Đọc Nguyễn Ngọc Tư, những người thích tìm kiếm câu chuyện có lẽ sẽ hoang mang vì mở đầu chị bày ra rất nhiều thứ, dẫn dắt người ta như một cuộc hành trình mông lung.
Có khi đến câu cuối người đọc mới lờ mờ nhận ra vấn đề, hoặc có khi đọc xong vẫn chưa hiểu. Vậy là phải đọc lại và thấm.
Trong từng câu từng chữ, Nguyễn Ngọc Tư có thể bắt người ta dừng lại bất cứ lúc nào để ngẫm.
Bởi chị có cách kể chuyện độc đáo. Hình ảnh đẫm trong từng câu văn của Tư.
Có những miêu tả mà phân tích ra mới thấy sự quan sát tinh tế của Tư.
Trong Trôi, Tư khiến người ta ngỡ ngàng với những nhân vật rất kỳ lạ. Đó là Tường mang án vì cứ đột nhập nhà coi người ta... ngủ trong Mơ người.
Anh chẳng làm gì, chỉ nhìn người ta ngủ vì "Ngủ thì người ta không nghĩ gì, đẹp mà" và "Ngắm thật lâu những người ngủ sâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ".
Là ông già ghiền và không muốn bước ra khỏi chiếc võng ở Đong đưa trong kén.
Là cặp vợ chồng chênh nhau gần hai chục tuổi buộc phải xa nhau và gây chấn động khi dám... nhóm bếp đổ bánh xèo trên máy bay trong Lửa nguội giữa trời.
Đó còn là món nợ kỳ lạ truyền từ đời bà sơ cho con cháu, cứ tới tháng 6 hằng năm sống chết gì cũng phải lên đường đòi nợ, mặc dù chả biết là nợ gì trong Nợ.
Rồi câu chuyện về những người Li quái dị trong Về phía không đâu.
Cứ mải miết đi, bởi dừng lại, để lại thứ gì đó thân thuộc ở mảnh đất ven đường cũng sẽ gợi thương gợi nhớ, là sự phản bội với tập tính lang bạt.
13 mảnh nhỏ trong Trôi của Nguyễn Ngọc Tư có những thứ như siêu thực, không tưởng. Người ta ngỡ ngàng đó nhưng dường như cũng không phản kháng bởi đâu đó có hình ảnh, tâm trạng của họ.
Sự bức bối khiến người ta có thể làm những điều khác biệt, thậm chí... kỳ dị. Như Tư đã viết: "Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời".
Con người là vậy, đôi khi muốn bứt phá, vượt thoát khỏi hiện tại. Thế nhưng ngay sau đó họ lại có thể vướng mắc vào ràng buộc nào đó. Để đôi khi "những cuộc trôi" trong cuộc đời này có thể tạo nên những trái ngang nghiệt ngã...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận