “mối tình” đó. Ông kể thời gian đầu đã mời cả một nữ đầu bếp lừng danh ở Việt Nam sang lên thực đơn và hướng dẫn cho các đầu bếp của ông.
Đến nay, Sao Nam đã hoạt động được mười năm và rất đắt khách, nhất là vào các buổi tối. Sao Nam có nhiều món đặc trưng và nổi tiếng của Việt Nam nhưng cũng có những món lạ miệng, đặc sản vùng miền như gỏi măng cụt, gỏi thanh long, gỏi bưởi. Còn lại thực đơn không thể thiếu gỏi cuốn, gỏi ngó sen, bò lá lốt, cá kho tộ, canh chua cá, phở, bún thang...
Vì ở Malaysia có đông người Hồi giáo nên các món có thịt heo đã được thay thế bằng các thành phần khác như cừu, bò, gà, tôm, mực. Các đầu bếp ở Sao Nam đã phải cố gắng nhiều để vẫn đảm bảo được hương vị Việt và phù hợp với thói quen ăn uống của người bản địa. Anh Phạm Thanh Phương, năm nay 32 tuổi và là đầu bếp của Sao Nam được hơn hai năm, cho biết: “Bên đây người ta không ăn bột ngọt nên nhà hàng phải thay đổi một chút trong cách nêm nếm. Nhìn chung là không thay đổi nhiều” - anh nói. Còn với các món bún thịt nướng hay chả giò, như anh Phương cho biết, nhà hàng đã phải dùng bò và gà thay thế.
Nhà hàng Le Dalat ở Bangkok
Ai ở Bangkok lâu không thể không nghe tới Le Dalat, một nhà hàng Việt trứ danh liên tục đoạt nhiều giải thưởng của Thái Lan bao năm qua.
Bước vào nhà hàng, thực khách dễ choáng ngợp với vẻ quyền quý, cao sang trong một không gian nhà cổ với nội thất và đồ trang trí đậm chất truyền thống Việt Nam, từ những chiếc bình, bức tượng cho đến hoa văn trên nệm ghế ngồi.
Nhắc đến Le Dalat, không thể không nhắc đến người đàn bà đã góp công gầy dựng nên: bà Đoàn Ngọc Hoa hay còn được gọi là Madame Hoa Lý. Ở tuổi 96 gần đất xa trời, bà Hoa Lý vẫn đẹp một cách kiêu sa với bề ngoài được chải chuốt cẩn thận.
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở miền Nam Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, bà Hoa Lý sống trong cảnh lá ngọc cành vàng, ăn uống có người chăm bẵm tận miệng. Bà thừa nhận không biết nấu ăn. Ấy vậy mà Le Dalat lại là một nơi không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài có thể thưởng thức những món ăn hương vị thuần Việt từ gần một thế kỷ trước.
“Muốn nấu ngon thì trước tiên phải biết ăn ngon cái đã” - bà Hoa Lý tủm tỉm cười khi kể về chuyện mở nhà hàng. Cách đây hơn 20 năm, khi bắt đầu mở Le Dalat, bà chẳng biết nấu. Từ Mỹ về Thái Lan sống với con gái, tiếng Thái bà cũng không biết nhiều. Vậy mà với vốn tiếng ít ỏi đó, bà đã hướng dẫn cho đầu bếp bản địa nấu rồi bà nếm cho đến khi nào ưng ý thì thôi.
Cái tuyệt ở bà Hoa Lý là có thể nhớ chính xác hương vị các món ăn dù cuộc đời bà đã đi qua nhiều nơi trên thế giới. Đôi lúc bà than phiền rằng đồ ăn Việt Nam thời nay không còn như xưa nữa. “Bây giờ họ thêm thắt nhiều thứ quá, không giống như đồ ăn khi xưa” - bà Hoa Lý tâm sự.
Bán mắc vì ngon Ăn ở Le Dalat là thưởng thức chứ không phải để làm đầy cái dạ dày. Món gì cũng chỉ một chút, ăn vừa đủ và không bị ngán ngay từ món đầu tiên. Món nào cũng đắt hơn so với bình thường. “Đồ ăn Việt Nam mình đâu có thua kém thức ăn Nhật, Tây, Tàu. Mình phải làm cho mắc chứ” - bà Hoa Lý nói với vẻ mặt hiền hậu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận