Phóng to |
Đại học Hong Kong, một trong những đại học hàng đầu châu Á - Ảnh: Forbes |
Theo tạp chí này, các trường ở châu Á thường ít được để ý tới trong khi có nhiều lợi thế cho sinh viên châu Á: học phí rẻ, gần gũi về văn hóa...
Quốc tế hóa khuôn viên đại học
Các trường đại học ở châu Á xưa nay tập trung đào tạo sinh viên trong nước, nhưng hiện nay đang ngày càng được sinh viên quốc tế biết đến. Nhiều trường đã mở các chương trình hợp tác với các đại học ở Mỹ, trong đó có các trường đại học nổi tiếng như Columbia và Duke.
Theo bảng xếp hạng thường niên các trường đại học trên thế giới (QS World University Rankings), Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là trường số 1 ở châu Á. Xuất phát ban đầu là một đại học y khoa thành lập năm 1905, NUS giờ là đại học đa ngành lớn nhất ở đảo quốc Singapore. Chính phủ Singapore đang đẩy mạnh quốc tế hóa NUS. Trường đã có cơ sở ở Thung lũng Silicon, Philadelphia, Thượng Hải, Bắc Kinh, Stockholm, Ấn Độ và Israel. Năm 2005, NUS đã phối hợp với đại học Duke của Mỹ đào tạo và cấp bằng y khoa. Năm ngoái, NUS đã bắt đầu hợp tác đào tạo sinh viên với đại học Yale danh tiếng của Mỹ.
Đứng hạng 4 ở châu Á và hạng 35 trên thế giới theo QS World University Rankings 2013, Đại học Quốc gia Seoul là đại học công lập uy tín và danh giá nhất Hàn Quốc được thành lập năm 1946. Để được theo học ở trường này, sinh viên Hàn Quốc phải vượt qua kỳ thi đại học cạnh tranh khốc liệt hằng năm. Sinh viên năm nhất của trường này nằm trong nhóm 2,5% sinh viên có số điểm cao trong kỳ thi đại học hằng năm ở Hàn Quốc.
Đại học Quốc gia Seoul đã có chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Pennsylvania (UPENN), Viện Yenching của đại học Harvard, ĐH Stanford và Đại học Yale. Đại học Quốc gia Seoul mạnh về chương trình đào tạo kinh doanh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon là cựu sinh viên của trường này.
Là trường đại học danh giá nhất Nhật Bản, đại học Tokyo (UTokyo) được mệnh danh là “Đại học Cornell của Nhật Bản”. UTokyo nổi tiếng với các chương trình đào tạo liên quan đến chủ đề tế bào gốc, y tế và khoa học nông nghiệp. Đây là ngôi trường có sáu bộ trưởng và bảy người đoạt giải Nobel vốn là cựu sinh viên của trường.
Hong Kong - Trung Quốc cũng có phần
Được mệnh danh là “Đại học Columbia ở Hong Kong”, đại học Hong Kong (HKU) được thành lập từ năm 1911 khi đặc khu này còn là thuộc địa của Anh. HKU vẫn giữ được sự hiện diện quốc tế mạnh mẽ của mình và là trường nổi tiếng có nhiều sinh viên quốc tế theo học. Chỉ năm 2012, trường này có khoảng 6.800 sinh viên theo học. Năm 2008, HKU nằm trong nhóm 50 trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Đại học Bắc Kinh (PKU) cũng là một trong những trường nổi tiếng ở châu Á. Ngôi trường 116 năm tuổi này là ngôi trường ước mơ của đại đa số sinh viên ở Trung Quốc. Được xem là “Đại học Yale ở Trung Quốc”, PKU trong những năm qua đã mở rộng các chương trình nghiên cứu quốc tế nhằm thu hút sinh viên từ Mỹ và châu Âu theo học.
Được coi là viện nghiên cứu các môn khoa học cơ bản dẫn đầu châu Á, đại học Thanh Hoa thường được giới sinh viên gọi là “Viện MIT của Trung Quốc”. Thành lập năm 1911, đại học này có thế mạnh về các ngành kỹ thuật và khoa học tự nhiên. Hằng năm chỉ có 3.300 sinh viên được tuyển chọn trong tổng 8 triệu đơn dự thi. Khoảng 90% sinh viên nhập học theo nghiên cứu các môn khoa học cơ bản. Năm 2013, trường này đã mở học bổng Schwarzman nhằm tuyển chọn 160 sinh viên nước ngoài theo học tiến sĩ các ngành chính sách công, quan hệ quốc tế, kỹ thuật và kinh tế. Chương trình này tuyển ban cố vấn là những thành viên của các trường đại học Harvard, Yale, Princeton và Duke.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận